Hãy thử tưởng tượng:
Bạn được sinh ra trong một chiếc hang tối.
Tất cả những người ở trong hang đều chưa từng được biết về thế giới bên ngoài. Chiếc hang đó là toàn bộ những gì họ biết. Một cuộc sống bị giam cầm nhưng họ lại không tự nhận ra điều đó.
Ở trong hang có một ngọn lửa, hắt lên tường những cái bóng, tạo ra hình thù và sự chuyển động. Những người ở trong hang nhìn vào những cái bóng này và lầm tưởng đó là sự thật. Họ nghĩ rằng, chỉ cần chú ý quan sát những cái bóng đó, là sẽ hiểu biết hơn về mọi thứ.
Nghe đến đây, có thể bạn sẽ thấy có vẻ kì lạ.
Thế nhưng, đây lại là một câu chuyện ngụ ngôn rất nổi tiếng trong triết học phương Tây. Nó được viết bởi Plato từ khoảng hơn 2,000 năm trước trong bộ sách kinh điển The Republic. Câu chuyện diễn biến tiếp thế này:
Cho đến một ngày, bằng một cách nào đó, một người tìm ra được khỏi hang. Ánh sáng ở bên ngoài làm cho người này chói mắt. Lần đầu tiên, anh ta nhìn thấy mặt đất, bầu trời, cỏ cây hoa lá, và cả sự rộng lớn của vũ trụ.
Sau đó, anh nhận ra: đây mới là bản chất thật sự của thế giới. Những cái bóng mình từng thấy trong hang chỉ là ảo ảnh đơn thuần.
Vì thế, anh đã quay trở về hang, thuyết phục mọi người về những gì mình đã thấy, hy vọng rằng họ sẽ có thể thoát ra khỏi hang và được thấy thế giới thật ở bên ngoài.
Nhưng kết quả, không ai nghe, không ai tin anh ấy cả. Nó hoàn toàn mâu thuẫn với thế giới quan của những người sống trong hang.
Vậy nên, họ thấy những gì anh ta nói là hoang đường, sai sự thật. Và họ chọn sống với cái “sự thật” sai lầm của mình hơn là tìm hiểu xem những gì anh muốn họ biết thực sự là gì.
Trong suốt lịch sử, câu chuyện này được nhiều thế hệ đưa ra phân tích, diễn giải những ý nghĩa mang tính ẩn dụ mà nó truyền tải. Trong nội dung lần này, mình cũng muốn gửi gắm đến với mọi người một số những suy nghĩ mình đã rút ra được từ đây.
Mình hy vọng, nó sẽ có thể mang lại cho bạn một góc nhìn có giá trị cho hành trình phát triển bản thân về tư duy và nhận thức.
Chúng mình cùng khám phá nhé!
Mình có đang ở trong hang?
Ngụ ngôn về cái hang của Plato khiến mình nhớ tới một câu chuyện dân gian ở Việt Nam, về con ếch ngồi trong đáy giếng. Nó nhìn lên miệng giếng, thấy cả bầu trời chỉ bé nhỏ bằng một cái vung, và tự nghĩ rằng mình ghê gớm. Nó ở trong một xó và không hề biết thế giới ngoài kia rộng lớn thế nào.
Mặc dù hai câu chuyện diễn ra theo những cách khác nhau, với những mục đích khác nhau, nhưng nhìn chung, mình nhận thấy điểm tương đồng:
cho dù chúng ta có cảm thấy tự tin đến thế nào về những gì mình biết, thì thế giới quan của chúng ta thật ra vẫn nhỏ bé, hạn hẹp, và thậm chí có thể không phản ánh đúng sự thật.
Nó khiến cho mình đặt ra một câu hỏi. Một sự chất vấn quan trọng mà mình nghĩ, ai cũng nên tự hỏi bản thân: liệu mình có đang ở trong hang hay không?
Câu hỏi này đặt mình vào vị thế của một người đang tự phản biện lại những gì mình luôn cho là đúng. Liệu những thứ mình nghĩ là sự thật có phải thật sự là sự thật hay không, hay nó chỉ là những ảo ảnh của sự thật, là những cái bóng trong câu chuyện của Plato?
Đối với mình, việc thoát ra khỏi một cái hang là một hình ảnh có tính biểu tượng. Nó là một quá trình đi từ chỗ tối đến chỗ sáng, đi từ vô minh đến chỗ thấu suốt. Nó cũng có thể được diễn giải ở nhiều tầng nghĩa.
Nó nhắc nhở mình rằng: ai cũng đều có những điểm mù, có những sự hạn chế trong nhận thức và tư duy, nhưng lại thường không tự nhận ra được.
