top of page

Câu chuyện tâm lý học: ngành "khoa học về tâm hồn"

(Lịch sử và mục đích của ngành tâm lý học)


I. Tâm lý học bắt nguồn từ đâu?


Chữ "psyche" (trong "psychology") có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, mang những ý nghĩa như: sự sống, tinh thần, tâm trí, hay linh hồn.


Từ lâu, khái niệm về "tâm hồn" đã luôn là một chủ đề trọng tâm trong những triết thuyết, những quan niệm tâm linh của loài người, từ Socrates, Plato cho tới Đức Phật.


Nhưng với bản chất mơ hồ của đời sống nội tâm, những quan niệm lịch sử này không thể được tách rời khỏi những diễn ngôn mang tính siêu hình và khó có thể được minh chứng.


Thời kỳ khai sáng (enlightenment era) diễn ra vào đầu thế kỷ 17 ở phương Tây đánh dấu một sự thay đổi về cách con người soi xét và khám phá về "linh hồn". Trong đó, tính logic trong lập luận được đề cao. Vậy nhưng, những thảo luận của Descartes, Kant, hay Hegel thời kỳ này vẫn đơn thuần mang tính duy lý và nằm trong phạm vi của triết học tinh thần (philosophy of mind).


Ý niệm về một ngành tâm lý học thực nghiệm đã xuất hiện từ thế kỷ 16, nhưng sau bị đặt rất nhiều nghi vấn về tính khả tín của nó. Nói cách khác, những tìm hiểu về "linh hồn" của thời kỳ này vẫn chưa thể được coi là khoa học, vì nó thiếu đi tính khách quan tuyệt đối như những bộ môn tự nhiên khác như toán học, hóa học, hay vật lý.


Những mâu thuẫn và tranh luận trong suốt nhiều thế kỷ dần lắng xuống khi Wilhem Wundt (1832-1920) - một nhà sinh lý học người Đức, đã tạo ra phòng thí nghiệm tâm lý đầu tiên trong lịch sử vào cuối thế kỷ 19. Ông được coi là cha đẻ của ngành tâm lý học, người đã chính thức khai sinh ra một ngành "khoa học về tâm hồn" (psychology).


Chữ "logia" trong "psychology" mang ý nghĩa là nghiên cứu, dựa trên gốc là "logos", tức những lý luận mang tính logic.


Kể từ sau Wilhelm Wundt, tâm lý học được coi là một ngành khoa học đúng nghĩa, sử dụng những phương pháp nghiên cứu thực nghiệm (experimental research) để tìm ra những sự thật phổ quát về cách tâm trí con người được tổ chức và vận hành.


Những phương pháp nghiên cứu sơ khai của Wundt tuy phải nhận nhiều ý kiến phê bình, nhưng không thể phủ nhận rằng những đóng góp của ông đã tạo ra nền móng quan trọng cho sự phát triển sau này của tâm lý học.


 

II. Mục tiêu của tâm lý học


Vậy, trên danh nghĩa của một ngành khoa học, tâm lý học hướng tới những gì?


Trải qua tiến trình hơn 100 năm phát triển, ngành tâm lý học ngày nay có 4 mục tiêu chính: (1) miêu tả, (2) giải thích, (3) dự đoán, và (4) điều chỉnh hành vi.


1. Miêu tả: Để có được sự hiểu biết chính xác hơn về tư tưởng và hành vi của con người, các nhà tâm lý hướng đến việc miêu tả lại chúng một cách chi tiết và khách quan. Họ cần phải phân biệt những "hành vi điển hình" và "hành vi phi điển hình", thông qua những phương pháp như nghiên cứu, quan sát, hay trắc nghiệm.


2. Giải thích: Dựa trên quan sát và thí nghiệm, các nhà tâm lý xây dựng các hệ thống lý thuyết, mô hình, nhằm mục đích lý giải về tính cách và hành vi của con người. Xuyên suốt lịch sử ngành tâm lý, đã có rất nhiều học thuyết được ra đời, (trong đó cũng không ít đã bị bác bỏ và thay thế).


3. Dự đoán: Thông qua quan sát, miêu tả và giải thích các kiểu mẫu hành vi, các nhà tâm lý có thể đưa ra dự đoán: tại sao hành vi đó sẽ xảy ra, khi nào nó xảy ra, và sẽ xảy ra như thế nào...


4. Điều chỉnh hành vi: Với mục tiêu cuối cùng, tâm lý học tiến tới (1) thay đổi, (2) ảnh hưởng, hay (3) kiểm soát hành vi của con người; từ đó, tạo ra những sự thay đổi (1) tích cực, (2) ý nghĩa, và (3) bền vững trong cuộc sống của họ.


4 mục tiêu này nối tiếp và bổ trợ nhau tạo thành một tiến trình, giúp tâm lý học phát triển để ngày càng trở nên chuẩn xác và hiệu quả hơn.


 

Trong những thập kỷ gần đây, ngành tâm lý học dần nhận được thêm nhiều sự quan tâm. Không phải chỉ riêng ở Việt Nam, mà theo Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ (APA), đây còn là xu thế phát triển chung của thế giới. (Số lượng việc làm ngành tâm lý trong giai đoạn 2014-2024 có sự tăng trưởng cao hơn 7% so với mức trung bình)*


Với những quy chuẩn nghiêm minh về mục đích và phương pháp nghiên cứu, tâm lý học đang từng bước một xây dựng nên một nền tảng tri thức sâu dày và có hệ thống về đời sống tinh thần của con người.


Và sau hàng ngàn năm khám phá, khái niệm về "tâm hồn" cũng đang dần trở nên sáng tỏ hơn dưới ánh sáng thực nghiệm của khoa học.


Cosmic Writer

Comentarios


bottom of page