Ngày nay, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên của sự dư thừa.
Như nhà tâm lý Barry Schwartz đã trình bày trong cuốn "The Paradox of Choice" (2004), sự đa dạng quá mức của cuộc sống hiện đại nhiều khi lại khiến chúng ta kém hạnh phúc hơn trước.
Đơn giản như khi chúng ta bị lạc giữa một mê cung rối rắm với quá nhiều lối đi, và phải đang xác định và tìm ra con đường của riêng mình... thì việc càng có nhiều con đường, càng khiến cho bài toán tìm-lối-đi trở nên phức tạp.
Thêm vào đó, chúng ta cũng sẽ thường có xu hướng kém thỏa mãn với những gì đã chọn. Khi số lượng đường có thể đi là nhiều đến vô tận, chúng ta sẽ dễ có xu hướng bị F.O.M.O (sợ bị bỏ lỡ), ngờ vực con đường của mình, và băn khoăn rằng liệu sẽ có một con đường nào khác tốt hơn?
Barry Schwartz gọi hiện tượng tâm lý này bằng khái niệm "nghịch lý của sự lựa chọn". Và rằng nhiều hơn, đôi khi lại chính là ít hơn (more is less).
Đối với mình, đây là một quan sát rất thú vị, và cũng rất đáng suy nghĩ. Bản thân mình nhận thấy rõ hiệu ứng của nó trong việc lựa chọn sự nghiệp:
Ngày nay, số lượng công việc, lĩnh vực, ngành nghề... mà chúng ta có thể lựa chọn là nhiều đến vô kể. Điều này vô thức khiến cho việc quyết định được một hướng đi lâu dài (và có sự cam kết với nó) đồng nghĩa với một sự đánh đổi to lớn.
Đây có lẽ là một mâu thuẫn của cuộc sống hiện đại mà tất cả chúng ta đều đang đối diện: chúng ta muốn có sự tự do, muốn có nhiều sự lựa chọn... nhưng nếu có quá nhiều, thì chúng ta lại không thỏa mãn.
Nhưng chưa cần phải nói tới những ngã rẽ đường đời to lớn, xu hướng "càng nhiều lựa chọn, càng ít tự do" này cũng được thể hiện trong những khoảnh khắc thường ngày. Nhất là khi chúng ta đang dành thời gian để tập trung vào một vấn đề gì đó.
Tiến sĩ tâm lý Jordan Peterson từng rất nhiều lần nêu ra câu hỏi: giữa gần như vô hạn những việc mà chúng ta có thể làm, chúng ta nên lựa chọn làm việc gì ở ngay thời điểm này?
Việc có quá nhiều phim trên Netflix, khiến chúng ta không thể lựa chọn được một bộ phim thật sự đáng để xem.
Việc có quá nhiều sách hay ngoài thị trường, đôi lúc khiến chúng ta mất kiên nhẫn với chính cuốn sách mình đang đọc.
Việc có quá nhiều nội dung trên mạng xã hội, khiến chúng ta không thể dừng lại đọc một bài viết quá dài, mà không suy nghĩ rằng liệu mình có đang bỏ lỡ nhiều nội dung khác thú vị hơn...
Trong bối cảnh ấy, chúng ta cần phải thực hành nghiêm ngặt hơn câu châm ngôn của Mies van der Rohe: "less is more" (ít hơn chính là nhiều hơn).
Đôi khi chúng ta cần phải có sự quyết đoán để loại bỏ đi những sự dư thừa trong cuộc sống của mình. Cần phải chú tâm hơn vào chiều sâu thay vì chiều rộng, thật sự làm chủ được một thứ thay vì chỉ hời hợt với nhiều thứ. Dù đó là trong các mối quan hệ, kỹ năng chuyên môn, con đường sự nghiệp, hay thậm chí là một triết lý sống...
Bên cạnh đó, chúng ta cũng sẽ cần phải quay trở về bên trong và làm cho sáng rõ giá trị sống của mình. Khi chúng ta có cho mình một tầm nhìn để hướng về, hay một hình dung về cuộc sống tương lai mà chúng ta muốn có... dường như tất cả những sự ồn ào của thế giới ngoài kia đều sẽ trở nên không liên quan.
Và giữa mê cung của rất nhiều con đường, một con đường phù hợp nhất sẽ hiện lên trước mắt bạn. Việc có sự tập trung, kiên định, và cam kết với con đường đó, sẽ giúp bạn không còn phải lo nghĩ, và thật sự đạt được sự tự do.
Vậy nên là, khi thế giới càng trở nên ồn ào, sự chuyên tâm của bạn lại sẽ càng trở nên đắt giá.
Nếu như bạn cũng đang muốn phát triển năng lực tập trung của mình, bạn có thể đăng ký khóa Deeper Focus của mình tại đây nha! https://www.cosmicwriter.co/deeper-focus
Cosmic Writer
Comments