Khi đối mặt với những khó khăn thử thách trong cuộc đời, ta nên đương đầu vượt qua, hay đành lòng chấp nhận?
Câu trả lời ắt hẳn sẽ không mang màu trắng đen tuyệt đối như nhiều người vẫn nghĩ.
Nhưng trong một xã hội kim tiền trọng thành tích, trọng thứ bậc, trọng ganh đua, khái niệm về sự "chấp nhận" thường được nhìn nhận dưới một lăng kính tuyệt đối tiêu cực. Như thể là một phẩm chất của những kẻ nhu nhược, yếu đuối, không có ý chí vươn lên.
Thế nhưng có thật vậy không? Hay đây chỉ là một lời nói dối của hustle culture, của chủ nghĩa năng suất độc hại (toxic productivity), muốn ta cảm thấy tội lỗi khi không phải lúc nào cũng hùng hục như trâu?
Gồng sức lên đối mặt với khó khăn nghe sao thật hùng tráng. Nhưng vấn đề gì cũng liều lĩnh lao đầu vào, có khi chẳng phải dũng cảm, mà hóa ra lại là dại dột.
Thực chất, việc nhìn nhận mọi vấn đề như thể "kẻ thù" cần phải tiêu diệt, chưa chắc đã là sáng suốt. Cảm giác khó chịu với những vấn đề ấy chỉ xuất hiện như một thứ cơ chế phòng vệ (defense mechanism) khi ta vô thức e sợ rằng những vấn đề đó sẽ có thể thống trị được mình. Nói cách khác, nó là biểu hiện của sự bất an (insecurity).
Tuy nhiên càng phản kháng, ta lại càng bị nó kiểm soát. Khi ấy, ta bị cuốn vào những cuộc giao tranh không cần thiết, mà chẳng hề nhận ra những vấn đề ấy nhiều khi là vô hại.
Vậy nên, ta cần phải nhận biết rõ bản chất của vấn đề trước khi vội vàng phản ứng bằng những đánh giá yêu-ghét.
Khi đã nhận thức được rồi, ta sẽ hiểu vấn đề gì nằm trong khả năng kiểm soát của mình, để chỉ tập trung thời gian và năng lượng vào đó. Ngược lại, ta cũng hiểu rõ vấn đề gì không thể được kiểm soát, sẵn sàng chấp nhận nó và không để mình tổn thương.
Sự sáng suốt thật sự, nằm ở việc phân biệt được rõ ràng hai thứ ấy. Để làm được việc này, ta cần phải đối diện và nhìn thẳng vào vấn đề bằng một cái nhìn không phán xét.
Sự chấp nhận thật sự, do đó, không phải là né tránh vấn đề, mà là sẵn sàng đón nhận nó, ôm trọn lấy nó, bất chấp cái phản ứng vô thức của con người là phải gồng mình lên để chống lại. Vì rốt cuộc, gắng sức mình trong những cuộc chiến không thể thắng, là chỉ đang uổng phí đi nguồn lực có thể dành cho việc khác thiết thực hơn.
Đây không phải là yếu đuối, mà thực chất là biểu hiện siêu việt nhất của sự tự chủ, của việc kiểm soát bản năng. Bạn không cần phải tiêu diệt kẻ thù của mình, vì bạn nhận ra không phải ai cũng làm hại được bạn.
Và, có một nghịch lý lạ đời này, những ai có kinh nghiệm thiền chánh niệm đều sẽ hiểu: khi vấn đề được nhận biết và chấp nhận, nó sẽ không còn trở thành vấn đề nữa.
Khi ta càng cho phép mình đến gần hơn và quan sát những gì làm mình khó chịu, nó lại... càng trở nên dễ chịu hơn.
Vậy nên, lần tới khi vấn đề tìm đến, giơ nanh vuốt đe dọa bạn, hãy bình tĩnh lại mà nhìn nhận thật kỹ xem: đó là thú dữ, hay chỉ là mèo con?
Cosmic Writer
留言