By Academy of Ideas
Trong số tất cả những câu hỏi được đề cập trong lĩnh vực tâm lý học, dường như một vấn đề trọng tâm là về “tính linh hoạt” (plasticity) của con người. Hay nói cách khác, đó là về khả năng chúng ta có thể thay đổi để thích nghi tốt hơn với những biến chuyển của điều kiện sống.
Trong các tài liệu tâm lý học và phát triển bản thân, những phương pháp và cách thức để tạo ra sự thay đổi thường chiếm vị thế thống trị. Nhưng tiến trình của sự thay đổi thường diễn ra như thế nào trong cuộc đời của một người, lại thường ít được nhắc đến hơn. Mỗi quá trình chuyển hóa bản thân (personal transformation), đều là độc nhất với những sự khác biệt cá nhân. Nhưng một cái nhìn tổng quan hơn cho thấy trong đó vẫn tồn tại những đặc điểm tương đồng về cách con người ta thay đổi.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về những điểm chung đó, dựa trên công trình nghiên cứu của nhà tâm lý Michael J. Mahoney. Một rào cản của việc hiện thực hóa được những thay đổi trong cuộc sống, chính là những hiểu lầm về cách sự thay đổi đó sẽ diễn ra.
Những kiến thức trong bài viết này sẽ đem đến cho chúng ta lợi ích thực tiễn trong việc kiến tạo nên sự chuyển hóa đó.
-
Ở một góc độ nào đó, con người luôn không ngừng thay đổi. Dòng chảy của thời gian và sự biến hóa của môi trường, chắc chắn sẽ đổi thay cách thức mà ta tồn tại. Tuy nhiên, kiểu thay đổi thụ động theo ngoại cảnh như vậy, không phải là điều bài viết này muốn bàn tới.
Thay vào đó, được nói đến ở đây, là những sự phát triển dẫn đến sự trưởng thành. Và sự thay đổi đó, như chúng ta sẽ thấy, phần lớn là nhờ vào năng lực học hỏi và thực hành các kiểu hình (pattern) suy nghĩ, hành vi mới.
Giới tâm lý học từ lâu đã tin vào “giả thuyết hình phễu” (the funnel hypothesis), cho rằng năng lực thay đổi của con người suy giảm đi đáng kể khi chúng ta già đi, nhưng đến nay quan điểm này không còn phổ biến nữa. Các công trình nghiên cứu khoa học về nhận thức và tâm lý cũng đã tiết lộ rằng: con người tuy có thể dễ được uốn nắn hơn trong những năm tháng đầu đời, nhưng chúng ta vẫn có thể học được các hành vi mới và thay đổi các căn tính (fundamental elements) của mình, kể cả khi ta đã là người trưởng thành.
Sự thay đổi lâu dài và hiệu quả nhất của chúng ta là ở cấp độ của những thói quen. Nhưng quá trình thay thế những thói quen xấu bằng những thói quen tốt, chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng. Khi chúng ta càng lớn, thói quen của chúng ta càng ăn sâu, đến mức ta có thể tự hỏi: “liệu ta là người sở hữu những thói quen, hay chính những thói quen đang chiếm hữu chúng ta?” (Michael Mahoney, Constructive Psychotherapy).
Do đó, việc thay đổi thói quen sống, đòi hỏi một tâm thế chủ động từ phía bản thân mỗi người, đi cùng với những nỗ lực tự làm mới cuộc sống của mình. Tất cả sự học hỏi đều yêu cầu ta phải tiếp xúc với cái mới (novelty), và việc xây dựng lại những thói quen của mình cũng không phải ngoại lệ. Chúng ta phải sẵn sàng khám phá và thử nghiệm những cách thức mới để tương tác với bản thân, với người khác, cũng như với môi trường xung quanh chúng ta.
Vì nếu như không có sự đổi mới, thì sẽ không thể có sự chuyển hóa.
“Mọi người có thể thúc đẩy quá trình thay đổi của mình bằng cách tích cực thử nghiệm những phương cách sống mới, thực hành có chọn lọc, và từ đó củng cố những kiểu hình sống mang lại lợi ích cho bản thân.” - (Michael Mahoney, Constructive Psychotherapy).
-
Mặc dù sự mới mẻ hiển nhiên là cần thiết trong quá trình thay đổi, nhưng việc đem sự mới mẻ vào cuộc sống của chúng ta tạo ra những ảnh hưởng như thế nào, lại thường ít được chú ý đến. Vì như Mahoney đã chỉ ra, việc thay đổi quá nhiều có thể được coi là một quá trình “đập đi xây lại" toàn bộ kết cấu, chất liệu của cuộc sống.
Giai đoạn phá vỡ (the rupture phase) xảy ra khi chúng ta phá vỡ các thói quen độc hại (maladaptive) của mình và bắt đầu thử nghiệm với những phương thức mới. Giai đoạn “thay đổi biện chứng” này (dialectic of change), nơi những mâu thuẫn giữa cái “cũ” và cái “mới” diễn ra, thường có tính phi trật tự (disorder). Tuy nhiên, sự hỗn loạn này chính là môi trường thuận lợi, tạo điều kiện cho sự xuất hiện của những kiểu hình tương tác mới, với tiềm năng giúp con người thích nghi tốt hơn với chính mình và với môi trường xung quanh.
