“Những áp lực nào trong cuộc sống mà bạn đang phải gánh chịu?”
Mấy ngày trước tôi có đăng câu hỏi như vậy trên stories. Rất nhiều phản hồi tôi nhận được nói rằng áp lực của họ đến từ cha mẹ và người thân. Đó là sự kỳ vọng, sự cấm ngăn, thậm chí là sự coi thường.
Thật đau lòng biết mấy khi gia đình, nơi vốn phải là điểm tựa về tinh thần, lại là nguồn cơn lớn nhất cho những gánh nặng về tâm lý của nhiều người trẻ.
Khi một đứa trẻ vẫn còn đang bị lệ thuộc vào gia đình (về tài chính hay nơi ăn chốn ở), đứa trẻ ấy vẫn sẽ còn phải chịu nhiều ảnh hưởng từ cha mẹ. Rất nhiều khi đó là sự áp đặt hà khắc hay độc đoán (là một trong 12 dạng “cha mẹ độc hại” như trong cuốn “Running on Empty” của tiến sĩ Jonice Webb đã chỉ ra). Và lối nuôi dạy này có thể tạo ra chấn thương tâm lý cho con trẻ.
Nhưng khi bản thân những bậc cha mẹ ấy không tự nhận ra được cách nuôi dạy của mình là thiếu lành mạnh, sẽ rất không công bằng khi đặt áp lực “phải làm sao cho cha mẹ hiểu” lên vai một đứa nhỏ vốn đã phải chịu nhiều tổn thương.
Tôi cho rằng: giải pháp duy nhất để người trẻ thoát được khỏi sự lệ thuộc là tự tìm được sự độc lập cho mình. Tuy nhiên, việc ấy thường vấp phải nhiều rào cản. Việc “dám” hành động theo ý mình mà bất tuân lệnh người lớn, thay vì được nhìn nhận đúng bản chất là sự khác biệt về giá trị, lại thường bị dán nhãn là “bất hiếu” hay “vô lễ” (tức những vi phạm nặng nề về đạo đức), khiến cho những đứa trẻ càng cảm thấy tồi tệ hơn khi có cho bản thân những ý muốn khác với của gia đình.
Và khi phải chịu “nghe lời” quá lâu, đứa trẻ có thể an phận làm con mà đánh mất đi tính cá nhân của mình. Bản dạng của chúng được xây dựng quanh việc chiều theo ý người khác, không dám hành động nhất quán với giá trị con người mình, và dần thiếu sự kết nối với bản thân.
…
Vậy vấn đề này đến từ đâu?
Ở góc độ xã hội, người phương Đông thường có lối sống vì tập thể, vì cộng đồng, đề cao sự chân thành (sincerity). Mối quan hệ cha mẹ - con cái không phải chỉ là sự kết nối về tình cảm hay máu mủ đơn thuần, mà còn là những vai trò xã hội với nguyên tắc, trách nhiệm và bổn phận rất cụ thể đi kèm. Ảnh hưởng bởi truyền thống Nho giáo, việc thiết lập trật tự gia đình như vậy được lý giải là góp phần giúp củng cố trật tự xã hội.
Cá thể là một phần của toàn thể, do đó cần phải tuân theo những quy định chung. Như trong tác phẩm điện ảnh "The Farewell" của Lulu Wang, có câu thoại mà tôi rất ấn tượng:
"You think one's life belongs to oneself. But that's the difference between the East and the West. In the East, a person's life is part of a whole. Family. Society."
Dần vượt ra khỏi những khuôn mẫu truyền thống, thế hệ ngày nay có xu hướng sống vì cá nhân, đề cao sự chân thật (authenticity). Đây không phải là sự ích kỷ như nhiều người lầm tưởng, mà thường dựa trên một quan điểm nhân văn rằng: mỗi con người là một cá thể độc lập, với những phẩm chất, tiêu chuẩn, niềm tin và khát vọng riêng.
Qua đó, việc trao quyền tự quyết cuộc đời mỗi người vào tay chính họ, giúp mỗi cá nhân được sống thật với chính mình, được phát huy hiệu quả hơn tiềm năng của mình, cũng như tạo ra môi trường thuận lợi cho sự sáng tạo và đổi mới.
Sự thay đổi này dẫn đến mâu thuẫn thế hệ: người trẻ thường hướng đến sự tự do, cởi mở với những tư tưởng mới, còn người lớn thường hướng về những nguyên tắc, về sự quy thuận trước truyền thống. Cũng có nghiên cứu cho rằng con người có xu hướng dần trở nên bảo thủ (conservative) hơn khi họ già đi theo thời gian.
