top of page

Cơn khủng hoảng kiến thức tâm lý

Kể từ khi thường xuyên thực hiện những nội dung có liên quan tới tâm lý học, thi thoảng cũng có vài bạn vào hỏi xin sự trợ giúp của tôi về những vấn đề tâm lý của họ.


Tôi tuy không học ngành tâm lý, nhưng đã nghiên cứu đủ sâu để biết: một lời khuyên có giá trị không thể dễ dàng được trao đi như vậy, nhất là khi vấn đề chưa được thấu hiểu từ tận gốc rễ.


Để có thể đưa ra lời khuyên, những kiến thức quá chuyên sâu chưa chắc đã là yếu tố quan trọng nhất, mà nó chỉ là nguyên liệu phục vụ cho việc tư vấn. Kỹ năng tư vấn bao gồm khả năng lắng nghe, quản lý cảm xúc, giao tiếp xã hội, kinh nghiệm sống… Đây mới là những yếu tố cơ bản của một lời khuyên có giá trị.


Một chỉ dẫn đúng hướng nhưng truyền tải sai cách, chưa chắc đã tạo ra những tác động hiệu quả như dự tính, hay thậm chí còn phản tác dụng. Ngược lại, có trường hợp chỉ cần đến một trái tim biết cảm thông thôi là đã đủ để mở khoá nhiều vấn đề tâm lý hóc búa.


 

Tôi không phải nhà tư vấn, nên nếu tìm đến tôi để giải quyết vấn đề của bạn, tôi xin phép được từ chối. Đây đơn giản chỉ là trách nhiệm của một người có lòng tôn trọng dành cho lĩnh vực này.


Tuy vậy, tôi nhận thấy: chuyện vài người tìm đến tôi, là dấu hiệu cho thấy các dịch vụ tâm lý vẫn còn là điều gì đó “taboo” trong quan niệm xã hội. Bên cạnh những gánh nặng về chi phí không mấy dễ chịu (nhất là với những người vốn đã đang gặp vấn đề tâm lý), còn là những định kiến tiêu cực và sai lầm của xã hội về các chứng bệnh này, thứ đã tạo ra bức tường vô hình ngăn cản người bệnh tìm đến được sự giúp đỡ cần thiết.


Việc đi khám tâm lý, chỉ được nhìn nhận như thể là một phương án cho những trường hợp khẩn cấp, hệ trọng, không còn lựa chọn nào khác. Đến việc chia sẻ với người thân làm sao để họ lắng nghe, cũng đã là một bài toán khó.


Không ai muốn vết thương lòng càng thêm chua xót, khi đã dốc tâm can chia sẻ nhưng rồi chẳng ai hiểu, vì cảm giác lạc lõng khi ấy còn càng nhân lên nhiều lần. Những lời khuyên sáo rỗng như “hãy tích cực lên”, “chỉ là vấn đề tưởng tượng ra trong đầu thôi mà”… hầu như chỉ làm mọi thứ tệ hơn.


Vậy nên, nhiều người thường chấp nhận chịu đựng trong im lặng, gặm nhấm nỗi đau một mình trong thế giới riêng, hay tìm kiếm sự giúp đỡ từ người lạ trên internet. Đây là một thực tế đáng buồn.


 

Vậy nên, tôi cho rằng kiến thức về tâm lý là hết sức cần thiết, không phải chỉ riêng với sinh viên tâm lý, mà còn với tất cả mọi người. Khi những kiến thức này được nhận thức phổ biến hơn, mọi người có thể vừa tự đảm bảo chất lượng đời sống tinh thần cho mình, vừa phá vỡ đi những khuôn mẫu định kiến đang cản trở người bệnh tâm lý.


Tôi không hành nghề tâm lý, nên những kiến thức này tôi tìm hiểu không phải vì tấm bằng hay đồng lương, mà vì tinh thần học hỏi và ước muốn tạo ra giá trị cho cộng đồng. Việc này cho phép tôi tự do khám phá những kiến thức đa ngành như triết học, lịch sử, xã hội, truyền thông… vốn có mối liên hệ chặt chẽ tới tâm lý con người.


Với kinh nghiệm làm luận án thạc sĩ tại nước ngoài, tôi có thể đảm bảo những kiến thức được truyền tải có gốc rễ từ các báo cáo khoa học, các giả thuyết và nghiên cứu của những chuyên gia có tên tuổi trong lĩnh vực.


Sự đồng cảm của tôi dành cho những người đang gặp vấn đề về tâm lý bắt nguồn từ trải nghiệm của chính bản thân, khi vài năm trước tôi cũng đã phải một mình vùng vẫy với trầm cảm ở nơi đất khách quê người.


 

Ngày nay, không quá khó để bắt gặp trên mạng những nội dung mang tính mê tín dị đoan, đánh vào lòng cả tin của những người đang gặp vấn đề tâm lý. Đây là nhóm người đang ở trạng thái tinh thần bất ổn định, rất dễ bị tác động bởi những lời hứa hẹn hoành tráng (nhưng lại phản khoa học).


Trong bối cảnh toàn thế giới đang phải hứng chịu một cuộc “khủng hoảng sức khỏe tâm lý” (mental health crisis), mà gen-z đang là thế hệ bị ảnh hưởng nhiều nhất (với tỷ lệ mắc trầm cảm cao nhất trong lịch sử), việc phổ biến kiến thức tâm lý sẽ giúp được nhiều người tránh được thủ đoạn của những kẻ trục lợi núp bóng tâm linh.


Nếu như bạn có khả năng ngoại ngữ, khóa học “introduction to psychology” của Yale University là một xuất phát điểm phù hợp. Giảng viên là tiến sĩ Paul Bloom, một giáo sư tâm lý học phát triển có rất nhiều đóng góp trong lĩnh vực. Khóa học có thể được đăng ký MIỄN PHÍ trên website Coursera, một sáng tạo tuyệt vời trong mảng công nghệ giáo dục.


Bạn có thể ĐĂNG KÝ THEO HỌC từ đường link sau: https://www.coursera.org/learn/introduction-psychology


Nếu như đang gặp vấn đề về tâm lý, hãy tìm đến Đường dây nóng Ngày mai , một dịch vụ tâm lý phi lợi nhuận, được khởi xướng bởi những người có chuyên môn và tâm huyết trong lĩnh vực này. Bạn không nhất thiết phải chịu đựng một mình.


Cosmic Writer


Comments


bottom of page