Làm việc với nhiều người, từ các anh chị cho tới các em, mình thấy có một vấn đề không ít người đang gặp phải.
Một vấn đề khiến cho sự phát triển của mọi người bị cản trở, mà nhiều khi chúng ta còn không tự nhận ra điều này.
Đó là việc không biết tự công nhận chính mình.
Để mình lấy ví dụ:
Chẳng hạn như khi bạn nhận được một lời khen, thay vì đón nhận và cảm ơn lời khen đó, thì phản ứng của bạn lại là ngại ngùng phủ nhận.
Nhìn bề ngoài thì không có gì lắm, nhưng thật ra đây là biểu hiện của việc bạn đang khép mình lại, bạn tự đánh giá thấp bản thân và nghĩ rằng mình không xứng đáng với những điều tốt đẹp đó.
Hoặc như khi bạn đã đạt một kết quả tốt, thay vì ghi nhận bản thân thì bạn lại cho rằng nó "chẳng có gì" hoặc "chỉ là do may mắn". Bạn có những sự tiến bộ, đã bỏ ra những nỗ lực đáng tự hào, nhưng thái độ của bạn dành cho chính mình vẫn là không hài lòng và kỳ vọng nhiều hơn nữa.
Tất cả những việc này tưởng chừng như là khiêm tốn, nhưng thật ra ở chiều ngược lại chúng ta cũng rất nhạy cảm với những sự chỉ trích. Bạn không cho phép mình vui khi thành công, nhưng lại giày vò bản thân khi thất bại.
Đây có thể xem như một dạng negativity bias (thiên kiến tiêu cực) mà chúng ta có dành cho chính mình.
Những xu hướng này mình đều đã từng trải qua.
Từ chính trải nghiệm của mình và những hiểu biết về tâm lý học, mình thấy việc không-thể-tự-công-nhận-bản-thân nhìn chung có mối liên hệ sâu sắc tới self-worth (giá trị bản thân), hay nói cách khác là sự tự tôn của chúng ta.
Khi bạn nghĩ rằng mình kém, mình chẳng có gì đặc biệt cả, tâm trí bạn cũng sẽ tự định nghĩa chính mình như một cá nhân có giá trị thấp. Bạn sẽ lặp lại trong tâm trí mình những tiếng nói tự chỉ trích, phủ nhận đi những cố gắng và thành quả đã có được.
Theo như thuyết tự xác minh (self-verification theory) của William Swann thì khi đó, bạn sẽ có sự sàng lọc với những phản hồi nhận được từ bên ngoài. Những phản hồi nào đồng nhất với cách bạn định nghĩa chính mình (vd như sự chê bai) thì bạn tiếp nhận, trong khi đó những phản hồi mâu thuẫn (vd như những lời khen) thì bạn bỏ qua.
Như trong nghiên cứu năm 2007 của Joanne Woods đã cho thấy điều này: khi chúng ta tự ti, thì việc đón nhận lời khen còn khiến chúng ta cảm thấy tệ hơn.
Và khi đó, chúng ta cũng sẽ thu mình lại trước những cơ hội, hoài nghi và ngờ vực bản thân, tự đánh giá và hạ thấp chính mình trước cả khi chúng ta dấn thân và thật sự làm được một điều gì đó.
Đối với mình, giải pháp duy nhất đó là hãy học cách để yêu-chính-mình hơn một chút.
Đó là việc bạn hãy giao tiếp với bản thân mình tốt hơn.
Hãy tự nói với chính mình những lời hay ý tốt, chấp nhận và bao dung với những thiếu sót, nhận diện và trân trọng những điểm mạnh, và thậm chí là cho phép bản thân được trở thành "fan hâm mộ" của chính mình.
Việc này sẽ giúp bạn nhận được rất nhiều sự cổ vũ tinh thần, thậm chí là một nguồn cảm hứng vô hạn để có thể vượt qua mọi thử thách.
Đừng lo, vì việc nhận lời khen và tự khích lệ chính mình, không khiến bạn trở thành một con người kiêu ngạo. Bạn vẫn có thể vừa nỗ lực hết mình, vừa tận hưởng hành trình mình đang đi và tự hào với những gì đã làm được.
Đừng nhầm lẫn giữa sự tự ti với sự khiêm tốn, cũng như giữa sự tự tôn với sự tự cao.
Giá trị bản thân của chúng ta, theo như mình nghĩ, nằm ở sự phát triển từng ngày, chứ không phải ở sự hơn-thua với người khác.
Vậy nên nếu như bạn cũng đang gặp phải vấn đề này, thì: hãy công nhận bản thân nhiều hơn một chút. Hãy khen ngợi, khích lệ, cho phép mình được tự hào, đơn giản vì bạn xứng đáng với điều đó.
"Việc tự tin thừa nhận câu chuyện của chính mình, và yêu thương bản thân xuyên suốt hành trình đó, là điều dũng cảm nhất mà chúng ta sẽ từng làm", Brené Brown.
Kommentare