Quá khứ tuy đã là quá khứ, nhưng tầm ảnh hưởng của nó sẽ còn chân thực và rõ nét như vẫn ở ngay đây.
Những sai lầm, thất bại, đổ vỡ của quá khứ có thể đã trôi qua, nhưng khi sự tổn thương nó để lại là quá lớn, ta vẫn sẽ còn bị lún sâu thêm vào nó.
Vậy làm thế nào để ta có thể thoát ra khỏi những vòng lặp tiêu cực ấy, thoát ra khỏi vết xe đổ mà ta cứ nghiến qua nghiến lại khiến nó càng thêm đau?
Đối với tôi, câu trả lời chỉ đơn giản nằm gọn trong khái niệm của sự "chấp nhận".
Nhưng khoan, không như những hiểu lầm thường thấy, sự "chấp nhận" không phải là bất lực cam chịu, lại càng không phải là nhu nhược yếu đuối.
Những gì đã xảy ra, không một ai có thể thay đổi được. Như dòng sông tuôn chảy không thể ngừng lại, khi những sự kiện trong quá khứ đã trôi dần xa khỏi hiện tại, nó không còn nằm trong tầm kiểm soát của ta được nữa. Nhưng, ta có thể quyết định cách mình đón nhận chúng.
Chấp nhận, cũng đồng nghĩa với việc ta sẵn sàng tha thứ cho mình, hay cho bất kì ai mà ta đã vội vàng đổ lỗi. Lòng bao dung là cái ôm ấm áp của người mẹ, giúp ta dịu đi nỗi đau và được tiếp thêm nhiều sức mạnh. Xin đừng tự trách mình, vì việc ấy chính là chướng ngại của hành trình chuyển hóa.
Chấp nhận, cũng có nghĩa là ta nắm lấy quyền tự chủ, đặt mối bận tâm của mình vào giải pháp nhiều hơn là vào vấn đề. Nếu như ta đang mắc kẹt và dần lún sâu vào một vũng lầy, việc quan trọng nhất khi ấy không phải là tìm người để đổ lỗi, mà là sẵn sàng nhận trách nhiệm để tự cứu lấy mình ra khỏi đó.
Khi ta chấp nhận những gì đã xảy ra, tha thứ cho bản thân và tự tìm cho mình giải pháp, những tổn thương cũ sẽ được chữa lành. Rồi một ngày, bóng ma quá khứ ấy sẽ dần tan biến khỏi tâm hồn bạn, giải thoát bạn khỏi sự ám ảnh của câu hỏi: "sẽ ra sao nếu mọi thứ diễn ra khác đi?"
Làm sao bạn có thể bước tiếp về tương lai, khi đôi vai bạn mỏi nhừ vì những gánh nặng từ quá khứ bạn cứ vô thức mang theo?
Một điều tôi đã tự nhận ra trên hành trình của mình, sau những lần vấp ngã và phải tự mình đứng dậy, đó là việc tự rút ra cho mình những bài học.
Khi bạn nhìn lại những nỗi đau của ngày hôm qua, hãy tự hỏi rằng mình đã học được những gì, đã trưởng thành hơn ra sao, và đã tích lũy được những kinh nghiệm thế nào để tự bảo vệ mình khỏi những tổn thương một ngày mai sẽ đến? Mỗi trải nghiệm ta đi qua, đều có thể để lại cho ta điều gì đó có giá trị.
Sai lầm, thất bại, đổ vỡ là những điều ta không thể tránh. Lòng mình thậm chí đôi khi cũng có thể vỡ tanh bành, nhưng khi ta sẵn sàng chấp nhận việc đó như một phần của trải nghiệm sống, quá trình tự hàn gắn và chữa lành cũng sẽ ngày một dễ dàng hơn, vì ta sẽ tự thấy mình trưởng thành và khỏe mạnh hơn sau mỗi lần như vậy.
Nếu như đến một ngày, ta tự thấy mình có thể thoải mái mở lòng và chia sẻ những tổn thương quá khứ ấy với một người ta tin tưởng, mà nước mắt không còn tuôn rơi, cuống họng không còn nghẹn đắng, thì có lẽ ngày ấy, ta đã phần nào vượt qua được những gì đã xảy ra.
Và vì thế, sự chấp nhận, mới chính là sức mạnh phi thường nhất.
Cosmic Writer
コメント