Ý tưởng này có thể được thấy ở khắp mọi nơi. Bản thân tôi cũng không ít lần nhắc tới trong những bài viết của mình. Nó là một góc nhìn gợi ra nhiều sự khích lệ tinh thần trên hành trình nuôi dưỡng và phát triển bản thân.
Nhưng chúng ta có thể trở thành "phiên bản tốt hơn" của mình thế nào? Nếu như không được liên hệ với những hành động thực tiễn, thì liệu việc hướng đến một "phiên bản" như vậy có thật sự khả dĩ?
Từ trải nghiệm của bản thân, tôi tự đúc kết cho mình trong bài viết này chút suy nghĩ về quá trình trở thành một "phiên bản tốt hơn", cũng như những gì nó thật sự đòi hỏi.
...
01.
Đầu tiên, bạn cần phải xác định cho mình một ý niệm về con người mình muốn trở thành, để lấy đó làm định hướng tổ chức lại cuộc sống.
Nói cách khác, mỗi người cần phải tự định nghĩa được cho mình cái "phiên bản tốt hơn" đó là gì. Bức chân dung ấy có thể không cần phải quá cụ thể và chi tiết, nhưng cần đủ rõ ràng để mình biết nên đi về đâu trong muôn vàn phương hướng giữa "mê cung" cuộc đời.
Đối với tôi, việc định hướng thường bắt đầu từ bên trong, thông qua việc hiểu rõ con người mình và những giá trị sống mình trân trọng. Hoặc, nó cũng có thể được tạo thành qua việc quan sát và học hỏi từ những người đi trước mà bạn ngưỡng mộ.
02.
Khi đã có được định hướng, chúng ta cần phải thiết lập được cho mình một trật tự sống hiệu quả để hướng bản thân tới tầm nhìn đã đặt ra.
Một "trật tự sống" có thể được hiểu như cách bạn sinh hoạt mỗi ngày, một hệ thống vận hành được tạo thành từ những thói quen, những hoạt động mang tính lặp đi lặp lại, hoặc những nguyên tắc đưa ra quyết định. Một trật tự sống hiệu quả, do đó không thể được tạo ra từ con số 0, mà chỉ được tạo thành bằng việc cải tiến từ trật tự sẵn có.
Nói cách khác, mỗi người cần có sự tự soi chiếu, phản tư, để từ đó nhận ra những thói quen tiêu cực đang kìm hãm mình, và tự kiến tạo nên những thói quen mới, lành mạnh và bền vững hơn. Đôi khi, việc này chỉ đơn giản bắt đầu từ câu hỏi: "mình có thể thay đổi những gì trong cuộc sống hàng ngày?"
Việc nhìn nhận cuộc sống của mình như một hệ thống vận hành, giúp bạn tìm ra những giải pháp thực tiễn. Đó sẽ là những sự thay đổi nhỏ nhưng tạo ra tầm ảnh hưởng rõ nét về lâu dài.
Vậy nên, một trật tự sống "lý tưởng", luôn cần phải bao gồm trong đó sự tự cải tiến, liên tục thay đổi và tối ưu cách nó được vận hành.
Cũng giống như một thiết bị công nghệ, để vận hành được tốt nhất cần phải có thời gian nghỉ ngơi, bảo dưỡng, và nâng cấp.
Trong góc nhìn của James Clear (tác giả cuốn "Atomic Habits"), hệ thống (system) thậm chí còn có tầm quan trọng hơn so với mục tiêu (goal). Bản thân tôi cũng thường viết: quá trình luôn quan trọng hơn kết quả.
03.
"Nguyên liệu" cuối cùng, và cũng là quan trọng nhất của hành trình này, chính là tính kỷ luật (self-discipline).
Khi đã có mục tiêu và kế hoạch, khả năng chúng được thực thi nằm ngay ở sự cam kết của mỗi người. Đối với tôi, sự cam kết ấy cũng đồng thời thể hiện sự tôn trọng chúng ta tự dành cho chính mình.
Để có thể nói "không" với những thói quen độc hại cố hữu hay những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài, cần đến một sự nghiêm túc với bản thân, và một lập trường đủ vững vàng mới có thể đảm bảo tính nhất quán.
Những thói quen mới cũng thường không dễ để hình thành nếu như thiếu đi sự nỗ lực bền bỉ từ những bước khởi đầu.
...
Để có thể thật sự trở thành một "phiên bản tốt hơn" của chính mình, tôi cho rằng cả 3 yếu tố trên là vô cùng cần thiết.
Khi ấy, khái niệm về một "phiên bản tốt hơn" không còn chỉ là một lý tưởng nào đó xa vời, mà được hiện thực hóa mỗi ngày thông qua cách chúng ta định hướng, tối ưu hóa cuộc sống, và cam kết với tầm nhìn của bản thân.
Tất nhiên, việc này không hẳn là dễ dàng. Vì bên cạnh đó còn là những nhu cầu về cảm xúc, về việc nuôi dưỡng một mối quan hệ lành mạnh với bản thân, và do đó sẽ có sự khác biệt với mỗi người và với từng thời điểm. Hướng tới một "phiên bản tốt hơn", cũng không đồng nghĩa với việc chối bỏ con người mình ở ngay hiện tại.
Nhưng tôi nghĩ, 3 yếu tố trên đây vẫn là một cái nhìn đủ khách quan để bạn có thể ứng dụng trên tiến trình trưởng thành của riêng mình.
Cosmic Writer
Comments