top of page

6 bài học cuộc sống bạn không được học ở trường

Trường lớp dạy chúng ta rất nhiều thứ.


Từ việc thuộc lòng các kiến thức trong sách giáo khoa, cho đến việc tuân thủ nội quy của nhà trường.


Đó là nơi chúng ta gửi gắm phần lớn tuổi thanh xuân, cũng là nơi nắm giữ rất nhiều kỷ niệm, cho dù có đẹp hay không.


Nhưng những gì chúng ta học được ở trường lớp thường không đủ. Phần lớn mọi người đều sẽ chỉ nhận ra điều này khi tuổi trưởng thành ập đến, chúng ta nhận ra rằng: mình biết rất nhiều thứ, nhưng có một số thứ cực kì quan trọng để đảm bảo cuộc sống thì lại không được biết, thậm chí vẫn rất lơ mơ. 


Như với mình, khi đã gần bước sang tuổi 30, trải nghiệm ở trường đời cũng có đôi chút, mình nhận thấy rằng: có những thứ phải học từ trải nghiệm thực tế, chứ không thể học được chỉ từ sách vở.


Và trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ những bài học quan trọng nhất mà mình đúc kết được trong suốt những năm tháng học "trường đời".


Cùng mình tìm hiểu nhé!



Bài học 1: Học tập là hành trình cả cuộc đời


Thời còn phải đến trường, mình từng có suy nghĩ đơn giản: chỉ cần tốt nghiệp, lên đại học, có tấm bằng và sau đó đi làm kiếm tiền.


Mặc dù trên lý thuyết là vậy, nhưng thực tế mình nhận ra: kể cả sau này, đi làm rồi, mình cũng vẫn phải tiếp tục sự học.


Học không phải chỉ là lên lớp nghe giảng. Thay vào đó, mình sẽ cần phải chủ động, tự mua sách về đọc, tự đăng ký các khoá học thêm, tự học hỏi công cụ và kỹ năng mới, tự tìm kiếm những người mentor dẫn dắt...


Vì một số lý do như sau:


Thứ nhất, trường lớp dạy nhiều về lý thuyết, nhưng lại đặc biệt thiếu về thực hành.


Thực tế, để trở thành một cá nhân có giá trị, bạn không phải chỉ cần có kiến thức, mà còn cần phải có cả kỹ năng.


Không phải chỉ quan trọng bạn biết gì, mà còn là bạn làm được gì.


Tất nhiên, điều này không có nghĩa là kiến thức lý thuyết không quan trọng. Nhưng ít nhất, trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, bạn cần phải có những kỹ năng thực tế để đảm nhiệm được công việc.


Học tập là hành trình cả đời
Học tập là hành trình cả đời

Thứ hai, xã hội đang thay đổi với một tốc độ rất nhanh.


Trong một bối cảnh cứ chục năm lại có một cuộc cách mạng, nó đòi hỏi chúng ta cũng phải liên tục phát triển để thích nghi, phải liên tục học hỏi và làm mới bản thân để không bị tụt lại.


Chẳng hạn như trong 2023, chúng ta đã chứng kiến cuộc cách mạng A.I. (Trí tuệ nhân tạo). Dù có yêu thích hay không, nó cũng là một sự chuyển dịch tất yếu.


Dù có là người mới hay chuyên gia trong các lĩnh vực, chúng ta cũng vẫn ít nhiều phải tìm hiểu và làm chủ được sự thay đổi này.


Nhiều người sẽ rất chán nản khi nghĩ đến việc phải học thêm gì đó. Nhưng những người giỏi nhất mình từng gặp, đều là những người luôn có một thái độ hào hứng và sẵn sàng với việc học.


Đó cũng là điều mình đang cố gắng áp dụng cho bản thân, cũng như đã chia sẻ về nó không ít lần trong nội dung của mình.

Đối với mình, học tập là hành trình cả cuộc đời.

Bài học 2: Giao tiếp tốt là một lợi thế cực lớn


Là một người có xu hướng tính cách nghiêng rất nhiều về hướng nội, mình đã từng thường xuyên né tránh việc phải giao tiếp.


Mình thích được một mình, thích làm việc độc lập. Một phần cũng bởi vì, mình hơi bị socially awkward (gặp khó khăn trong giao tiếp), và không tự tin với kỹ năng này lắm.


Kết quả là: mình phải chứng kiến những người có trình độ không bằng mình, nhưng lại thành công hơn rất nhiều chỉ vì họ nói chuyện có duyên hơn, có sự hoà đồng, quảng giao, và xây dựng được nhiều mối quan hệ chất lượng.


Mặc dù mình biết, đây là một sự so sánh không được lành mạnh lắm.