Ở góc độ tâm lý, khi bước vào ngưỡng tuổi thanh thiếu niên, sự phát triển về bản ngã (ego) cũng bước sang một giai đoạn mới. Như trong tiểu luận "The Stages of Life", nhà tâm lý Carl Jung cho rằng: đây là khi một đứa trẻ dần bước ra ngoài thế giới, và cần phải tự hình thành được bản dạng của mình như một cá thể độc lập trong xã hội. Nói cách khác, người trẻ cần phải tự xác định được rằng mình là ai.
Quyền kiểm soát cuộc đời đứa trẻ, do đó cần phải được chuyển giao từ tay cha mẹ vào tay chính đứa trẻ ấy, và thường chỉ được hoàn tất qua một quá trình giao tranh đầy giằng xé.
Cha mẹ cần phải học cách thừa nhận rằng con mình đã lớn, đã dần tự ý thức được điều gì là tốt nhất cho nó, và buông bỏ sự áp đặt của mình để đứa trẻ dần được trao quyền nhiều hơn. Ngược lại, đứa trẻ cũng cần phải học cách để khám phá và khẳng định con người mình một cách lành mạnh, mà không tạo ra những đứt gãy về giá trị hay vi phạm những chuẩn mực đạo đức.
…
Đối với tôi, một người trẻ cần phải tự minh chứng được sự trưởng thành của mình. Trước hết là với chính bản thân, và sau là với gia đình, với xã hội. Họ có thể làm được việc này bằng cách tự xây dựng cho mình một cái hiểu sâu sắc về bản thân và về thế giới, qua đó tự thiết lập một cuộc sống riêng, định vị được mình như một cá thể độc lập với hệ giá trị lành mạnh.
Trong sự áp đặt và kìm hãm của gia đình, việc này đôi khi đồng nghĩa với sự sẵn sàng phá bỏ đi những nguyên tắc quá cứng nhắc mà những bậc cha mẹ độc đoán đã đặt ra. Giống như chú chim non phá vỡ đi lớp vỏ trứng đã bao bọc chúng để có một cuộc sống của riêng mình.
Nỗ lực này ban đầu có thể sẽ vấp phải sự cấm cản của cha mẹ. Nhưng tôi cho rằng họ sẽ dễ dàng thấu hiểu hơn khi thấy con đã có thể đứng trên đôi chân của mình, có thể tự lo cho bản thân, và thậm chí là lo cho gia đình, cho cộng đồng. Minh chứng bằng hành động như vậy sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với những tranh cãi bất lực.
Ngược lại, cha mẹ thường có tâm lý nhìn nhận con cái như một "phần mở rộng" của chính mình, một vật sở hữu, thay vì nhìn nhận chúng như những con người độc lập. Việc đứa con đã lớn dần không còn trong vòng tay, khiến họ cảm thấy mất kiểm soát, trống vắng như thể đã đánh mất đi một thứ gì đó thuộc về mình. Sự ức chế đó có thể dẫn đến những hành vi tiêu cực.
Tôi nghĩ, họ cần phải nhận thức được rằng: việc đứa con đôi khi làm trái ý mình, chưa chắc đã là biểu hiện của sự chống đối hay xúc phạm. Đó có thể là biểu hiện rằng con đang từng bước học cách làm chủ cuộc đời mình. Và việc tốt nhất những bậc cha mẹ độc đoán có thể làm cho con, là nới lỏng đi sự kiểm soát, và trao cho chúng sự tự do.
Tự do để khám phá bản thân, tự do để khám phá thế giới. Tự do để mắc sai lầm, và tự do để bay trên đôi cánh của mình.
Nhìn chung, tôi cho rằng: quá trình chuyển giao tất yếu về quyền lực giữa cha mẹ-con cái chỉ có thể diễn ra trong hòa thuận, nếu như cả hai phía biết mở lòng và cảm thông cho nhau, thấu hiểu và chấp nhận thế giới quan khác biệt của nhau. Bao hàm trong đó là sự trân trọng: cả những giá trị truyền thống, và cả những thay đổi cách tân.
Như Carl Jung từng viết: người chối bỏ tương lai cũng giống như người chạy trốn quá khứ, họ đều chỉ đang chối bỏ và chạy trốn một phần con người mình.
Cosmic Writer
Comments