Chúng ta có thể nghe người khác nói gì, nhưng để thật sự hiểu được nhau không phải dễ.
Việc lắng nghe sâu đòi hỏi ở mỗi người một sự chú tâm, biết đặt mình vào vị trí người khác và không phán xét.
Nó tạo ra một bầu không khí an toàn, tin tưởng, giàu tính cảm thông, để từ đó mỗi người có thể thoải mái mở lòng, kết nối, cùng nhau gỡ rối những bộn bề tâm tư. Khi ấy, những cuộc trò chuyện không còn chỉ là bề nổi, mà còn có thể “thấm” được vào tận sâu bên trong.
Như trong kinh điển "On Becoming A Person", nhà tâm lý Carl Rogers có cho rằng: nếu như con người thật của mỗi người được bày tỏ, được lắng nghe, được chấp nhận, thì bản thân việc ấy cũng tạo nên sự chuyển hóa cho cả người nói lẫn người nghe.
Kỹ năng này tuy giá trị và diệu kỳ đến vậy, nhưng quả thật cũng rất hiếm trong những tương giao thường ngày. Như một lẽ bản năng, con người ta sẽ vô thức có những phán xét về người khác.
Bởi vì: mỗi cá nhân đều có một hệ giá trị, một quan niệm riêng về đúng-sai, tốt-xấu. Và khi hệ quy chiếu này được áp đặt lên ai đó, ta cũng sẽ rất dễ đóng khung, dán nhãn họ trong những định kiến chủ quan của mình.
Kể cả những phán xét “ngầm”, thật ra cũng chẳng dễ giấu. Chỉ cần chút dấu hiệu cũng có thể khiến họ dần khép lại con người bị tổn thương trong một lớp “áo giáp phòng vệ”.
Vậy làm sao để ta có thể lắng nghe được tốt hơn?
Trong cuốn “12 Rules For Life”, tiến sĩ tâm lý Jordan Peterson có đúc kết ra một kinh nghiệm sau nhiều năm làm trị liệu: hãy luôn giả định rằng người mà bạn đang lắng nghe biết những điều bạn không biết.
Dù họ là ai, những câu chuyện họ có thể kể sẽ mở mang nhận thức của bạn theo những cách bạn không thể ngờ tới. Bởi vì, thế giới của mỗi người đều thú vị và đặc sắc theo những cách hoàn toàn riêng biệt. Những bài học quý giá ẩn sâu bên trong họ, ta sẽ không thể được biết nếu như không sẵn lòng khám phá.
Do đó, chúng ta cần học cách lắng nghe với một tâm thế cởi mở, sẵn sàng thừa nhận những đánh giá ta sẵn có về họ có thể là sai lầm.
Còn với tôi, việc lắng nghe sâu sắc, chỉ đơn giản là dành trọn vẹn sự chú tâm vào người mình đang giao tiếp cùng. Đó là lắng nghe trong sự chủ động, và nghe để thấu hiểu, chứ không phải nghe để phản hồi.
Sự hiện diện của ta với họ, quan trọng hơn bất cứ điều gì khác. Khi bị phân tâm, hãy quay trở về hiện tại, vì đó là nơi duy nhất kết nối hai người.
Khi tâm trí mình ngập tràn suy nghĩ, điều gì rót thêm vào cũng bị tràn ra ngoài. Những lời họ nói đi vào tai nhưng lạc giữa những ồn ào nội tại.
Vì thế, tất cả những hệ quy chiếu, những bình phẩm, những phán xét... đều cần được nhận diện và kịp thời buông bỏ. Nói cách khác, trước khi lắng nghe được ai, ta cũng cần phải biết tự lắng nghe chính mình.
Chỉ khi tâm mình "lắng", ta mới có thể "nghe".
Cosmic Writer
bài viết dù ngắn thôi nhưng rất thấm và chứa đựng những giá trị cần thiết truyền tải thông điệp. Cảm ơn bạn vì những liều thuốc bổ như này, chắc có thể do mình cũng lười đọc các bài viết dài nữa nên là sẽ chăm theo dõi các bài viết của bạn!