Thế nhưng, thú thực, nó cũng đã khiến mình tỉnh ngộ và nhận ra, mình không thể cứ né tránh giao tiếp được mãi. Năng lực giao tiếp kém cỏi là thứ từng khiến mình từng gặp rất nhiều khó khăn.


Như có một phép diễn đạt này mình thấy khá hay: cho dù mình có năng lực chuyên môn ở mức 10 điểm, nhưng khả năng giao tiếp chỉ ở mức 3 điểm, người khác sẽ nhìn nhận mình ở mức 3 điểm mà thôi.


Giao tiếp tốt là một lợi thế
Giao tiếp tốt là một lợi thế

Nếu như mình không truyền đạt được một cách hiệu quả những hiểu biết và ý tưởng chất lượng của mình cho người khác, việc họ không đánh giá đúng trình độ của mình cũng không quá khó hiểu.

Không cần biết mình giỏi thế nào, nếu như mình không thể hiện được cái giỏi đó bằng các phương thức giao tiếp, cũng không ai tin là mình giỏi cả.

Đây là một kỹ năng rất quan trọng mà môi trường giáo dục truyền thống không tạo được cơ hội cho học sinh phát triển.


Như mình ngày xưa đi học: với hơn 50 học sinh trong lớp, bài tập chấm điểm cá nhân, mình không được làm việc nhóm, không có cơ hội được thuyết trình...


Vậy nên, sau 12 năm học, khả năng giao tiếp của mình hầu như vẫn bằng 0.


Việc nâng cao khả năng giao tiếp ở đây không phải là ép bản thân trở nên hướng ngoại hơn, hay làm sao để lấy lòng được nhiều người...


Thực chất, đó là: làm sao để có thể tự tin nêu ra quan điểm, trình bày và diễn đạt những suy nghĩ của mình một cách rõ ràng, rành mạch, và thậm chí có thể thuyết phục được người khác.


Bên cạnh đó, nó còn là khi bạn có thể tạo ra và duy trì được các mối quan hệ. 

Nếu bạn đang muốn cải thiện khả năng diễn đạt và trình bày ý tưởng, mình đặc biệt gợi ý bạn khoá học Know Thyself. Đến với khoá học, bạn sẽ có 12 tuần viết để thấu hiểu bản thân. Mình tin, 12 tuần đó sẽ cũng sẽ là cơ hội để bạn cải thiện rõ rệt khả năng diễn đạt của mình. Bạn có thể tham khảo tại đây nhé.

Bài học 3: Giá trị của tiền bạc


Tiền bạc là một khía cạnh tất yếu của cuộc sống, nhưng lại không thường được nhắc đến ở trường lớp.


Thiếu đi sự giáo dục về việc này khiến nhiều người bước ra xã hội với những tư tưởng rất lệch lạc.


Nhiều người tôn thờ nó, và xem "tiền" như thước đo để phân chia đẳng cấp với người khác, so đo tính toán từng đồng. Nhiều người lại suy nghĩ về nó một cách quá vô tư, sử dụng tiền một cách thiếu cẩn trọng và thiếu kế hoạch.


Đây cũng là điều khiến mình rất loay hoay trong những năm tuổi 20. Sau rất nhiều lần phải "đau đầu vì tiền", mình rút ra thế này:


Thứ nhất, tiền vô cùng quan trọng.


Tuy nó không phải và không nên là thứ quan trọng nhất trong cuộc sống, nhưng chắc chắn chúng ta không thể sống thiếu nó được.


Có tiền chưa chắc đã hạnh phúc, nhưng không có tiền chắc chắn sẽ khổ.


Giá trị của tiền bạc
Giá trị của tiền bạc

Đối với mình, tiền không phải là thứ để khoe ra và thể hiện với người khác, mà để giải quyết những vấn đề rất thực tế như: chi trả cho những bữa ăn của mình, chi trả tiền thuốc men viện phí mỗi khi sức khỏe yếu đi, cho việc giáo dục và phát triển bản thân, cho những chuyến đi để làm giàu vốn trải nghiệm của mình…


Việc nhận thức được đúng giá trị và tầm quan trọng của đồng tiền giúp chúng ta có thể thiết lập một mối quan hệ lành mạnh với nó, trau dồi những kiến thức cơ bản về nó để có thể quản lý vấn đề tài chính của bản thân mình tốt hơn.


Chẳng hạn như việc đặt ra mục tiêu tài chính, hoặc như khi thu nhập chưa cao, đừng nên ham hố chi tiêu những thứ vượt ra ngoài khả năng của mình...


