"Tất cả những điều ở người khác khiến ta cảm thấy khó chịu, có thể dẫn ta đến một cái hiểu về chính bản thân mình." - Carl Jung
Ít người nhận ra rằng: khi ta phán xét ai, cũng là khi ta tự phán xét chính mình.
Người hay chê bai ngoại hình kẻ khác, thật ra cũng rất sợ khi phải nhìn vào gương. Người hay khinh thường những xúc cảm yếu đuối, thật ra bên trong có những tổn thương đang bị bỏ mặc. Người hay so đo đánh giá về đẳng cấp, thật ra luôn thấy mình kém cỏi hèn mọn trước những người quyền lực hơn.
Điều này có nghĩa, đằng sau sự ác cảm chúng ta dành cho ai đó, là một phần nội tâm đang bị mình dồn nén và chối bỏ.
Chúng ta nhìn thấy những thiếu sót ở người khác, mà chẳng tự nhìn thấy những thiếu sót của mình, vì một cơ chế tâm lý mà Carl Jung gọi là "sự phóng chiếu" (projection).
Nếu như không tự nhận thức được xu hướng này, lúc nào chúng ta cũng sẽ thấy người khác là "cái gai". Còn mình thì thật hoàn hảo, là tiêu chuẩn lý tưởng của mọi thước đo trên đời. Nhưng thật ra chỉ vì "cái gai" của mình bị giấu nhẹm vào một góc tối, chẳng được mình rộng lòng thừa nhận.
Nhưng "thừa nhận", không có nghĩa chúng ta phải cắn răng chịu đựng nỗi đau mà "cái gai" xấu xí kia tự đâm vào lòng mình. Vì đây cũng chỉ là một phán xét khác cần được mình buông bỏ.
Lòng tự trắc ẩn (self-compassion), đồng nghĩa với việc dũng cảm đối diện với "cái gai" bên trong mình, và rồi nhận ra nó chẳng hề xấu xí hay đáng ghét đến thế. Nó cũng là một phần con người mình, một mảnh tâm hồn cần được mình chấp nhận, thấu hiểu và cảm thông.
Cũng giống như một bông hồng, dù có trên mình đầy gai nhọn, nhưng chẳng hề làm nó vơi đi giá trị hay niềm kiêu hãnh.
Chỉ khi sẵn sàng thương lấy toàn bộ con người mình, cả phần sáng và cả phần tối, bạn mới có thể mở lòng và bao dung với bất kì ai xung quanh.
Vậy nên mới nói: người bạn ghét chính là thầy của bạn. Vì họ cho bạn thấy được phần tối của chính mình.
Cosmic Writer
Comments