Khái niệm về "hạnh phúc", từ xưa tới nay luôn là một trạng thái lý tưởng trong cuộc sống để con người hướng đến. Nhưng trong tâm lý học, "hạnh phúc" chỉ được đưa vào nghiên cứu từ khoảng thập niên 90 thế kỷ trước, bởi những người tiên phong trong lĩnh vực tâm lý học tích cực (positive psychology).
Vốn là một trải nghiệm tinh thần có phần trừu tượng, nghiên cứu về "hạnh phúc" do đó cũng có nhiều hướng tiếp cận. Một trong số đó là giả thuyết "the well-being theory" của tiến sĩ tâm lý Martin Seligman (một trong những người sáng lập nên positive psychology).
Những yếu tố nào tạo nên cảm nhận của chúng ta về hạnh phúc? Đây là công trình nghiên cứu của Seligman cùng các cộng sự, được ông đúc kết lại trong cuốn "Flourish" vào năm 2011.
Trong đó, ông bóc tách trải nghiệm của sự hạnh phúc thành 5 yếu tố độc lập, để có thể được đo lường trong nghiên cứu. 5 yếu tố này được gói gọn trong thang đo PERMA. 5 yếu tố đó lần lượt là:
POSITIVE EMOTIONS (cảm xúc tích cực): yếu tố này nói đến việc chúng ta có thường xuyên trải nghiệm những cảm xúc tích cực trong cuộc sống hay không? Có hay nuôi dưỡng những cảm xúc ấy bên trong mình hay không. Đó là những khi ta cảm thấy vui, thấy thích thú, thấy hưng phấn, thấy tự hào, hay thấy yêu thương... Việc phát triển những cảm xúc tích cực này sẽ có thể mang lại những giá trị cả về sức khỏe, tinh thần, trí tuệ, và các mối quan hệ xã hội.
ENGAGEMENT (mức độ nhập tâm): khái niệm này bắt nguồn từ giả thuyết "flow" (dòng chảy) của tiến sĩ Mihaly Csikszentmihalyi, có ý nói đến việc bạn có thường hay hòa vào làm một với dòng chảy của cuộc sống hay không? Bạn có sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc hay không? Bạn có hoàn toàn tập trung vào những gì mình đang làm ở thời điểm hiện tại hay không? Việc phát triển được khía cạnh này sẽ giúp bạn hạnh phúc hơn, và phát huy được hết những năng lực mình có.
POSITIVE RELATIONSHIPS (những mối quan hệ tích cực): bao gồm tất cả những tương tác xã hội giữa mình và những người xung quanh, từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp, cho đến cả cộng đồng. Một nghiên cứu được đại học Harvard thực hiện trong suốt hơn 80 năm qua đã rút ra kết luận này. Những mối quan hệ tốt đẹp, sẽ giúp chúng ta hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn, và có trí óc minh mẫn hơn. Và chất lượng, quan trọng hơn số lượng.
MEANING (ý nghĩa): cảm nhận của chúng ta về ý nghĩa trong cuộc sống là rất quan trọng. Seligman cho rằng nó là cảm nhận của sự thuộc về (belonging), của việc phụng sự cho một mục đích hay lý tưởng nào đó vượt lên trên chính bản thân. Theo Seligman, nó có tác động trực tiếp tới cảm nhận về giá trị của bản thân, và tương đồng với một "mục đích sống". Nghiên cứu cho thấy: những người tìm được cho mình ý nghĩa, thường sẽ sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn, và cảm thấy thỏa mãn hơn với cuộc sống.
ACCOMPLISHMENTS (thành tựu): khái niệm này nói đến những quả ngọt trong cuộc sống mà mình đã gặt hái được một cách xứng đáng. Accomplishments cũng có thể được hiểu như việc làm chủ cuộc sống, hay khẳng định năng lực của bản thân. Nó là nguồn động lực thôi thúc chúng ta hiện thực hóa những tiềm năng của mình, hoàn thành những dự án mình đã bắt đầu. Nó giúp ta cảm thấy thỏa mãn với cuộc sống, và xây dựng nên một sự tự hào lành mạnh với chính bản thân.
Và bên ngoài 5 tiêu chí trên, thì cũng không thể nào không nhắc đến những yếu tố bên ngoài phạm vi tâm lý, nhưng cũng có những tầm ảnh hưởng rất lớn. Đó là vấn đề về sức khỏe thể chất, với những yếu tố như tần suất vận động cơ thể, dinh dưỡng, và giấc ngủ.
Chỉ khi đảm bảo được cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tâm lý, thì cuộc sống của chúng ta mới có thể "hạnh phúc trọn vẹn".
Cosmic Writer
Comments