Nhân tiện mọi người đang nói nhiều về "chữa lành", mình cũng chia sẻ một chút quan điểm về vấn đề này.
Nhìn chung, mình thấy cả những người đam mê chữa lành và những người phê phán chữa lành đều đang bỏ sót đi nhiều luận điểm quan trọng. Hy vọng là những chia sẻ trong bài viết này sẽ mang đến cho mọi người một vài góc nhìn mới.
Những sự mập mờ núp bóng “chữa lành”
Mình thấy thị trường "chữa lành" ở Việt Nam có nhiều điểm không ổn.
Từ quan sát của một người đang hoạt động trong lĩnh vực về tâm lý và phát triển bản thân (rất gần với "chữa lành"), mình thấy không ít người đang núp bóng "chữa lành" nhưng thực chất là lợi dụng sự tổn thương của người khác để kinh doanh tâm linh, chia sẻ những điều không được kiểm chứng, hoặc thậm chí có tính thao túng.
Bản thân mình đã từng phải tự tay xóa rất nhiều những bình luận "đáng ngờ" trong các nội dung của mình. Những bình luận kêu gọi người trẻ đang gặp vấn đề tâm lý đăng ký vào các hoạt động miễn phí của họ. Mình không biết trong các chương trình đó họ chia sẻ những gì, nhưng sự mập mờ về thông tin khiến mình lo lắng, rằng các bạn trẻ đăng ký vào đó liệu có được giúp đỡ hay không, hay sẽ bị lợi dụng cho một mục đích khác đằng sau?
Mình cũng từng được nghe nhiều bạn nói về các "khóa học tâm lý miễn phí" trên Facebook, thực chất ra là các tổ chức tôn giáo "ngầm". Mình không thể đánh giá rằng họ có ý định tốt hay không, nhưng việc truyền bá các tư tưởng tôn giáo phi chính thống nhưng lại ngụy trang bằng "tâm lý học", chắc chắn là một thủ đoạn sai trái. Đúng là không có thứ gì miễn phí, có chăng là chúng ta đang phải trả một cái phí khác vô hình.
Nhìn chung, mình cảm thấy lo lắng vì phần đông người Việt Nam thường không có nền tảng kiến thức về khoa học, thiếu khả năng tư duy phản biện, để có thể phân biệt được đâu mới là nguồn thông tin uy tín, điều gì đúng, điều gì sai, điều gì là khoa học, điều gì là mê tín dị đoan...
Vì thế nên mình đặc biệt tránh xa các từ khóa như "tần số", “tiền kiếp”, "năng lượng", "lượng tử", "luật hấp dẫn", "thần số học", "sinh trắc vân tay"... hay bất kì một khái niệm mang tính huyền bí (mystical) khi mình làm nội dung.
Vì mình biết, hệ tư tưởng đằng sau các khái niệm này là một hệ tư tưởng phi khoa học (unscientific), hoặc ngụy khoa học (pseudo-scientific), nghĩa là không có cơ sở khoa học nhưng lại khiến cho người khác nghĩ đó là khoa học.
Tất nhiên, nếu mọi người quan tâm và yêu thích các chủ đề này, thì mình không có vấn đề gì với việc đó cả. Vì mỗi người đều có quyền quyết định mình tin hay không tin điều gì. Mình tôn trọng điều đó.
Bản thân mình cũng từng làm nội dung về MBTI (hệ thống 16 nhóm tính cách), một công cụ trắc nghiệm và phân loại tâm lý thường bị cho là ngụy khoa học, vì tính xác thực của nó không cao. Mình quan tâm đến MBTI không phải vì cho rằng nó là sự thật, mà vì mình thấy nó là một công cụ hữu ích trong việc phát triển bản thân, giao tiếp và đối nhân xử thế.
Tuy vậy, mình thấy vấn đề nhìn chung vẫn mơ hồ với nhiều người, và vì mình không muốn phải liên tục giải thích, nên đã quyết định không làm thêm nội dung về chủ đề này nữa.
Tương tự như với các khái niệm huyền bí khác mà nhiều người quan tâm. Một khi đã biết các khái niệm này là phi khoa học, việc chia sẻ về nó (dù có cảnh báo cho người nghe hay không) sẽ rơi vào vùng xám về đạo đức mà lương tâm mình thật sự không cho phép mình làm, mặc cho việc có rất nhiều người đặt câu hỏi.