Đối với mình, tiền bạc là một vấn đề cơ bản, nhưng càng tìm hiểu lại càng thấy nó phức tạp.


Vậy nên chúng ta cũng sẽ cần phải trang bị cho mình những tư duy đúng đắn và lành mạnh về nó, để có thể đảm bảo được cuộc sống của mình và người thân.

Nếu như không may mắn có một cuộc sống đủ đầy, ít nhất cũng đừng để bản thân rơi vào cảnh thiếu thốn.

Bài học 4: Trân trọng những sự khác biệt


Khi chúng ta đến trường, hầu như tất cả mọi người đều mặc đồng phục, đều phải học các môn học và làm các bài tập giống nhau.


Đó là một môi trường hầu như ai cũng như ai.


Mục đích của việc này là để mọi người có một sự bình đẳng.


Nhưng nó cũng vô tình khiến cho chúng ta bị gò ép vào những khuôn mẫu. Những sự khác biệt bị xem như điểm yếu, khiến chúng ta thường lựa chọn giải pháp an toàn.


Đó là: làm sao để... giống với người khác?


Nhưng đây là một xu hướng đáng buồn. Vì thực chất, ai cũng đều là những cá thể độc nhất, với những sự khác biệt về tính cách, về trải nghiệm, về mục đích sống.


Việc nhận ra và trân trọng những sự khác biệt của mình sẽ vô cùng cần thiết để chúng ta:


  • Có được những lập trường và quan điểm của riêng mình,

  • Biết cách khai thác những thế mạnh của bản thân để có thể được sống đúng với những tiềm năng của mình,

  • Và tạo ra được những giá trị mới...

Tôn trọng sự khác biệt
Tôn trọng sự khác biệt

Ở một nơi ai cũng giống nhau, những gì chúng ta học và làm đều sẽ chỉ là những giá trị cũ, không có sự đổi mới, sáng tạo, hay đột phá.


Vậy nên, nếu như không biết trân trọng sự khác biệt của mình, chúng ta cũng sẽ thường có xu hướng đánh giá và phán xét người khác mỗi khi nhận thấy ở họ có điểm gì đó khác thường.


Chúng ta áp đặt lên họ những tiêu chuẩn của mình, và khiến những quan hệ giữa người với người trở nên toxic. 


Đối với mình, khi đi học ở nước ngoài, mình may mắn được tiếp xúc với rất nhiều người đến từ các quốc gia khác nhau, các nền văn hóa khau, các quan điểm tôn giáo khác nhau…


Mình nhận ra rằng: chẳng có một tiêu chuẩn sống nào là tuyệt đối cả.


Có rất nhiều thế giới quan khác nhau, rất nhiều cách thức khác nhau để vận hành cuộc sống.


Sự đa dạng văn hóa đó giúp mình học hỏi được rất nhiều thứ, có một tư duy cởi mở hơn trong việc lựa chọn cách mình sống, và bỏ ngoài tai những sự đánh giá để theo đuổi những ý tưởng sáng tạo của riêng mình. 

Nếu như cái tâm của mình hẹp hòi, nhận thức và thế giới quan của mình cũng vậy.

Bài học 5: Thông minh là chưa đủ


Ở trường lớp, chúng ta rất hay đề cao tầm quan trọng của điểm số.


Điểm cao sẽ được xem là thông minh và tài giỏi. Nó khiến chúng ta nghĩ rằng, chỉ cần như vậy là đủ. Nhưng mình không thấy vậy.


Tất nhiên, tài năng là một yếu tố mang lại rất nhiều lợi thế.


Nhưng thực tế, những người tài giỏi nhất, chưa chắc đã là những người thành công nhất. Cho dù bạn có định nghĩa về sự thành công thế nào, nó cũng vẫn sẽ bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố khác nữa.


Chẳng hạn như về khả năng giao tiếp và tạo dựng mối quan hệ như mình có nói. Người có nhiều bạn thì làm gì cũng được ủng hộ. Người có nhiều kẻ thù thì làm gì cũng bị cản trở.


Sâu xa hơn, vấn đề này xuất phát từ cái tâm của mỗi người. Người có sự đàng hoàng, tử tế, biết nghĩ cho người khác, họ cũng sẽ dễ được yêu quý, được tin tưởng. 


Hay như bên cạnh đó là sự nỗ lực.


Cho dù bạn theo đuổi con đường nào đi chăng nữa, nếu như không có sự kỷ luật, sự kiên trì, chắc chắn sẽ không thể đi xa được.


Thay vào đó, bạn sẽ rẽ ngang rẽ dọc và chẳng đến được đâu cả.


