Một sai lầm khiến cho nhiều người rơi vào burn-out (kiệt sức), là việc không cho phép bản thân giảm tốc.
Họ có kỳ vọng quá cao về hiệu suất và sự phát triển của bản thân, dẫn đến việc phải liên tục lao về phía trước.
Họ không cho phép mình nghỉ ngơi, và vì những mục tiêu mà đánh đổi chính sức khỏe của mình.
Và cũng giống như một chiếc xe, khi phóng quá nhanh cũng là khi bạn dễ mất kiểm soát nhất.
Là một người đã không ít lần rơi vào burn-out, mình rất hiểu cảm giác này. Và mình muốn chia sẻ một chút về câu chuyện của mình:
Hôm vừa rồi, khi tham gia làm speaker trong một buổi talkshow thì mình được hỏi câu hỏi khá thú vị. Chuyện là bởi vì, đã 3 tháng rồi mình không ra video YouTube mới. Đây cũng là câu hỏi mà suốt thời gian qua, đôi lúc cũng có các bạn followers nhắn tin hỏi thăm.
Mình có làm video YouTube nữa không? Câu trả lời là chắc chắn có.
Việc làm video vẫn là phần việc mình yêu thích và đam mê nhất. Nhưng vì một số ưu tiên khác trong sự nghiệp mà mình phải tạm gác lại việc làm video qua một bên để có sự tập trung hơn. Tuy nhiên việc này không làm mình quá lo lắng.
Mình nhớ, thời năm 2022 mình còn có một khoảng thời gian không ra video còn lâu hơn như thế. Có lẽ phải hơn nửa năm, chỉ để tập trung cho dự án sách mà lúc đó mình đang lên bản thảo.
Cho tới khi mình quay video trở lại (mặc dù chỉ là một chiếc video rất ngẫu hứng thôi), thì tình cờ chiếc video ấy trở nên viral, giúp kênh YouTube của mình tăng trưởng từ 5,000 đến 20,000 subscribers chỉ sau vài tuần.
Sự phát triển đó mình nghĩ không phải ngẫu nhiên. Chính trong quãng thời gian ngừng ra video, mình đã định hình được rõ hơn hướng đi mà mình muốn phát triển, đồng thời là có thêm nhiều góc nhìn, trải nghiệm, cảm hứng mới.
Nếu như không có quãng nghỉ đó, mình không nghĩ bản thân đã có thể bứt phá và phát triển hơn như ở thời điểm này.
Mình nhận ra, việc nghỉ ngơi có chủ đích là vô cùng quan trọng. Đến máy móc cũng cần được bảo dưỡng. Chúng ta cũng cần phải có những quãng nghỉ để tự làm mới bản thân, qua đó mới có thể phát triển được một cách bền vững, theo đúng những nhịp điệu của riêng mình.
Và mình cũng quan sát thấy mô thức này trong mọi thứ:
Khi bạn tập kháng lực (resistance training), cơ bắp của bạn không phát triển trong lúc bạn tập, mà nó phát triển trong lúc bạn nghỉ ngơi. Khi bạn tập, bạn đang tự tạo ra những tổn thương cho chính cơ thể của mình. Để sau đó nó có thể trở nên mạnh mẽ hơn sau quá trình hồi phục.
Tương tự như vậy, không phải cứ thức trắng đêm để học đã là tốt. Học trong trạng thái không tỉnh thức thì cũng không hiệu quả gì. Đôi khi việc có một giấc ngủ ngon (và vào được trạng thái ngủ mơ - REM sleep), mới là khi những tế bào thần kinh được tái tạo, giúp những ký ức đã học được ôn tập lại và in sâu hơn trong tâm trí.
Vì thế nên, từ một đứa rất ngại đi chơi (vì tiếc t.i.ề.n), trong năm nay mình đã có sự thay đổi về mindset, đã đầu tư cho những chuyến đi và có những khoảng thời gian rời xa công việc. Vì để sáng tạo (output), mình cần phải thêm tri thức và trải nghiệm (input).
Sau cùng mình chỉ muốn nói:
Những nỗ lực của bạn là vô cùng đáng trân trọng. Nhưng đôi lúc hãy trở về với chính mình, lắng nghe mình sâu hơn, cảm nhận xem bạn đang cảm thấy thế nào? Bạn đang thật sự cần gì? Bạn có thấy mình đang hạnh phúc hay không?
Suy cho cùng, chỉ bạn mới biết rằng ngay lúc này, mình nên ưu tiên thứ gì.
Chỉ cần một chút kết nối với chính mình sâu hơn như vậy, bạn sẽ biết là mình cần đi nhanh hơn hay đi chậm lại. Đi nhanh khi bạn còn có thể. Nhưng đi chậm, mới giúp bạn tiến xa.
(Và tận hưởng hành trình của mình nhiều hơn).
Cosmic Writer
Comments