Và nếu như không sẵn sàng tự soi xét lại chính mình, chúng ta sẽ rất dễ bị mắc kẹt trong những thiên kiến, và vô thức tự cản trở mình trong cuộc sống.
Chẳng hạn, khi mình nghĩ vì mình là người hướng nội nên sẽ không thể thuyết trình trước nhiều người. Vì mình không có cá tính vui vẻ hài hước nên sẽ không thể sáng tạo nội dung trên mạng xã hội. Vì mình không có năng lực thiên bẩm nên cuộc sống của mình chắc cũng sẽ chẳng đi đến đâu, có cố gắng cũng chẳng để làm gì.
Mặc dù chỉ là những ví dụ minh họa, nhưng đây thực chất đều là những tư duy sai lầm mình từng mắc phải, khiến cuộc sống của mình trở nên trì trệ.
Đây đều là những cái hang, cái giếng chúng ta không tự nhận ra. Cái hang, cái giếng ở đây tượng trưng cho những ngộ nhận, những cách nhìn nhận sai lầm về bản thân mình hoặc về thế giới xung quanh.
Trong khoa học nhận thức, đây được gọi là confirmation bias, hay thiên kiến xác nhận. Khi chúng ta đã có sẵn niềm tin về một vấn đề nào đó, chúng ta sẽ có xu hướng tìm kiếm những góc nhìn thuận theo ý mình, những bằng chứng để biện hộ cho cái niềm tin có sẵn đó.
Chúng ta cũng không chịu nhìn nhận và soi xét những quan điểm khác để kiểm chứng niềm tin của mình, để xem nó có thật sự đúng hay không. Nói cách khác, chúng ta thường muốn mình đúng hơn là muốn tìm ra sự thật.
Nếu như niềm tinbạn có là sai, xu hướng confirmation bias sẽ khiến bạn ngày càng bị mắc kẹt sâu hơn trong nó, khiến cho cuộc sống của bạn sẽ tất yếu trở nên kém chất lượng.
Chẳng hạn như quan niệm rằng, thành công của một người hoàn toàn là do may mắn. Khi bạn giữ lấy quan niệm như vậy, bạn sẽ tìm cách lý giải mọi thứ theo hướng đó, phủ nhận đi sự nỗ lực của họ.
Và để bao biện cho sự không thành công của mình, bạn sẽ tự tìm kiếm ở mình những sự kém may mắn, để không cảm thấy có lỗi vì sự thiếu cố gắng của mình. Nó là những vòng lặp rất tiêu cực.
Một thế giới quan sai lầm cũng giống như khi bạn tìm lối đi trong thành phố, nhưng lại dựa trên một tấm bản đồ sai. Bạn sẽ đi sai đường và không đến được nơi lẽ ra bạn cần đến. Đây là vấn đề ai cũng đều mắc phải ở một mức độ nào đó. Mình cũng vậy, bạn cũng vậy.
Vậy làm sao để chúng ta có được một tấm bản đồ đúng, để có thể nhìn nhận được mọi thứ một cách chân thực và chính xác hơn? Hay nói cách khác, để thoát ra khỏi cái hang của mình?
Để vượt ra khỏi cái hang của mình, mình nghĩ chúng ta phải luôn giả định rằng mình đang ở trong hang, nhận thức rằng, hiểu biết của mình còn hữu hạn và ở ngoài kia còn rất nhiều thứ mình chưa biết.
Nếu như mình không sẵn sàng thừa nhận sự hạn chế trong cách mình tư duy, mình sẽ không thể nào học hỏi và khám phá nhiều hơn được.
Việc này nghe rất hiển nhiên, nhưng là một điều mà nhiều người đang còn thiếu. Hãy luôn thường xuyên tự nhắc nhở bản thân mình. Dù có thế nào, bạn cũng không nên cho phép bản thân mình tự mãn quá sớm.
Vì khi chúng ta luôn chắc chắn là mình đúng, mình giỏi nên không cần phải học hỏi thêm điều gì nữa, khi ấy, tư duy sẽ bị đóng lại, cái confirmation bias của chúng ta ngày càng nghiêm trọng hơn. Chúng ta chui vào sâu hơn trong hang nhưng lại cứ tưởng là đã thoát ra được khỏi nó.
Chẳng hạn như, một ai đó có những suy nghĩ rất sai. Nhưng khi bị chỉ ra cái sai đó, họ cảm thấy khó chịu và phản kháng lại, cứng đầu bảo vệ cái sai của mình. Khiến cho cái sai càng ngày càng khó sửa. Mình tin là bạn cũng đã từng gặp không ít người như vậy.
Chúng ta chỉ cần tiết chế cái tôi của mình lại một chút để nhìn nhận lại vấn đề. Vì sự thật luôn quan trọng hơn là việc ai đúng ai sai, ai thắng ai thua trong những tranh cãi.
