Sự tự học, chính là chìa khoá quan trọng nhất của giáo dục.
Phải mất nhiều năm đi du học, tôi mới nhận thức được rõ ràng sự thật này. Bài học ấy chỉ được lĩnh hội sau một lần không qua môn và vài lần đứng nhất khoá, những nốt thăng và nốt trầm trên hành trình học vấn của riêng tôi.
Nhiều người ngạc nhiên khi biết chương trình thạc sĩ tôi theo học chỉ yêu cầu sinh viên tới trường khoảng 12 giờ mỗi tuần. Con số ấy dường như là ít ỏi. Sự có mặt của sinh viên cũng hoàn toàn là tự giác. Vậy nhưng, sự khác biệt của những sinh viên dẫn đầu so với phần còn lại, nằm ở việc họ dành ra bao nhiêu thời gian cho việc học khi không phải xuất hiện trên giảng đường, qua đó khẳng định một điều rằng: bạn bỏ ra bao nhiêu, bạn nhận về bấy nhiêu.
Điều này mâu thuẫn với những quan niệm thông thường về việc học, rằng sự học là một quá trình tiếp nhận thông tin đơn thuần, được “rót từ trên xuống” bởi cô thầy, giảng viên, hay những cá nhân có thẩm quyền cao hơn. Đây là một niềm tin được hình thành khi chúng ta tiếp xúc với hệ thống giáo dục phổ quát từ khi còn quá nhỏ, và bị các quy tắc của xã hội “áp đặt” sự học lên mình.
Thái độ tiếp cận việc học do đó trở thành “bị động” từ tận trong gốc rễ: rằng chúng ta “phải” học chứ không “được” học. Những cố gắng ở trường lớp, chỉ đơn giản là làm sao tiêu tốn ít thời gian nhất, nhưng vẫn đạt những kết quả cao.
Trong khi đó, sự tự học là một tiến trình mang tính “chủ động”, một sự lựa chọn mà ta quyết định đưa ra, một sứ mệnh mà ta tự nguyện theo đuổi. Sự tự học không đến từ mưu cầu về bằng cấp hay điểm số, mà đến từ bản chất tự thân của nó: để bồi đắp thêm kiến thức, tu dưỡng cho tinh thần, và nâng tầm về tư duy. Sự tự học do đó không phải là một trách nhiệm mà ai đó áp đặt lên mình, mà là một trách nhiệm ta tự mình gánh vác, vì mục đích phát triển bản thân và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Với một thái độ chủ động và tự nguyện như vậy, việc học không còn chỉ là một “vấn đề” cần phải giải quyết, một nghĩa vụ nào đó đơn thuần, nhàm chán và mệt mỏi. Mặt khác, nó còn khơi gợi lên niềm say mê, là những cuộc phiêu lưu khắp các cõi miền tri thức, đầy thử thách mà cũng đầy ý nghĩa.
Tự học cũng là tự làm chủ cuộc đời mình. Chúng ta thôi đổ lỗi cho cô thầy, phó mặc cho trường lớp, mà hiểu được rằng chỉ mình mới có thể tự giáo dục được mình, và tương lai mình là do chính mình quyết định.
Người có sự tự học, do đó sẽ phát triển hơn từng ngày, tiến xa hơn từng năm. Còn những người chỉ xem sự học như gánh nặng nào đó phải làm, sẽ không chỉ đứng tại chỗ, mà còn bước lùi theo sự hao mòn của thời gian. Bản thân tôi đã tự quan sát thấy điều này sau 2 năm thạc sĩ: có những người chỉ già thêm 2 tuổi, nhưng có những người lại hoàn toàn lột xác.
Học cách để yêu lấy việc học, cũng là một công cuộc mà tôi đã phải đánh đổi bằng nhiều thời gian và… học phí. Chẳng dễ dàng gì khi phải phá bỏ đi những định kiến tiêu cực về việc học, và tập nhìn nhận nó dưới một ánh sáng mới. Nhưng rồi, tôi nhận ra mình có niềm đam mê với tri thức, khi bắt đầu biết cách đặt ra những câu hỏi, và biết khát khao tìm kiếm câu trả lời. Học được điều gì mới, tôi lại thấy mình như được “khai sáng” thêm đôi chút. Điểm số và bằng cấp, chỉ là những “tác dụng phụ” đi kèm.
Và giờ, tôi vẫn chủ động học dù chẳng phải đến trường. Tôi học trong công việc, học thêm bất kì điều gì liên quan, hoặc điều gì gợi ra trong tôi niềm hứng thú.
Đối với tôi, sự tự học là một kỹ năng rất cần thiết, nếu như không phải là quan trọng nhất trong những thập niên sắp tới. Với sự vận động và phát triển ngày càng nhanh của thế giới, các kiến thức mới cũng sẽ liên tục thay thế các kiến thức cũ, khiến những gì ta biết hôm nay trở nên lỗi thời chỉ trong vài năm nữa.
Trong sự luân chuyển vô thường đó của dòng chảy tri thức, nếu như không có cho mình sự tự học, không có niềm say mê để tìm tòi, trau dồi và khám phá, có lẽ ta sẽ sớm thấy mình bị bỏ lại phía sau.
Sự tự học, do đó là một hành trình cả cuộc đời.
Cosmic Writer
Comments