Vậy nên, nếu như bạn quan tâm tới các khái niệm như "tần số", “tiền kiếp”, "năng lượng", "lượng tử", "luật hấp dẫn", "thần số học", "sinh trắc vân tay"... vì mục đích nghiên cứu, hoặc cảm thấy tò mò, hứng thú... thì mình không có ý kiến gì cả. Nhưng hãy cảnh giác với những người truyền bá những điều này như thể chúng là sự thật, vì đó có thể là dấu hiệu của (1) sự thiếu hiểu biết, hoặc (2) sự lập lờ về đạo đức.
Nếu như bạn chưa có tư duy về khoa học, nhưng lại ngờ rằng mình đang gặp phải vấn đề tâm lý, đừng tự chẩn đoán, hoặc nhẹ dạ cả tin với những người đang nhân danh chữa lành, mà hãy tìm đến sự giúp đỡ của những người thật sự có uy tín chuyên môn.
Xoa dịu không thôi là chưa đủ
Thị trường chữa lành ở Việt Nam, nhìn chung, đều chỉ tập trung vào những thông điệp mang tính xoa dịu, ôm ấp những tổn thương.
Đầu tiên, mình nghĩ những thông điệp này là cần thiết. Vì tổn thương không thể được giải quyết bằng việc phủ nhận rằng nó không tồn tại. Mà nó cần phải được nhận diện, được thấu hiểu. Người bị tổn thương cần phải được thấy rằng mình được chấp nhận, và không có gì sai trong việc trải qua khó khăn, hoặc cảm thấy đau đớn vì một biến cố nào đó.
Sự thiếu hiểu biết của nhiều người về các vấn đề tâm lý, cũng như các định kiến xã hội xoay quanh vấn đề này, thường khiến người tổn thương cảm thấy bị cô lập, cảm thấy xấu hổ, và vì thế không dám tìm kiếm sự giúp đỡ.
Tuy vậy, mình thấy hướng tiếp cận này mới chỉ đang giải quyết phần ngọn. Nếu như xoa dịu tổn thương xong mà không có một sự nhận thức rõ ràng rằng vấn đề đến từ đâu, cũng như phải làm gì để giải quyết vấn đề, và để đảm bảo rằng nó không xảy ra lần nữa… thì việc “xoa dịu tổn thương” thực chất mới chỉ như một liều thuốc giảm đau. Vết thương cuối cùng vẫn ở đấy (thậm chí có thể còn đang ngày một tệ hơn), chỉ là chúng ta không còn cảm thấy… đau nữa. Đây là một hạn chế lớn của hướng tiếp cận này.
Bản thân mình cũng đã từng phải trải qua nhưng tổn thương về tâm lý. Nhưng thứ đã giúp mình vượt qua không phải là sự ôm ấp vỗ về, mà là việc mình đã phải đối diện với những thử thách cực lớn. Thử thách đầu tiên là việc trung thực đối diện với tổn thương của mình, giãi bày được nó để có thể nhìn thấy nó rõ ràng hơn. Thử thách thứ hai là việc thay đổi hành động, lập trình lại các thói quen sống để tạo ra cho mình một bản dạng và một trật tự mới. Với mình, đó là hình thành các thói quen tích cực, còn với người khác, đó có thể là việc dứt bỏ một mối quan hệ độc hại, thay đổi môi trường sống, tìm kiếm một sở thích, hoặc bắt đầu một công việc mới phù hợp hơn…
Gần đây, mình cũng nhận được e-mail của một bạn follower, bạn chia sẻ thành thật rằng bạn đang cảm thấy lo âu và bế tắc. Và cứ mỗi khi như vậy, bạn lại tìm đến các podcast chữa lành để được cảm thấy xoa dịu. Nhưng nó chỉ giúp được bạn trong nhất thời, và bạn cứ chìm vào vòng lặp cảm xúc đó mãi mà không dứt ra được.
Mình nghe tới đây và phần nào hiểu ra vấn đề. Việc tìm tới các podcast chữa lành mới chỉ đang là cách để bạn đối phó với vấn đề của mình, như một cách để “chạy trốn thực tại” (escapism) và không phải lo nghĩ về những vấn đề thật sự phía sau.
Cuối cùng, sự xoa dịu chỉ mang lại một cảm giác “yên ổn” giả tạo, một chỗ trú ẩn tạm thời để né tránh, để không phải đối diện với những việc quan trọng khó khăn hơn mà chúng ta cần làm.