Thoát ra khỏi hang như thế nào?
Vậy thì, cái cảm giác thoát ra khỏi hang là như thế nào? Việc nhìn thấy được bản chất thật sự của mọi thứ dưới ánh sáng theo như câu chuyện ngụ ngôn của Plato cụ thể là thế nào?
Ở đây, mình có một thí nghiệm tư duy thế này để mọi người dễ hình dung. Cái này được gọi là the nine-dot problem, hay nan đề chín dấu chấm. Có thể một vài người đã từng được biết đến nó trước đây, nhưng với những ai chưa biết, bạn hãy thử tưởng tượng:
Có 9 dấu chấm, xếp thành 3 hàng ngang, 3 hàng dọc. Thử thách dành cho bạn, là làm thế nào để chỉ bằng 4 đoạn thẳng liền nhau, bạn có thể kết nối được cả 9 dấu chấm này. Nghĩa là, nếu như bạn dùng bút để vẽ, bạn chỉ được vẽ trong duy nhất 4 nét mà không được nhấc bút ra khỏi mặt giấy.
Một câu đố cũng rất đơn giản. Nhưng hầu hết mọi người sẽ tìm cách, vẽ cách này không được, vẽ cách kia không được. Và họ sẽ dần nhận ra, đây là một dạng trick question, một vấn đề cần chúng ta phải suy nghĩ khác đi một chút. Và câu trả lời là đây:
Để kết nối được cả 9 dấu chấm này, bạn sẽ phải kẻ đường thẳng đi ra bên ngoài, một dạng thinking outside of the box đúng nghĩa. Thật ra, chẳng có một cái trick gì ở đây cả.
Chúng ta chỉ đơn giản là tự đặt ra một cái frame, một lăng kính bị giới hạn trong cách mình nhận định vấn đề, ngộ nhận rằng, mình sẽ không được phép vượt ra ngoài biên giới của ô vuông. Nhưng thực chất đề bài không áp đặt điều đó, chẳng có ô vuông nào ở đây cả.
Và để giải được câu đố này, chúng ta sẽ phải giải phóng bản thân ra khỏi cách nhìn nhận bị hạn chế như vậy. Chúng ta nhận ra vấn đề nằm ở chính lăng kính của mình. Khi chúng ta có sự thay đổi trong cách nhìn nhận vấn đề, nó cũng giống như một quá trình chúng ta chui ra được khỏi hang, và nhận ra: “à thì ra sự thật nó là như thế”.
Trong khoa học, người ta gọi đây là một sự paradigm shift, một sự thay đổi quan trọng về góc nhìn, khi một khám phá mới giúp chúng ta có được một thế giới quan đúng đắn hơn.
Tựa như khi Copernicus khám phá ra thuyết nhật tâm, chỉ ra rằng trái đất xoay quanh mặt trời. Từ đó, khám phá ấy đã thay đổi hoàn toàn vũ trụ quan của con người, và đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển của khoa học sau này. Khi nhận ra được sự thật, chúng ta sẽ cảm thấy như thể được tỉnh ra khỏi một cơn u mê.
Mặc dù, đây chỉ là một vài ví dụ mình lấy ra để minh họa, nhưng thực chất trong cuộc sống cũng có rất nhiều vấn đề diễn ra theo những cách tương tự. Tuy nhiên, nó sẽ thường là một quá trình, chứ không phải là một khoảnh khắc aha moment như vậy.
Bạn có thể thử đối chiếu với trải nghiệm của chính mình
Từ nhỏ, chúng ta dần hình thành nên cho mình một cách nhìn cuộc sống, một thế giới quan riêng được định hình bởi gia đình, bởi môi trường sống xung quanh. Cho đến khi dần lớn, chúng ta được ra ngoài xã hội, được khám phá nhiều hơn, trải nghiệm thêm nhiều mặt khác của cuộc sống.
Chúng ta được tiếp xúc với nhiều người, được lắng nghe nhiều quan điểm, thậm chí sai lầm và thất bại nhiều lần… Tất cả những tác động đó khiến thế giới quan của chúng ta được mở rộng ra hơn.
Năm 25 tuổi, chúng ta nhìn lại chính mình lúc còn đang đi học và nhận ra, lúc ấy, mình vẫn còn ngây thơ như thế nào. Chúng ta từng băn khoăn và bế tắc về những bài kiểm tra, về số điểm ở trường lớp…
Thế nhưng, sau này nhìn lại, ta thấy đó chỉ là những vấn đề rất nhỏ. Và rất có thể sau này, đến khi 40 tuổi nhìn lại, chúng ta lại thấy 25 tuổi ở thời điểm hiện tại thật ra vẫn chỉ như đứa trẻ con. Những vấn đề của hiện tại không quá khó khăn và nghiêm trọng như chúng ta đang nghĩ.
