top of page

Bạn thật sự lo sợ điều gì?

Nỗi lo sợ, là thứ rào cản tâm lý ngăn chúng ta bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Hoang mang trước những điều chưa biết, nỗi lo sợ gieo rắc vào tâm trí những viễn cảnh tiêu cực, níu giữ chúng ta trong sự tiện nghi và trì trệ.


Về bản chất, nỗi lo sợ là một phản ứng sinh học tự nhiên trước những điều chưa biết. Nó là một cơ chế phòng vệ giúp chúng ta sinh tồn giữa những mối nguy hiểm tiềm tàng của thế giới tự nhiên.


Nhưng nhà tâm lý học tiến hóa Robert Wright có chỉ ra: con người của thế kỷ 21 đang sống trong một thế giới nhân tạo và phi tự nhiên, nơi những nỗi lo sợ dần trở nên phi lý. Thay vì bảo vệ con người khỏi kẻ thù và thú dữ, nỗi lo sợ ngày nay kìm hãm chúng ta khỏi những thử thách mới, những trải nghiệm mới, và cản trở sự phát triển cá nhân.


Wright cho rằng: nỗi lo sợ là "hư ảo" (illusory), và sự hiện diện của nó khiến cái nhìn của chúng ta về thực tại trở nên méo mó và thiếu khách quan.


 

Vậy, chúng ta phải thích nghi thế nào với những nỗi lo sợ luôn sẵn sàng can ngăn không cho ta mon men đến tiệm cận giới hạn của mình? Và quan trọng hơn, làm sao để chúng ta vượt qua được nó?


Trong bài Ted Talk nổi tiếng của mình năm 2017, Tim Ferris cho rằng: bên cạnh việc xác định mục tiêu, chúng ta cũng đồng thời nên làm rõ những nỗi sợ của mình. Ý tưởng này nghe chẳng mấy dễ chịu, nhưng nó là giải pháp hiệu quả và cần thiết.


Vì theo như giáo sư tâm lý Jordan Peterson, để thật sự vượt qua được nỗi sợ, bạn không thể trốn chạy khỏi nó, mà cần phải sẵn sàng tự nguyện đối diện với nỗi lo sợ của mình một cách có kiểm soát và trong chừng mực có thể. Giải pháp này tương ứng với nguyên lý của liệu pháp trị liệu tiếp xúc (exposure therapy).


Bên cạnh đó, việc làm rõ ràng hơn những nỗi lo sợ mơ hồ của mình, sẽ có thể giúp bạn cụ thể hóa được rằng mình thật sự lo sợ điều gì. Ví dụ như khi bạn không dám thể hiện cảm xúc và suy nghĩ của mình trước mắt người khác, có thể là vì bạn sợ bị phán xét, sợ làm phiền mọi người, hoặc sợ bản thân mình kém thú vị.


Dù gì đi nữa, việc tập trung phân tích sâu hơn về nỗi sợ của mình, sẽ giúp bạn chia nhỏ được vấn đề, và cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm ra giải pháp.


 

Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì?


Trong những cuốn nhật ký của mình, hoàng đế La Mã Marcus Aurelius đã liên tục nhắc nhở bản thân, không cho phép mình để nỗi sợ về cái chết khuất phục. Và khi viễn cảnh tất yếu ấy còn chẳng đáng sợ đến thế, thì những rủi ro khác... bỗng trở nên thật nhẹ nhàng để chấp nhận.


"Lo sợ nỗi đau, là lo sợ những điều nhất định sẽ xảy ra" - Aurelius đã viết như vậy trong kinh điển "Meditations".


Quan trọng hơn cả, hãy tự hỏi: bạn sẽ xử lý thế nào khi tình huống xấu xảy ra? Một lối tư duy hướng về giải pháp sẽ giúp bạn không còn mắc kẹt trong những nỗi bất an, và tìm ra những đường hướng hành động cụ thể trong mọi tình huống.


"Rất có thể, mọi việc chúng ta làm đều đi cùng với những cái giá phải trả". Một người bị nhấn chìm bởi nỗi lo sợ hẳn sẽ tự lý giải như vậy.


Nhưng trước khi bạn lựa chọn sự an toàn, đừng quên rằng bản thân việc ấy cũng sẽ có những hậu quả lâu dài. Tim Ferris khuyên rằng: hãy thử nghĩ xem viễn cảnh nào sẽ xảy đến nếu như chúng ta mãi né tránh nỗi sợ? Sẽ có tiềm năng nào bị bỏ phí, cơ hội nào bị khép lại, và ước mơ nào sẽ sụp đổ? Cái giá phải trả cho sự không hành động là gì?


Khi tư duy theo hướng ấy, bạn sẽ nhận ra: bên ngoài vùng an toàn tuy đáng sợ, nhưng ở mãi trong vùng an toàn, thậm chí... còn đáng sợ hơn!


 

Loài người, với tất cả những sự phát triển và tiến bộ, vẫn mang đầy trong mình những nỗi lo sợ vốn chẳng còn tương thích với thế giới hiện đại. Nhưng nó vẫn là di sản của tiến hóa, là một sự thiếu sót không thể tách rời khỏi bản thể sinh học thiêng liêng mà tạo hóa đã dày công nhào nặn.


Tuy nhiên, cho phép mình né tránh nỗi lo sợ, là một giải pháp tồi để thích nghi. Nhiệm vụ của chúng ta, là nhìn thấu được sự phi lý và tính hư ảo của nỗi lo sợ, và được giải thoát khỏi nó để khám phá thế giới một cách chân thực hơn bên ngoài những giới hạn của mình.


Chỉ khi đối diện với nỗi lo sợ, bạn mới thấu hiểu được nó. Chỉ khi thấu hiểu, bạn mới có thể vượt qua.


Cosmic Writer


Comments


bottom of page