Có những người đặc biệt nhạy cảm với những cảm xúc từ bên ngoài.
Họ hấp thụ hết nguồn năng lượng xung quanh như một miếng bọt biển. Lẫn lộn trong đó là cả những kỳ vọng, những phán xét, những đòi hỏi... đôi khi khiến họ mệt mỏi và áp lực.
Chúng có thể đến từ những áp đặt của gia đình, những ánh nhìn của bạn bè đồng trang lứa, hay có khi chỉ là những sức ép mơ hồ của định kiến xã hội...
Tất cả những yếu tố này hợp lực, khiến họ phải tự bóp méo chính mình, phải sống làm sao cho đúng với kịch bản mà người khác đã viết.
Khi đó, họ trở thành những "people-pleasers".
...
"People-pleasers" là những người tự chối bỏ bản thân mà chạy theo những tiêu chuẩn bên ngoài, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu chỉ để làm vừa lòng người khác.
Họ là những người luôn sống trong nỗi sợ. Họ lo lắng về việc người khác nghĩ gì về mình, mình có được chấp nhận không, có được yêu quý không, mình có làm phật ý ai không, có làm mọi người thất vọng không... và rất nhiều những âu lo giống vậy.
Hệ quả là nhiều khi họ đau đớn nhưng cứ thế chịu đựng, thậm chí còn chẳng nghĩ rằng mình có lựa chọn khác. Hoặc họ để mãi trong lòng đôi ba câu nói của ai đó, thậm chí oán trách: "vì sao họ không vì mình như mình đã vì họ?"
Nhưng cứ sống cho người khác mãi, thì rồi ai sẽ sống cho mình?
Nếu không tự sống cho mình, thì những vui-buồn của mình, sướng-khổ của mình, có ai chịu được thay không?
Tôi nghĩ, lối thoát duy nhất dành cho những "people-pleasers", chỉ đơn giản đến từ việc nhận thức được một sự thật rằng: việc lựa chọn sống cho mình hoàn toàn không phải là ích kỷ.
Đó chỉ là cho phép bản thân lắng nghe những cảm xúc của mình, nói ra những quan điểm của mình, và hành động theo ý muốn của mình. Nói cách khác, đó là dám sống đúng với con-người-thật của bản thân.
Hãy đặt ra cho con-người-thật ấy những nguyên tắc, những giới hạn, những tiêu chuẩn riêng. Học cách nói "không" khi thật lòng không muốn, và nhận ra rằng không ai có thể làm vừa lòng tất cả mọi người.
...
Bạn thử nghĩ xem:
Những áp lực mà bạn đang phải gồng gánh, bao nhiêu phần là do bạn thật lòng tự nguyện, và bao nhiêu phần là do người khác chất lên? Nếu như không bị ảnh hưởng bởi người khác, bạn muốn mình được sống thế nào?
Hãy cứ cố gắng. Nhưng đừng vì sự công nhận, mà vì niềm tự hào với bản thân.
Hãy cứ cho đi. Nhưng đừng vì sẽ nhận lại được gì, mà vì muốn được tạo ra giá trị.
Hãy cứ vị tha. Nhưng đừng vì lời khen ngợi, mà vì sự thảnh thơi trong tâm hồn.
Sự khác biệt nằm ở chỗ: bạn làm những việc đó vì mình, chứ không phải vì ai khác.
Sự tự nguyện đó có thể không giúp bạn thoát khỏi nỗi sợ, nhưng sẽ giải phóng bạn khỏi sự kỳ vọng được cảm ơn, được công nhận, được yêu quý, những "phần thưởng" về cảm xúc bạn mong đợi sẽ nhận được từ người ngoài.
Vậy nên: ưu tiên bản thân không có nghĩa bạn rũ bỏ và quay lưng với thế giới, hoặc đặt mình lên trên người khác.
Vì chỉ khi bạn sống đúng với giá trị của mình, trở thành con người hoàn thiện nhất bạn có thể trở thành, bạn mới có thể giúp cho thế giới xung quanh tốt đẹp hơn, tạo ra được nhiều tầm ảnh hưởng tích cực hơn bằng những gì tốt đẹp nhất bạn có thể có.
...
Tôi luôn cho rằng: một trong những thử thách khó khăn nhất của việc làm người, là làm sao có thể dung hòa được giữa nhu cầu của bản thân và nhu cầu của xã hội. Nghiêng lệch quá về một bên, cuộc sống sẽ mất cân bằng.
Nhưng nếu như có thể tìm ra một khoảng đồng nhất giữa hai giá trị này, thì đó sẽ là một con đường thật lý tưởng để đi: một cuộc sống vừa thỏa mãn (tốt cho mình), mà lại vừa có ích (tốt cho người).
Khi bị mắc kẹt trong mâu thuẫn, một giải pháp như vậy sẽ không dễ tìm. Nó cần đến sự cân nhắc, thương lượng, tự cân bằng, biết sắp xếp lại giá trị ưu tiên ở từng thời điểm.
Và với "people-pleasers", những người luôn chiều theo ý muốn của người khác, hành trình ấy thường sẽ bắt đầu với câu hỏi:
"Tôi thật sự muốn gì?"
Cosmic Writer
Comments