Tất nhiên, tuổi tác không đồng nghĩa với sự khôn ngoan. Nhưng mình nghĩ, mọi người có thể dễ dàng hình dung được điều mình đang muốn nói.
Chúng ta sẽ cần phải có sự chủ động học tập và rèn luyện bản thân, biết lắng nghe và tham khảo góc nhìn của người khác, suy nghĩ và chiêm nghiệm, hay nghiên cứu các kiến thức mới trong sách, trong các tài liệu…
Từ đó, chúng ta mới dần có thể phát triển được tư duy, mở rộng được nhận thức ra hơn, và nhìn ra được cách giải quyết cho những vấn đề mình đang gặp phải.
Chẳng hạn như, những vấn đề tình cảm tuổi 20, vấn đề sự nghiệp tuổi 25, vấn đề tài chính tuổi 30.
Như Albert Einstein từng có một câu nói rất hay: “no problem can be solved from the same level of consciousness that created it”.
Nghĩa là: một vấn đề không thể được giải quyết bằng cái trình độ nhận thức vốn đã tạo ra vấn đề đó.
Để giải quyết được, chúng ta buộc phải nâng cấp mình lên, đạt được đến một trình độ cao hơn. Nói cách khác, bạn sẽ phải vượt lên trên khỏi những giới hạn hiện tại, chui ra khỏi hang và nhìn thấy được bản chất của vấn đề.
Chẳng hạn, vấn đề tài chính mình đang gặp phải, vì mình chưa biết tạo ra thu nhập, chưa biết cách quản lý, tiết kiệm, đầu tư…
Vậy nên, không có một giải pháp bên ngoài nào có thể giúp được mình cả, ngoài việc tự mình phải nghiên cứu, tìm hiểu, thực hành, để giải quyết vấn đề và không lặp lại nó trong tương lai.
Chỉ bằng sự nỗ lực học hỏi như vậy, con người ta mới dần trở nên trí tuệ và khôn ngoan hơn. Đó là một quá trình chúng ta chủ động rèn luyện và nâng cấp bản thân, có cho mình những sự phát triển mới. Việc này cần đến thời gian, và thậm chí là cả sự kiên nhẫn để thích nghi với những hiểu biết mới.
Giống như việc người vốn đã quen sống trong hang cần phải có thời gian để cặp mắt làm quen với ánh sáng ở bên ngoài.
Theo như phân tích của giáo sư John Vervaeke, ánh sáng ở đây tượng trưng cho rất nhiều thứ, là sự thật, là cái thiện, là trí tuệ, là sự minh triết…
Một khi bạn được giải phóng khỏi những tư duy sai lầm, được nhìn nhận mọi thứ dưới ánh sáng, bạn mới có một cuộc sống tự do, sáng suốt, và ý nghĩa hơn.
Nâng cao nhận thức về bản thân mình là một hành trình dài, đòi hỏi sự bền bỉ và một chiến lược tiếp cận đúng. Vì vậy, mình đã thiết kế khoá học Know Thyself - 12 tuần viết để thấu hiểu bản thân, đặc biệt dành cho những ai còn đang mông lung và thiếu định hướng. Bạn sẽ được khám phá những "lát cắt" sâu nhất trong nội tâm mình để nhận thức đúng, đủ, và chính xác hơn về bản thân, và hành trình phía trước.
Final thoughts
Mình biết, là những chia sẻ này nghe có vẻ khá trừu tượng và khó để hình dung, nhưng đó chính là tính chất của những câu chuyện ngụ ngôn, và cũng là lý do nó khiến mình cảm thấy hứng thú.
Nó cần phải được phân tích và diễn giải để nhìn ra được những ý nghĩa đằng sau, và đúc kết những bài học.
Câu chuyện về cái hang của Plato là một chủ đề quan trọng của triết học trong suốt hơn 2000 năm qua cho thấy rằng, những gì mình rút ra từ câu chuyện này có thể được áp dụng với mọi nền văn hóa và mọi khung thời gian. Vì đó là những gì cơ bản nhất của trải nghiệm sống con người.
Trong nội dung này, mình cũng không thể chia sẻ được hết tất cả mọi thứ. Nhưng mình cũng hy vọng, những chia sẻ này đã mang đến cho bạn một vài những chiêm nghiệm nào đó thú vị. Hoặc ít nhất, bạn cũng đã rút ra được một sự chỉ dẫn nào đó có giá trị để áp dụng cho cuộc sống của mình.
Rất cảm ơn bạn đã ở đây. Hẹn gặp lại bạn trong những nội dung lần sau.
Hà Minh aka Cosmic Writer
Comments