top of page

Flow: trạng thái dòng chảy trong tâm lý học

Tác giả: Kendra Cherry


Nếu như đã từng trải qua cảm giác hoàn toàn say mê vì một việc gì đó, bạn có thể cũng đã trải nghiệm một trạng thái tinh thần mà các nhà tâm lý gọi là “dòng chảy” (flow). Đạt được trạng thái này sẽ khiến chúng ta cảm nhận được niềm vui thú, cảm thấy có nhiều năng lượng hơn, và nhập tâm hơn vào công việc mình làm.


Hãy thử tưởng tượng: bạn đang tham gia một cuộc chạy đua. Sự chú tâm của bạn được dồn vào những sự chuyển động trên cơ thể, sức mạnh của các cơ bắp, sự dồn căng trong hai lá phổi, và cảm giác của mặt đường dưới hai lòng bàn chân. Bạn đang sống trọn vẹn trong khoảnh khắc đó, hoàn toàn hòa vào làm một với những hành động của mình ở thời điểm hiện tại. Ý niệm về thời gian dường như tan biến trong tâm trí bạn. Dù mỏi mệt, nhưng bạn gần như chẳng hề để ý. Đây chính là một ví dụ cho trạng thái “dòng chảy” (flow state).


Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu thêm về cách trạng thái “dòng chảy” được định nghĩa bởi các nhà tâm lý, cũng như một số những lợi ích đáng chú ý mà nó mang lại. Bên cạnh đó, bài viết cũng khám phá một số đặc tính của “dòng chảy”, và chỉ ra cách để bạn có thể hòa nhập được vào trạng thái này trong những công việc thường ngày.


TRẠNG THÁI DÒNG CHẢY LÀ GÌ?


“Dòng chảy” được nhà tâm lý học tích cực Mihály Csíkszentmihályi miêu tả như một trạng thái hoàn toàn “chìm đắm” (complete immersion) trong một hoạt động nào đó. Sự “chìm đắm” được ông định nghĩa như một trạng thái của sự tập trung tuyệt đối, nơi một người thấy mình hoàn toàn say mê và như bị “nuốt trọn” (absorbed), hay hòa vào làm một trong tác vụ của mình.


“Khi đang ở trong trạng thái dòng chảy, một người sẽ thường tập trung trọn vẹn tâm trí vào việc họ đang làm.”


“Cảm nhận về cái tôi (ego) dường như tan biến. Thời gian cứ thế trôi. Mọi hành vi, chuyển động, và suy nghĩ nhịp nhàng nối tiếp nhau như một nhạc công đang chơi jazz. Toàn bộ sự sống như được cuốn theo dòng chảy, và bạn có thể sử dụng những năng lực của mình ở mức độ cao nhất,” Csíkszentmihályi chia sẻ trong một bài phỏng vấn với tạp chí Wired (1).


Với mỗi người, trải nghiệm “dòng chảy” có thể xảy đến bằng những cách khác nhau. Nó thường xuất hiện khi bạn đang làm điều gì đó mà bạn yêu thích, và đồng thời có kỹ năng cao trong việc đó.


Trạng thái này thường gắn liền với các hình thái nghệ thuật sáng tạo như hội họa hay viết lách, hoặc những hoạt động thể thao như trượt tuyết, tennis, bóng đá, nhảy, hoặc chạy bộ…


NHỮNG LỢI ÍCH CỦA “DÒNG CHẢY”


Bên cạnh việc làm những hoạt động trở nên thú vị hơn, trạng thái “dòng chảy” còn có một số những ích lợi khác, ví dụ như:


1. Điều hòa cảm xúc tốt hơn: Khi phát huy được “dòng chảy”, bạn cũng sẽ đồng thời trải nghiệm những sự phát triển hướng đến sự đa dạng hóa của cảm xúc. Điều này có thể giúp bạn học được những kỹ năng cho phép mình điều hòa cảm xúc một cách hiệu quả hơn.


2. Tận hưởng và mãn nguyện: Ở trong trạng thái “dòng chảy”, bạn sẽ cảm thấy yêu thích công việc mình làm hơn rất nhiều. Khi công việc gợi ra ở bạn niềm mê say hứng thú, nó cũng sẽ mang lại cho bạn cảm giác thỏa mãn khi được thực hiện nó (2).


3. Hạnh phúc hơn: Những nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: trạng thái “dòng chảy” có thể được liên kết đến việc tăng cường mức độ hạnh phúc, thỏa mãn, và hiện thực hóa lý tưởng bản thân (3).


4. Có thêm nhiều động lực nội tại: Vì “dòng chảy” là một trạng thái tâm lý tích cực, nó có thể giúp tăng cường sự vui thú và động lực của bản thân. Động lực nội tại (intrinsic motivation) gắn liền với việc hành động vì những phần thưởng nội tại (internal rewards).


5. Tăng cường sự nhập tâm: Những người trong trạng thái “dòng chảy” cảm thấy như được dồn hết tâm trí vào công việc mình đang thực hiện.


6. Tăng cường hiệu suất: Những nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng “dòng chảy” có thể cường hóa hiệu suất trong nhiều lĩnh vực như giảng dạy, học tập, thể thao, và sáng tạo nghệ thuật (4).


