"Triết gia" của giới trẻ... Đen Vâu từng nói: "học cách làm chủ được mình trước khi làm chủ ai".
Nghe thì hay đấy, nhất là khi câu hát ăn vào nhịp nhạc. Thế nhưng nó thực sự có ý nghĩa gì?
Tôi từng viết: bạn hoàn toàn có thể làm chủ cuộc đời mình. Nhưng liệu có thật vậy không, hay đây chỉ là một lời khích lệ? Nói bao giờ cũng dễ hơn làm, vậy nên hôm nay tôi sẽ tự phản biện lại chính mình.
Vì sao ta thường muốn "yêu thương bản thân", nhưng lại không thực hiện được những điều bản thân mong muốn nhất?
Nếu như phó mặc mình chìm đắm trong những thói quen không lành mạnh, giam giữ bản thân trong những giới hạn mình tự đặt ra, không hành động để theo đuổi những mục đích và ước mơ mà mình khao khát, liệu đó có thật sự là "yêu thương bản thân"?
Nhiều khi, nếu không định hướng rõ ràng, nếu không vững vàng cầm lái, ta sẽ bị cuốn theo dòng đời mà trôi dạt hết từ chỗ này ra chỗ khác, nhưng rốt cuộc lại chẳng đến được nơi mình cần đến.
Ta biết mình cần năng vận động để giữ sức khỏe, nhưng lại không thể nào lết ra được khỏi ghế.
Ta biết mình nên đọc thêm sách để thu nạp kiến thức, nhưng không thể rời mắt khỏi màn hình điện thoại.
Ta biết mình phải tích cóp khoản tiền tiết kiệm lâu dài, nhưng không kìm được lòng khi shopee đại hạ giá.
Ta muốn trân trọng cuộc sống này và lựa chọn những hành động có ý nghĩa, đúng với những mục đích, lý tưởng, và triết lý mình đề ra, nhưng trên thực tế, lại vô thức chạy theo những instant gratification, hay những sự thỏa mãn nhất thời nhưng vô nghĩa.
Trong góc nhìn của Kierkegaard, ông tổ của triết học hiện sinh, thì đây là sự giao tranh giữa "cái phù du" và "cái vĩnh cửu", mà tâm hồn ta chính là sàn đấu.
Vậy làm sao để có thể thực sự "làm chủ được mình"? Làm sao để sống đúng với những gì tâm hồn mình biết là nên làm, mà vượt lên trên những cám dỗ nhất thời đang kéo mình xuống?
Đen Vâu cũng có viết ở một nơi khác: "... anh là lao công kiêm luôn ông chủ".
Câu trả lời hóa ra chỉ đơn giản đến vậy.
Mỗi chúng ta đều có hai vai trò cần phải đảm nhiệm: "người hành động", và "người giám sát". Ở mọi khoảnh khắc cuộc đời, ta đồng thời phải vào vai cả hai người ấy.
Nếu như bỏ mặc cho "người hành động" tự tung tự tác, ta sẽ giống một chàng nhân viên lười nhác, bỏ bê trách nhiệm ngay khi không thấy có sự giám sát của cấp trên.
Lúc ấy, ta phải đặt mình vào một vị trí cao hơn những đòi hỏi nhất thời, đảm nhiệm vai trò của một "người giám sát", làm đầu tàu tự dẫn dắt bản thân mình đi đúng hướng.
Vậy cũng có nghĩa, bạn không phải chỉ là diễn viên chính trong cuộc đời mình, mà đồng thời cũng chính là đạo diễn kiêm luôn biên kịch.
"Người giám sát" bên trong bạn sẽ tự nhắc nhở bạn làm tròn trách nhiệm với bản thân, ân cần dìu dắt bạn hướng tới những mục đích, lý tưởng, và triết lý mà bạn thực sự, thực sự mong muốn. "Người giám sát" sẽ giúp bạn lựa chọn những cam kết nhất thời phù hợp nhất, với "cái vĩnh cửu" làm ánh sáng dẫn đường.
Chỉ có điều, bạn có đang lắng nghe tiếng nói của anh ta/cô ta hay không? Bạn có đang dành cho "người giám sát" của mình sự quan tâm cần thiết hay không?
Để làm việc ấy, cũng rất đơn giản. Nếu như bạn không muốn bị cuốn vào guồng quay đòi hỏi của những ham muốn nhất thời, vào bất kì khoảnh khắc nào trong ngày, hãy tự hỏi bản thân mấy câu sau:
"Thứ gì đang chiếm lấy sự chú ý của tôi ngay giây phút này? Thứ ấy có thật sự cần thiết, ý nghĩa, hay mang lại bất kì giá trị thiết thực nào cho tôi hay cho người khác hay không? Sự chú ý của tôi tốt hơn nên được dành vào đâu?"
Nếu như tự đưa ra được những câu trả lời thành thật với bản thân, và đồng thời thực hiện được đúng như với những câu trả lời ấy, thì lúc đấy, bạn "làm chủ được mình".
Cosmic Writer
コメント