top of page

Những bằng đại học "vô dụng" nhất...

Là những tấm bằng mà bạn có được từ việc học đối phó, sao chép, copy tài liệu trong vô thức, nhờ người khác làm hộ bài, hoặc bỏ tiền ra "đi thầy", mua điểm... Đó là những tấm bằng "vô dụng".

Còn những tấm bằng mà bạn có được từ công sức và thực lực của mình, từ niềm say mê ham học hỏi của chính mình... thì cho dù là nó có trực tiếp áp dụng được vào công việc của bạn mai này hay không, tấm bằng đó cũng vẫn mang đầy giá trị.

Vì ít nhất, nhờ nó mà bạn cũng đã rèn được cho mình về đạo đức làm việc (work ethic), về khả năng tư duy độc lập, về những hiểu biết nền tảng về một lĩnh vực nào đó. Bạn sẽ có được một thái độ đúng đắn khi tiếp cận với tri thức, hay thậm chí là một cảm giác tự hào vì biết rằng mình xứng đáng với những kết quả có được. Bên cạnh đó còn là rất nhiều những kỹ năng mềm quan trọng khác mà một môi trường giáo dục bậc cao có thể mang đến, như khả năng làm việc nhóm, xây dựng network, nghiên cứu thông tin, tư duy phản biện, thuyết trình và bảo vệ một ý tưởng...

Những kỹ năng này có thể được phát triển mà không cần đến bằng đại học hay không? Được chứ. Nhưng với hầu hết những công việc entry level (dành cho những người trẻ mới bước chân vào thị trường lao động), yêu cầu công việc sẽ chỉ thường xoay quanh những tác vụ đơn giản và ít quan trọng, không có nhiều cơ hội cho việc phát triển kỹ năng. Không có tấm bằng, cơ hội lại càng ít (trừ khi năng lực của bạn đã xuất sắc từ trước).

Và phải, sẽ có những tấm bằng "có giá trị hơn" trong mắt nhà tuyển dụng, được "ưu ái hơn" ở một thời điểm nhất định... Nhưng nhìn chung, với những nhân sự chưa có nhiều kinh nghiệm để chứng tỏ được năng lực của mình, thì những bài tập, những đồ án đã thực hiện ở bậc đại học, cũng vẫn là những chỉ dấu cho thấy khả năng của họ ở một mức độ nào đó... Vậy nên ít nhiều, có trải nghiệm học đại học vẫn tốt hơn là không.

Giá trị thật sự của việc học nhiều khi sâu sắc và vô hình, không thể dễ được quy giản hay đong đếm bằng việc "có xin được việc hay không", hoặc "được trả lương bao nhiêu". Việc học không phải chỉ là để có được tấm bằng, một "miếng mồi" để bạn câu được "con cá to" trước mắt. Mà tự bản thân nó chính là chiếc cần câu, và kỹ thuật để bạn sử dụng cần câu đó mãi sau này.

Vậy nên là, nếu bạn đang học đại học, hãy gắng dành thời gian để "thực học" (nói theo lời thầy Giản Tư Trung), nghĩa là học thực chất, vì những giá trị thực chất. Còn nếu chưa học, cũng hãy đừng xem nhẹ việc này.

Một tấm bằng sẽ chỉ có giá trị tương ứng với mức độ nỗ lực bạn đã thật sự bỏ ra để có được nó mà thôi.

Cosmic Writer


Commentaires


bottom of page