Việc lên kế hoạch luôn quan trọng, nhưng không phải là rất quan trọng.
Nhất là với những công việc hay dự án bạn chưa từng làm bao giờ, còn thiếu kinh nghiệm để biết nó cần phải được thực hiện thế nào, xây dựng quy trình và phân phối nguồn lực ra sao... thì việc lên kế hoạch quá tỉ mỉ và chi tiết sẽ chỉ mang tính trấn an nhiều hơn là ứng dụng được vào thực tế.
Không những thế, việc bám theo kế hoạch một cách rập khuôn và cứng nhắc, sẽ khiến bạn thiếu đi sự linh hoạt cần thiết để nhanh chóng ứng biến với những thay đổi của hoàn cảnh hay những rủi ro không lường trước.
Tất nhiên, một bản kế hoạch dù sơ sài và xộc xệch, vẫn tốt hơn là không có gì.
Nhưng nó chỉ cần đủ rõ ràng để bạn biết việc mình cần làm. Còn những chi tiết cụ thể hơn, thì phải xắn tay vào làm rồi mới biết. Tính toán trước quá kỹ lưỡng chưa chắc đã hợp lý, thậm chí còn dễ sa vào cái bẫy "overplanning", tức một phương thức để trì hoãn và ngăn cản bạn hành động.
Quan trọng hơn kế hoạch, nên là tầm nhìn, mục tiêu, và chiến lược. Đây sẽ là những yếu tố cốt lõi, quyết định việc một bản kế hoạch nên được thiết kế thế nào.
Thậm chí, tôi cho rằng chúng ta còn nên sẵn sàng lên kế hoạch cho việc... thay đổi kế hoạch. Hoặc chính xác hơn, là chỉnh sửa và cải tiến kế hoạch.
Vì những tư duy của bạn ở hiện tại vẫn còn nhiều hạn chế. Trong quá trình triển khai, bạn sẽ có thêm những hiểu biết mới, những kỹ năng mới, những cơ hội mới... có thể giúp bạn phát triển được cho mình những hướng đi mới mà trước đó chưa thể nhìn ra.
Tựa như việc bạn không thể xác định trước cuộc sống của mình sẽ thế nào tầm này 5 năm nữa. Điều ấy phụ thuộc vào việc bạn sẽ học và làm được những gì trong khoảng thời gian từ giờ cho tới lúc đó.
Hãy cứ lên kế hoạch. Nhưng đừng để bị mắc kẹt với nó. Và chỉ nên xem nó như một bản draft, để bạn có thể liên tục hoàn thiện nó trong quá trình vừa học vừa làm.
Comments