Cách để giàu nhanh nhất, chính là việc thực hành lòng biết ơn.
Thật tình mà nói, câu viết này nghe như đang "giật title". Nhưng ở một tầng nghĩa sâu hơn của sự giàu có (wealth), nó thật sự đúng như vậy.
Theo cách hiểu truyền thống, sự giàu có thường được gắn liền với sự dư thừa về của cải vật chất. Nó có thể được lượng hóa (quantify) thành một con số cụ thể, như tổng thu nhập, tổng tài sản... qua đó tạo thành một thước đo để phân định sự giàu-nghèo của mỗi cá nhân.
Nhưng sâu hơn như thế, đằng sau những con số (dù lớn hay nhỏ), còn là cái cảm nhận của chúng ta về sự đủ đầy của chính mình. Cảm nhận này hoàn toàn là chủ quan (subjective), do đó mang tính tương đối. Chúng ta cảm thấy rằng mình giàu hay nghèo, sẽ phụ thuộc vào việc chúng ta đặt ra tiêu chuẩn như thế nào cho bản thân.
Chúng ta cảm thấy thế nào về những gì mình đang có, và về những gì mình chưa có? Nó thường được công thức hóa như sau:
Cảm nhận của chúng ta về sự giàu có của chính mình = những gì chúng ta đang có / những gì chúng ta muốn có.
Theo cách hiểu này, một người sở hữu 9 căn biệt thự vẫn sẽ cảm thấy mình nghèo, nếu như người đó vẫn bất mãn với cuộc sống, tối ngày lo âu toan tính về việc làm sao để sở hữu căn biệt thự thứ 10. Và ngược lại, một người sở hữu một căn hộ chung cư cũ vẫn có thể cảm thấy mình giàu, nếu như người đó hết lòng trân trọng việc mình có một mái ấm để trở về, đặt lưng xuống giường mỗi tối với một nụ cười thanh thản. Như Epictetus từng nói thế này: "sự trù phú, không bao hàm việc sở hữu nhiều hơn, mà là việc giảm bớt đi những ham muốn của mình". Nói cách khác, theo như công thức bên trên, Epictetus sẽ không muốn gia tăng phần tử số, mà muốn giảm bớt phần mẫu số.
Tuy nhiên, tôi không cho rằng chúng ta nên an phận thủ thường, tự huyễn hoặc rằng cuộc đời mình chỉ cần thế là đủ, và từ bỏ đi ý chí phấn đấu. Tôi nghĩ, việc ham muốn có nhiều hơn những gì mình đang có, một mặt tuy có thể khiến chúng ta cảm thấy mình... "nghèo", nhưng mặt khác, nó là thứ giúp chúng ta hướng về phía trước, giúp chúng ta nỗ lực để ít nhất là duy trì được sự sống, hoặc xa hơn là để đạt được đến một cuộc đời tốt đẹp (tất nhiên, những ham muốn đó cần phải thực tế và chính đáng). Vấn đề do đó không phải chỉ có đen-và-trắng, mà cần đến một suy xét sâu hơn thế nữa. Ở đây, lòng biết ơn sẽ đóng một vai trò rất lớn. Một vai trò mà công thức bên trên dường như bỏ sót. Nó là thứ cảm xúc tích cực được tạo ra khi chúng ta ghi nhận những gì mình đang có. Nó khiến chúng ta "cảm thấy" rằng mình giàu hơn, mà không nhất thiết tác động đến ham muốn của chúng ta.
Việc biết ơn rằng mình đang có rất nhiều thứ, không có nghĩa rằng chúng ta sẽ không nỗ lực để tạo ra thêm nhiều giá trị khác. Việc ghi nhận những điều tốt đẹp mình đang sở hữu, không có nghĩa rằng chúng ta phủ nhận đi những chỗ thiếu sót cần mình cải thiện. Một ly nước không phải chỉ có "nửa đầy" hoặc "nửa vơi", mà có cả hai.
Tôi gọi đây là lòng biết ơn "thực tế" (realistic gratitude), để phân biệt nó với một hình thức biết ơn có tính lý tưởng hóa (idealistic).
Quay trở lại với công thức bên trên, tôi nghĩ nó nên được hoàn thiện thêm thế này: Cảm nhận của chúng ta về sự giàu có của chính mình = (những gì chúng ta đang có * % lòng biết ơn) / những gì chúng ta muốn có.
Để gia tăng cảm nhận về sự giàu có, do đó có nhiều hơn 2 cách:
Việc sở hữu nhiều hơn cần đến rất nhiều cố gắng và may mắn trong sự nghiệp. Việc giảm bớt đi ham muốn đòi hỏi rất nhiều sự tiết chế và tự chủ bản thân.
Riêng có lòng biết ơn, là thứ mà chúng ta dễ dàng nuôi dưỡng và có được trong bất cứ khoảnh khắc nào. Nó có thể được tìm thấy ngay bên trong chúng ta. Chỉ cần chúng ta sẵn sàng bày tỏ lòng trân trọng của mình, ghi nhận những thứ tốt đẹp mình đang sở hữu, và thậm chí ghi nhận cả chính sự hiện diện của mình ở ngay hiện tại.
Rồi sau đó, chúng ta vẫn có thể tiếp tục nỗ lực. Nhưng là nỗ lực với một tâm thế rộng mở và đủ đầy hơn rất nhiều.
Lòng biết ơn, do đó, cũng đóng vai trò rất lớn trong việc giúp chúng ta "cảm thấy" mình giàu có hơn là như vậy.
Comments