Nỗ lực tạo nên kết quả
Nỗ lực tạo nên kết quả

Mình từng gặp nhiều bạn rất giỏi, nhưng cái giỏi đấy lại bị bỏ phí. Các bạn không có những thành quả tương xứng với khả năng của mình, chỉ vì thiếu đi sự kỷ luật và sự quyết đoán trong những việc mình làm. 


Vậy nên mình mới thấy: thông minh không thôi là chưa đủ.


Nếu như không có năng lực xã hội, sự cố gắng, người thông minh vẫn có thể bị tụt lại như thường.

Nhận thấy tầm quan trọng của sự kỷ luật và tập trung trong mọi trải nghiệm sống, mình cũng đã cho ra mắt khoá học Deeper Focus - Làm chủ sức mạnh của sự tập trung. Nếu như bạn thấy mình rất hay nản, không hoàn thành được những mục tiêu đề ra, và rất kém trong khoản kỷ luật bản thân, hãy tham khảo khoá học của mình tại đây nhé.

Bài học 6: Chủ động trong cuộc sống của mình


Điều cuối cùng mình muốn nói đến, đó là tầm quan trọng của một thái độ sống chủ động, một cái proactive mindset.


Sự chủ động ở đây nghĩa là: bạn sẽ cần phải tự xác định rằng mình muốn có một cuộc sống thế nào. Và rồi tự mình theo đuổi điều đó.


Lý do mình muốn nhấn mạnh điều này là vì: khi đi học, chúng ta được đặt ở trong một môi trường được kiểm soát. Mình phải đọc cái gì, phải nộp những bài tập gì, và vào lúc nào… Tất cả đều đã được chương trình học quyết định.


Mọi thứ đã rất rõ ràng mà chúng ta chỉ cần cứ thế làm theo.


Nhưng thực chất, ngoài cuộc sống không giống như vậy.


Khi chúng ta bước ra xã hội và phải tự lo cho mình, không có ai giao bài tập hay giao deadline cho mình cả.


Sự phức tạp của cuộc sống có thể khiến chúng ta cảm thấy mông lung và mất định hướng, không hiểu mình cần phải cố gắng vì điều gì.


Chủ động trong mọi trải nghiệm sống
Chủ động trong mọi trải nghiệm sống

Cũng chính vì việc này, mình từng thấy có những người bạn (và thậm chí bao gồm cả chính mình ngày trước) từng rất loay hoay với sự không rõ ràng như vậy.


Với một sự thụ động, chúng ta thường chờ đợi người khác chỉ cho mình việc mình cần làm, thay vì tự mình quyết định điều đó.


Vậy, chúng ta cần phải làm gì để có được một tâm thế chủ động?


Câu trả lời là: chúng ta cần phải tự đặt ra mục tiêu cho bản thân, lên kế hoạch những việc cần làm, và tự thúc đẩy mình thực hiện nó.


Đây cũng là điều làm nên rất nhiều sự khác biệt giữa những người thành công và những người cứ dậm chân mãi một chỗ.


Có người ra trường một cái là mông lung chẳng biết phải làm gì. Nhưng có những người khát khao chờ đợi có được sự tự do như vậy để được làm thứ mình muốn làm. 


Nhiều khi có thể năng lực của họ không khác nhau quá nhiều, nhưng chính nhờ sự dám nghĩ dám làm, dám biến những ý tưởng của mình thành hành động, mà họ có thể đi được rất xa. 


Final thoughts


Trên đây là những đúc kết của mình, những bài học cuộc sống mình chỉ đúc kết được ra sau khi rời khỏi ghế nhà trường.


Tất nhiên, mình chia sẻ như vậy không phải là để phê bình hay lên án điều gì cả.


Mình chỉ muốn chia sẻ một chút góc nhìn thực tế cho những ai cũng đang ở vị trí như mình ngày trước.


Thực chất, thời đi học, năng lực học của mình cũng khá ổn. Cũng đã có những lúc mình đi thi học sinh giỏi cấp quận, cấp thành phố… Nhưng việc đó không giúp ích được gì cho mình nhiều lắm khi ra trường đi làm sau này.


Có những thứ mình thấy, chỉ có trường đời mới dạy được cho mình.


Bài học cuộc sống cần phải được học từ chính trải nghiệm trong cuộc sống chứ không thể học được trong sách vở.


Rất cảm ơn mọi người đã ghé thăm blog này và lắng nghe những gì mình chia sẻ.


Mình hy vọng, bạn cũng đã rút ra được một điều gì đó cho riêng mình, và có thể áp dụng những bài học này cho chính bản thân.


Hẹn gặp lại bạn ở những nội dung khác nhé.


Hà Minh a.k.a Cosmic Writer

Comments


bottom of page