top of page

Chữ viết: nền móng của trí tuệ

I. Cuộc cách mạng nông nghiệp và những cánh cổng được khai mở


Người tinh khôn (Homo Sapiens) như chúng ta ngày nay, thực chất đã tồn tại trên Trái Đất này được khoảng 300,000 năm.


Phần lớn thời gian trong lịch sử, họ là những bộ tộc săn bắt hái lượm với đặc tính phiêu lưu, kỹ năng sử dụng công cụ điêu luyện, và khả năng thích nghi với môi trường tự nhiên siêu đẳng.


Thế nhưng, những bộ tộc này thường chỉ có dân số không quá 50 người.


Mãi cho đến khoảng 10,000 năm trước Công Nguyên, "nền văn minh loài người" như ta biết ngày nay mới bắt đầu nảy sinh. Việc này bắt nguồn từ sự thay đổi của "the agricultural revolution" (cuộc cách mạng nông nghiệp).


Nhờ việc làm chủ được công nghệ trồng trọt chăn nuôi, con người có thể đảm bảo được nguồn lương thực đều đặn, để từ đó tạo nền móng xây dựng những xã hội nguyên thủy. Những xã hội này mau chóng trở thành những đế chế, những nền văn minh thống trị như Mesopotamia hay Ai Cập...


 

II. Sự xuất hiện của những "chức năng nhận thức" mới


Đi cùng với sự thay đổi của cuộc cách mạng nông nghiệp, và việc con người tập hợp lại thành những nền văn minh, là sự thay đổi rất lớn trong đời sống xã hội của mỗi cá nhân.


Giờ đây con người phải làm quen với việc chung sống với rất nhiều người xa lạ: những người không biết tên, không quen mặt, và không rõ liệu có tin tưởng được hay không.


Sự thay đổi này buộc con người phải phát triển một "psychotechnology" (công nghệ tâm lý, hay chức năng nhận thức) trong não bộ để có thể thích nghi với những đòi hỏi của môi trường xã hội trong thời kỳ mới.


Con người từ đó dần phát triển khả năng đọc vị, nắm bắt, và phỏng đoán suy nghĩ, cảm xúc, những gì diễn ra trong tâm trí của người khác. Có thể gọi chung những chức năng tâm lý này là "social skills" (kỹ năng xã hội).


Nhờ sự kết nối giữa người với người, giữa tâm trí với tâm trí, mà con người mới có thể trao đổi, giao thương, và giúp xã hội phát triển.


Có quan điểm cho rằng, nhờ cái "psychotechnology" mới được khai phá này, con người mới có thể quay ngược trở lại để tự nhận biết những suy nghĩ, cảm xúc của chính mình, một kỹ năng mới mà ngày nay chúng ta thường gọi là "self-awareness" (sự tự nhận thức).


 

III. "Cuộc cách mạng tiên đề": nền móng của trí tuệ hiện đại


Tuy nhiên, cánh cổng được mở ra bởi cuộc cách mạng nông nghiệp cũng dẫn tới một sự thay đổi lớn khác, nhưng lại ít được nhắc tới hơn, được Karen Armstrong gọi là "the axial revolution", hay cuộc cách mạng tiên đề.


Nền văn minh loài người tuy đã tồn tại khoảng 10,000 năm, thế nhưng những văn bản triết học, nghệ thuật, tâm linh, tôn giáo... tạo nền móng cho loài người hiện nay thường chỉ bắt nguồn từ khoảng hơn 2,000 năm trước. Kinh Thánh, Kinh Phật, Đạo Đức Kinh, những tác phẩm của Homer, Plato, Aristotle... đều bắt nguồn từ thời kỳ này.


Trí tuệ của hơn 8,000 năm văn minh trước đó hầu như đều đã bị chôn vùi trong lịch sử vào cuối giai đoạn đồ đồng (the bronze age). Vì một vài nguyên nhân phức tạp mà những nền văn minh khổng lồ sụp đổ, một cuộc chuyển giao mà giáo sư John Vervaeke cho rằng là gần nhất với khái niệm "ngày tận thế".


Thời kỳ đen tối sau đó được thắp sáng trở lại nhờ việc con người tiếp tục phát triển một "psychotechnology" (chức năng nhận thức) mới. Đó là khả năng xử lý ngôn ngữ dưới dạng chữ viết (alphabetical literacy), nhờ sự phát triển của những phương tiện lưu trữ và trao đổi thông tin.


Những phát minh này đều đã được con người khám phá từ hơn 8,000 năm trước. Nhưng sau cuộc cách mạng tiên đề khoảng năm 800 - 300 trước Công Nguyên, chữ viết mới dần trở nên phổ biến và nắm vai trò rất quan trọng như trong thế giới ngày nay.


 

IV. Chữ viết đã thay đổi con người thế nào?


Với ngôn ngữ là phương tiện và chữ viết là công cụ, con người có thể thông tri, trao đổi, mài giũa, và phát triển tri thức một cách hiệu quả chưa từng thấy trước đó.


Chúng ta có thể dễ dàng giao tiếp với tổ tiên từ hàng ngàn năm trước thông qua chữ viết trong những lăng mộ, đền thở, và những văn bản cổ xưa. Tri thức dần được tiến hóa chứ không còn bị "đập đi xây lại" sau từng thế hệ.


Trên góc độ cá nhân, chữ viết giúp con người thấu hiểu được hơn chính mình. Bằng việc viết ra những tư duy của mình, con người có thể externalize, tạo hình cho những suy nghĩ vô hình trong tâm trí.


Từ quá trình này, con người có thể tự "phản chiếu" lại chính tâm hồn mình, để từ đó lưu trữ, chỉnh sửa, mài giũa, và phát triển những tư duy mà tâm trí mình sản sinh.


Kết hợp với khả năng tự nhận thức, việc này trở thành một phương pháp tư duy mới siêu việt hơn, mà Robert N. Bellah gọi là "second-order thinking" (tư duy bậc hai).


Cuộc cách mạng tiên đề, do đó là một cánh cổng lịch sử quan trọng. Nhờ việc cánh cổng này được khai mở, chữ viết đã dẫn con người tới một thế giới tương lai văn minh hiện đại.


 

V. Kết


Ngày nay, nhờ những chương trình giáo dục phổ quát, hầu như ai cũng đều biết chữ. Thế nhưng ở những xã hội cổ đại, việc này từng rất khó để học, khó để dạy, và mang ý nghĩa rất lớn. Đừng quên cho tới trước cách mạng Tháng 8, lên đến 90% dân số người Việt không biết chữ.


Với lượng người biết chữ như hiện nay, quả thật không khó hiểu khi những sự thay đổi lớn về công nghệ, kinh tế, chính trị, xã hội... cũng dần được tạo ra theo cấp lũy tiến.


Có lẽ tôi, cùng rất nhiều người của thế hệ ngày nay, đang chờ đợi xem những cánh cổng nào sẽ được tiếp tục mở ra phía trước.


Với những tóm tắt mang tính lịch sử trên đây, hy vọng tôi đã làm sáng tỏ tầm quan trọng của chữ viết - thứ chúng ta vẫn thường take for granted.


Vì những sức mạnh "thần kì" của nó mà tôi rất thích viết và cũng viết khá thường xuyên. Viết ra những tâm tư, suy nghĩ là con đường ngắn nhất để tự kết nối với tâm hồn mình.


Viết lách thường xuyên để rèn luyện khả năng "tư duy bậc hai" sẽ là lời khuyên tôi sẵn sàng gửi đến kẻ thù của mình.


Cosmic Writer


Comments


bottom of page