7. Học hỏi và phát triển kĩ năng: Việc đạt được “dòng chảy” cần đến sự thông thạo của một số kĩ năng nhất định, do đó mỗi cá nhân phải tiếp tục tìm kiếm những thử thách mới và kiến thức mới để có thể duy trì trạng thái này.


8. Nhiều sức sáng tạo hơn: Trạng thái “dòng chảy” thường xuất hiện trong những công việc sáng tạo, thứ có thể giúp tạo cảm hứng cho những ý tưởng nghệ thuật đột phá (5).


NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA “DÒNG CHẢY”


Theo Csíkszentmihályi, có mười yếu tố gắn liền với trải nghiệm “dòng chảy”. Khi nhiều thành phần trong danh sách này hiện diện, không cần thiết phải trải nghiệm tất cả những yếu tố dưới đây để “dòng chảy” xuất hiện (6):


1. Hoạt động đó tự bản thân nó đã là phần thưởng (intrinsically rewarding).


2. Có những mục tiêu rõ ràng, cho dù là thử thách, nhưng vẫn có thể thực hiện được.


3. Có một sự chú tâm tuyệt đối vào chính hoạt động đó.


4. Trải nghiệm được sự kiểm soát của bản thân mình với một tình huống và kết quả của nó.


5. Cảm nhận được sự tĩnh lặng và thanh thản (serenity), và tạm thời không còn suy nghĩ về mình.


6. Có những sự phản hồi tức thời từ công việc (immediate feedback).


7. Nhận thức được rằng công việc này có thể thực hiện được (doable), và có một sự cân bằng cần thiết giữa mức độ thử thách được đặt ra với kỹ năng được yêu cầu.


8. Dường như không nhận ra những nhu cầu vật lý của bản thân.


9. Xuất hiện sự tập trung sâu sắc và sự chú ý có chủ đích.


10. Trải nghiệm cảm giác thời gian như tan biến, hoặc cảm giác thời gian như bị bóp méo. Khi bạn quá tập trung vào hiện tại đến mức bạn mất đi khái niệm về thời gian.


Khía cạnh khoa học thần kinh của dòng chảy


Nghiên cứu của khoa học thần kinh (neuroscience) đã chỉ ra: có những sự thay đổi đáng chú ý về hoạt động của não bộ trong trạng thái “dòng chảy” (7). Một nghiên cứu khác cũng gợi ý rằng: dopamine - chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến sự khoái lạc và động lực, được kích hoạt và giải phóng khi con người trải nghiệm trạng thái này (8 ).


“DÒNG CHẢY” TRONG NHIỀU LĨNH VỰC


Trong khi những trải nghiệm “dòng chảy” có thể diễn ra như một phần cuộc sống thường nhật, những ứng dụng quan trọng và thực tế của nó có thể đồng thời diễn ra trong những phạm vi khác như giáo dục, thể thao, và nơi công sở.


1. Dòng Chảy Trong Sáng Tạo


“Dòng chảy” thường được gắn liền với sự sáng tạo. Ví dụ: một tác giả trải nghiệm trạng thái “dòng chảy” trong khi viết, có thể trở nên đắm chìm vào tác phẩm của mình đến mức thời gian trôi đi mà người đó không hề để ý. Những câu từ trôi chảy một cách dễ dàng và nhanh chóng. Một nghệ sĩ hội họa có thể dành ra nhiều giờ đồng hồ để thực hiện một bức vẽ, nhưng rồi lại thấy quãng thời gian đó qua đi như chỉ trong thoáng chốc.


2. Dòng Chảy Trong Giáo Dục


Csíkszentmihályi đã gợi ý rằng: việc vượt qua sức học của mình với một kỹ năng hay lý thuyết có thể giúp chúng ta trải nghiệm được “dòng chảy”. Một khái niệm thiết yếu trong lý thuyết của ông, là ý niệm về việc mở rộng năng lực cá nhân vượt qua trình độ hiện tại của mình. Việc vươn ra khỏi những giới hạn về năng lực của một người có thể giúp người đó trải nghiệm được “dòng chảy”.


3. Dòng Chảy Trong Thể Thao


Một cách khác để vào được “dòng chảy”, đó là tham gia vào một hoạt động thể chất mang tính thử thách cao (nhưng vẫn nằm trong khả năng bạn có thể làm được). Trạng thái này đôi khi được miêu tả bằng thuật ngữ “in the zone” (vào guồng). Nó cho phép một vận động viên trải nghiệm cảm giác tạm thời mất đi nhận thức của mình về bản thân (a loss of self-consciousness), và hoàn toàn tập trung vào việc làm chủ phần thể hiện của mình.


4. Dòng Chảy Nơi Công Sở


“Dòng chảy” có thể xảy ra nơi công sở, khi một người được tiếp cận với những công việc mà họ có thể hoàn toàn dành trọn sự tập trung của mình vào nó. Ví dụ như, một nhân viên bán hàng có thể cảm nhận được điều này khi đang nhập tâm thuyết phục khách hàng, hoặc như khi một nhà thiết kế đồ họa đang say mê xử lý công việc của mình.


