top of page

"Càng thông minh, càng bất hạnh"?

Câu nói này có lẽ là một niềm an ủi vô cùng lớn cho những ai đang không cảm thấy hạnh phúc. "Tôi không hạnh phúc, nhưng chí ít là vì tôi thông minh". Có lẽ họ sẽ nghĩ vậy, cũng như tôi từng nghĩ ngày trước.

Nhưng rồi, tôi được nghe chia sẻ này của Naval Ravikant, khiến cho góc nhìn như trong câu nói trên không thể nào đứng vững:

Hạnh phúc cũng là một dạng kỹ năng.

Và vì là kỹ năng, nó hoàn toàn có thể được học, được rèn luyện, được làm chủ để trở nên tinh thông và xuất sắc. Nghĩa là, chúng ta hoàn toàn có thể giúp mình được trở nên hạnh phúc hơn, nếu như chúng ta sẵn sàng chú tâm phát triển thứ "kỹ năng" đặc biệt này.

Điều này tương ứng với những khám phá của tâm lý học tích cực (positive psychology). Theo như "the happiness formula" của tiến sĩ Martin Seligman, mức độ hạnh phúc của chúng ta có đến 40% được quyết định bởi chính cái cách chúng ta tư duy và hành động.

Hay thậm chí xa hơn như thế, "hạnh phúc" còn là một đề tài đóng vai trò trung tâm trong trải nghiệm của con người. Nó từ lâu đã được tìm hiểu, được phân tích, được nghiên cứu dưới lăng kính của nhiều truyền thống triết học. Như từ thời Hy Lạp cổ đại, nó đã là đề tài trọng yếu trong hệ thống tư tưởng của Socrates hay Aristotle.


Sau đó, chủ nghĩa khắc kỷ (stoicism) hay chủ nghĩa tận hưởng (epicureanism) cũng có những quan niệm riêng rất sâu sắc về hạnh phúc, thậm chí đôi khi trái ngược lẫn nhau.

Ở một góc độ rộng hơn như vậy, có thể nói, "hạnh phúc" cũng là một môn học. Và kết quả của môn học này tốt đến đâu, tùy thuộc vào việc chúng ta có thật sự quan tâm hay không, và rồi học hành tập trung hay là chểnh mảng.

Vậy nên, nếu như chúng ta thật sự "thông minh", sao ta không vận dụng trí thông minh đó để tìm hiểu xem hạnh phúc thật sự là gì, và điều gì làm ta hạnh phúc? Nếu như chỉ tìm cách lý luận để khẳng định cho niềm bất hạnh của mình, thì đó đã thật sự là "thông minh" hay chưa?

Câu nói này của Naval làm tôi bỗng phải tự nhìn lại mình. Lẽ ra càng thông minh, bài toán về hạnh phúc càng phải dễ tìm được lời giải.

Và nếu chúng ta nói rằng: hạnh phúc đến từ bên trong chính mình? Vậy khi ấy, người thầy đã có sẵn ở bên trong ta rồi. Không ai khác có thể dạy cho chúng ta về hạnh phúc ngoài tự bản thân mỗi người.

Vậy thì, chúng ta có thể viện đến lý lẽ gì để bao biện cho niềm bất hạnh của mình nữa đây?

Comments


bottom of page