Đừng phê phán rằng thế hệ trẻ ngày nay yếu đuối.
Mình thấy có nhiều chỉ trích hướng đến gen-z nói riêng và người trẻ nói chung, rằng ngày nay con người ta quá đỗi nhạy cảm, hở ra là tổn thương, hở ra là cần được “chữa lành”.
Nhưng những đánh giá này thực chất phiến diện, thiếu sự cảm thông, và mới chỉ chạm đến bề nổi của vấn đề. Sự bùng nổ của khái niệm “chữa lành” không phải là minh chứng cho sự yếu đuối của một thế hệ, mà là minh chứng cho sự bất ổn mang tính hệ thống của đời sống hiện đại.
Thay vì chỉ trích rằng người trẻ yếu đuối, hãy thử nhìn lại xem cái xã hội nơi người trẻ được sinh ra đang có những bất ổn gì mà lại gây ra cho họ nhiều tổn thương đến thế. Vì đâu ai có quyền lựa chọn rằng mình sinh ra có nhạy cảm hay không. Mà con người ta sở dĩ cũng là sản phẩm của thời đại mà thôi.
Nhìn lại những áp lực khủng khiếp mà người trẻ phải gánh chịu, mình không thấy bất ngờ khi mối quan tâm dành cho “chữa lành” lại phát triển mạnh đến thế.
Trường lớp đặt lên họ áp lực về điểm số. Gia đình đặt lên họ áp lực về thành tích. Xã hội đặt lên họ một thập cảm những áp lực về thu nhập, về địa vị, về ngoại hình, thậm chí cả về việc sinh con. Con gái 25 tuổi mà chưa có gia đình là lập tức bị soi mói. Con trai 25 tuổi mà chưa có việc làm ổn định là xem như thất bại. Quá nhiều những tiêu chuẩn phù phiếm đang áp đặt lên người trẻ, trói buộc họ trong những khuôn mẫu rằng cuộc sống là phải như thế nào. Và việc social media liên tục lan tỏa những hình mẫu phi thường về sự thành công, càng khiến cho nhiều người cảm thấy tự ti với cuộc sống bình thường mà họ đang có.
Trên đây mới chỉ là một ví dụ đơn giản về cái gọi là “vấn đề mang tính hệ thống”. Chắc mình không thể nói được hết, nhưng hãy thêm vào đây những vấn đề như (1) việc phải sử dụng thiết bị công nghệ thường xuyên ảnh hưởng tiêu cực thế nào đến chất lượng giấc ngủ và sức khỏe tinh thần, (2) suy thoái kinh tế và sự phát triển của A.I khiến cho bao nhiêu người mất việc, (3) mức thu nhập trung bình thấp khiến một người không biết đến bao giờ mới sở hữu được căn nhà đầu tiên, (4) chi phí sinh hoạt cao khiến việc lập gia đình và sinh con trở thành một áp lực quá lớn về tài chính, hay (5) sự thiếu hiểu biết về sức khỏe tinh thần khiến những thế hệ trước vô thức tạo ra những vết thương tâm lý cho những thế hệ sau…
Sống trong một thế giới như vậy, xoay sở với những vấn đề như vậy, việc giữ được sức khỏe tinh thần của mình “lành lặn” gần như trở thành một kỳ tích.
Mình không nói ai có lỗi hay ai phải chịu trách nhiệm cho những vấn đề này. Mình chỉ muốn nói, rằng những khó khăn của cuộc sống hiện đại là quá mới và quá đỗi xa lạ. Thế giới đang thay đổi quá nhanh, kéo theo những vấn đề ngày một phức tạp hơn, những vấn đề mà cơ thể và bộ não của một cá nhân không được tiến hóa để có thể dễ dàng thích nghi.
Vì thế nên, đừng vội phán xét người trẻ, cũng đừng vì “chướng mắt” với hai chữ “chữa lành” mà phủ nhận đi một cuộc khủng hoảng tâm lý đang âm thầm diễn ra. Hãy cảm thông hơn một chút, thử tự hỏi xem rằng vì đâu cuộc sống của thế kỷ 21 này tưởng chừng là dễ dàng nhưng lại khắc nghiệt đến vậy, và làm cách nào để chúng ta có thể chung tay tạo ra một thế giới “dễ sống” hơn cho những thế hệ sau?
Comments