Trạng thái “dòng chảy” tuy thường xảy ra với những hoạt động mang tính sáng tạo hay thể chất, nhưng nó không phải chỉ là độc quyền với các họa sĩ, nhà văn, hay vận động viên. Dòng chảy có thể diễn ra với bất kì ai, khi một người hòa vào làm một với hoạt động của họ, cho dù là học tập hay công việc.


CÁCH ĐỂ VÀO ĐƯỢC “DÒNG CHẢY”


Vậy làm sao để có thể nâng cao khả năng vào được “dòng chảy”? Bạn có thể thử nghiệm với những gợi ý sau:


1. Đặt mục tiêu rõ ràng: Trong sách của mình, Csíkszentmihályi giải thích rằng: trạng thái “dòng chảy” sẽ thường xảy ra khi một người phải đối mặt với một công việc có những mục tiêu rõ ràng (clear goals), và cần đến những phản hồi nhất định (6). Một ván cờ vua là một ví dụ tốt cho việc trạng thái “dòng chảy” có thể xảy ra: trong thời lượng của ván cờ, người chơi phải có những mục tiêu rất cụ thể, yêu cầu sự chú ý được tập trung hoàn toàn vào trận đấu trước mắt.


2. Loại bỏ sự xao nhãng: Sẽ rất khó để trải nghiệm được “dòng chảy” nếu như có quá nhiều thứ xung quanh tranh giành sự chú ý của bạn. Hãy thử giảm bớt những sự xao nhãng trong môi trường làm việc để bạn có thể hoàn toàn tập trung vào công việc cần làm.


3. Tăng thêm thử thách: “Trạng thái dòng chảy cũng sẽ xảy ra khi những kỹ năng của một người được tận dụng tối đa để vượt qua một thử thách tiệm cận giới hạn của họ”, Csíkszentmihályi giải thích (6). “Nếu những thử thách quá dễ dàng, một người có thể trở về “dòng chảy” bằng việc nâng cao độ khó. Nếu những thử thách là quá khó, một người có thể trở về “dòng chảy” bằng việc nâng cao năng lực của bản thân.”


4. Chọn việc gì bạn muốn làm: Bạn sẽ không thực sự đạt được “dòng chảy” nếu bạn phải làm một việc mà bạn thực tâm không thích. Hãy tập trung vào những việc bạn thật sự thấy đam mê hay hứng thú, vì chỉ khi đó bạn mới có được sự chú tâm sâu sắc vào việc ấy.


LỜI KẾT

Để vào được trạng thái “dòng chảy” dễ dàng hơn, bạn hãy đặt ra cho mình một mục tiêu cụ thể, lựa chọn công việc có mức độ thử thách phù hợp, theo đuổi một dự án gợi nhiều hứng thú, và tối thiểu hóa những xao nhãng xung quanh mình. Việc được thả mình trôi theo “dòng chảy” có thể là một cách tuyệt vời để khiến những hoạt động bạn theo đuổi trở nên hấp dẫn và đầy cảm hứng. Bạn sẽ không chỉ thực hiện những công việc này xuất sắc hơn khi được hòa vào làm một với nó, mà còn có thể đồng thời nâng cao năng lực của bản thân. Tin vui là: việc vào được “dòng chảy”, cũng là một kỹ năng bạn có thể phát triển được thông qua sự rèn luyện. Nhưng đừng quên rằng: “dòng chảy” là một trạng thái mang tính năng động (dynamic) và liên tục biến đổi. Khi năng lực của bạn dần được cải tiến, trạng thái này cũng sẽ cần đến những thử thách với độ khó cao hơn, yêu cầu bạn phải đưa ra những sự điều chỉnh phù hợp. Tác giả: Kendra Cherry Nguồn: Verywellmind Dịch bởi: Mai Thông Biên tập: Hà Minh Tham khảo: (1) Geirland J. Wired. Go with the flow. (2) TED. Mihaly Csikszentmihalyi: Flow, the secret to happiness. (3) Bonaiuto M, Mao Y, Roberts S, et al. Optimal experience and personal growth: Flow and the consolidation of place identity. Front Psychol. 2016;7:1654. (4) Koehn S, Morris T. The relationship between performance and flow state in tennis competition. J Sports Med Phys Fitness. 2012 Aug;52(4):437-47. (5) Šimleša M, Guegan J, Blanchard E, Tarpin-Bernard F, Buisine S. The flow engine framework: A cognitive model of optimal human experience. Eur J Psychol. 2018;14(1):232-253. (6) Csikszentmihalyi M. Finding Flow: The Psychology of Engagement with Everyday Life. New York: Basic Books; 1997. (7) Katahira K, Yamazaki Y, Yamaoka C, Ozaki H, Nakagawa S, Nagata N. EEG correlates of the flow state: A combination of increased frontal theta and moderate frontocentral alpha rhythm in the mental arithmetic task. Front Psychol. 2018;9:300. (8 ) Gold J, Ciorciari J. A review on the role of the neuroscience of flow states in the modern world. Behav Sci (Basel). 2020;10(9):137.

Comments


bottom of page