top of page

Cái "mình" phi vật lý

Khi nghĩ về mình, ta thường chỉ nghĩ đến cái “mình” hiện hữu bên trong bản thể vật lý, tức cái “mình” gắn liền với cơ thể và ở bên trong cơ thể.


Nhận thức này về “mình” là một hiệu ứng được tạo ra bởi bản ngã (ego). Vì một trong số những chức năng cơ bản của nó là tự phân tách bản thân khỏi thế giới, để ta có thể tự phân biệt được mình bằng một thứ bản dạng độc nhất (unique identity).


Khi suy xét rộng hơn, ta sẽ thấy không hề dễ để xác định được một đường biên ranh giới phân định rạch ròi đâu là “mình” và đâu “không phải là mình”.


Thử cân nhắc mà xem: bên cạnh bản thể vật lý, bạn cũng đồng thời hiện diện trong tâm trí của gia đình và người thân, một bản thể tồn tại ở dạng thức tinh thần (psychic phenomena).


Bạn có thể là niềm tự hào hay nỗi thất vọng, là nguồn cảm hứng hay sự lo âu, là hình mẫu lý tưởng hay một trò hề trong thế giới quan của người khác. Sự tồn tại của bạn có ảnh hưởng và tác động lên trải nghiệm cuộc sống của họ theo những cách mà bạn không thể ngờ tới. Vì mỗi con người không phải chỉ đơn giản là một cá thể độc lập, mà còn là một mắt xích xã hội tồn tại giữa nhiều mắt xích xã hội khác, trong một mạng lưới liên kết đan xen và phức tạp.


Để ví dụ: mấy năm trước mình giảm được 13kg trong vòng khoảng hơn nửa năm nhờ việc thay đổi thói quen vận động và ăn uống. Việc này giúp mình tạo ra được cảm hứng cho những người thân xung quanh mình, giúp họ chú ý hơn đến việc giữ gìn sức khoẻ thể chất (và làm mình cảm thấy rất tự hào).


Hay như người thân đã mất của mình, cho dù họ không còn sống, nhưng cảm tưởng như họ vẫn luôn hiện diện bên trong mình: trong những tâm tư, những ký ức, những bài học, những giấc mơ, hay thậm chí là giọt máu đang chảy bên trong mình.


Và cũng như vậy, “mình” không chỉ hiện hữu duy nhất bên trong thế giới của mình, mà còn đồng thời hiện hữu bên trong thế giới của người khác. Cái “mình” (thật sự) không thể bị bó buộc trong thân xác mình, mà nó vượt ra ngoài phạm vi của cơ thể vật lý, bao hàm cả những tầm ảnh hưởng mà mình tạo ra xung quanh.


Khi tương tác với một ai đó, hãy thử để ý xem mối tương tác ấy với mình làm họ cảm thấy tích cực hơn hay tiêu cực hơn. Đó sẽ là những dấu hiệu cho mình thấy được phạm vi và tầm ảnh hưởng thật sự của mình.


Trong lăng kính của những người tu tập như thiền sư Thích Nhất Hạnh, thì khi chúng ta vượt qua được bức màn của bản ngã, ta có thể thấy mình hiện diện bên trong bất kì ai, hay thậm chí là bên trong mọi biểu hiện của sự sống.


Thông qua cánh cổng kết nối của lòng cảm thông, ta có thể cảm nhận được niềm vui, nỗi buồn, cái thiện, cái ác hiện diện bên trong người khác. Nó là những thứ mà ta có thể đồng cảm được, vì nó chẳng phải là của riêng bất kì ai, mà là những trạng thái của nhận thức mang tính nền tảng mà bất kì ai sinh ra với trí óc con người cũng đều thừa hưởng. Một phần của mình ở bên trong họ, và một phần của họ cũng ở bên trong mình.


Nếu như chỉ hạn chế cái “mình” trong giới hạn của cơ thể, ta sẽ thấy như mình hoàn toàn tách biệt với người khác. Thế nhưng thực chất thì, nếu có sự khác nhau giữa mình với người, thì sự khác nhau ấy chỉ như những trái táo trên cùng một cây.


Cho dù mỗi trái táo đều có những đặc điểm riêng biệt, nhưng nhìn chung, tất cả đều cùng là táo.


Cosmic Writer


Comments


bottom of page