"Sự lộn xộn (disorganization) là một thành phần tự nhiên và cần thiết của quá trình thiết lập lại trật tự cuộc sống. Từ những cơn sóng của sự hỗn loạn, một trật tự cuộc sống mới có thể xuất hiện, và nó thường sẽ phức tạp hơn, riêng biệt hơn so với trước đó". - (Michael Mahoney, Constructive Psychotherapy).
Bản chất hỗn độn và vô định/mất phương hướng (disorienting) của quá trình này là lý do tại sao việc thay đổi là rất khó khăn với nhiều người. Khi kết cấu của cuộc sống bị phá vỡ và đảo lộn, chúng ta có thể sẽ cảm thấy lo âu, hoang mang, nghi ngờ, và sợ hãi.
Nhưng nếu chúng ta nhận ra rằng: sự xuất hiện của những cảm nhận này không có nghĩa là chúng ta đang có điều gì đó không ổn, mà thực chất, đó chỉ là một phần bản chất tự nhiên của quá trình thay đổi, ta sẽ bớt nhượng bộ hơn trước những cám dỗ đang lôi kéo ta quay trở lại với lối sống cũ của mình.
-
Bản chất phi trật tự của sự thay đổi cũng ảnh hưởng đến tốc độ quá trình này diễn ra. Nếu chúng ta đi quá xa khỏi những thói quen của mình trong một thời gian quá ngắn, sự hỗn loạn mà quá trình thay đổi này tạo ra có thể trở nên quá tải. Như Mahoney giải thích:
"Có những giới hạn về mức độ và tốc độ mà một người có thể thay đổi mà không gây nguy hiểm đến sự trung kiên về tâm lý (psychological integrity) của họ (nghĩa là, ý thức của họ về bản thân và về thực tại)". (Michael Mahoney, Human Change Processes).
Tuy quá trình thay đổi thường diễn ra từ từ, nhưng nó không diễn ra một cách tuyến tính như một chuỗi những sự tiến bộ đều đặn. Để nói đúng hơn, thay đổi là một quá trình năng động (dynamic), mà ở đó những tiến triển nhỏ, đôi khi lại dẫn đến những bước nhảy đột phá, và sẽ luôn có sự đan xen dao động giữa lối sống cũ của chúng ta và thói quen mới mà ta đang cố gắng hình thành.
“Trong quá trình thay đổi hành vi của mỗi cá nhân, các hành vi ứng phó cũ và mới cạnh tranh lẫn nhau để giành quyền kiểm soát thống trị. Mâu thuẫn này thường được chúng ta trải nghiệm như thể một cuộc đấu tranh hoặc xung đột nội tại”. (Michael Mahoney, Human Change Processes).
-
Đôi khi, sự giao tranh này có thể trở nên quá sức chịu đựng. Tuy nhiên, Mahoney chỉ ra rằng: đó là vì ta thiếu đi khả năng thực hành “nghệ thuật của sự chấp nhận” (the art of acceptance). Chúng ta thường có xu hướng muốn kiểm soát mọi thứ trong cuộc sống, sửa chữa mọi sai sót, và loại bỏ mọi điểm yếu.
Thế nhưng, cuộc sống không bao giờ đơn giản như vậy. Sự trưởng thành từ bên trong mỗi người đòi hỏi ta không chỉ học cách thay đổi, mà quan trọng không kém, là học cách để thực hành sự chấp nhận khi đối mặt với những vấn đề ta không thể thay đổi.
Trong cuốn “Liệu pháp Tâm lý Kiến tạo” (Constructive Psychotherapy), Mahoney đã tóm tắt một cách rất tinh tế tầm quan trọng của cả sự thay đổi và sự chấp nhận trong quá trình phát triển cá nhân:
“Chúng ta xét đoán, và dấn thân vào cuộc sống. Chúng ta ngã về phía trước (fall forward) trong sự tồn tại của mình. Cũng giống như khi một người nhảy dù tự do (hoặc lướt ván, trượt tuyết), tâm thế của người đó thế nào cũng sẽ ảnh hưởng đến chiều hướng và hình trạng của quá trình chuyển động ấy.
Chúng ta đang di chuyển giữa những thế lực (forces) to lớn hơn chính mình rất nhiều. Nhưng, chúng ta có tiếng nói và sự lựa chọn bên trong những thế lực đó. Có lẽ chúng ta không thể hô mưa gọi gió hay ra lệnh cho những vì sao, nhưng chúng ta có thể học cách để hiểu chúng hơn, và để điều chỉnh những cánh buồm, thiết lập những hành động sao cho thuận lợi cho tiến trình của mình.
Và, dẫu cho tất cả những điều này nghe có vẻ tham vọng hay táo bạo, chúng ta cũng vẫn có thể học được cho mình nghệ thuật thiêng liêng của sự chấp nhận, nhẹ nhàng trải nghiệm vũ điệu vô tận giữa sự nỗ lực và sự quy hàng." (Michael Mahoney, Constructive Psychotherapy).
Nguồn: Academyofideas
Dịch bởi: Thanh Lam
Biên tập: Hà Minh
Cosmic Writer
Comments