top of page

Giới hạn của nhận thức

Sinh ra là con người, chúng ta có lẽ ít nhiều đều cảm thấy mình ưu việt. Cảm nhận này tôi có thể hiểu, vì nhờ sự vượt trội về năng lực tư duy và hợp tác, mà loài người mới vươn lên nắm quyền thống trị hành tinh, đẩy những giống loài khác... vào sở thú, vào trại chăn nuôi, hoặc vào chỗ tuyệt chủng.


Nắm giữ nhiều quyền lực như một tập thể, nhưng mỗi cá thể người đều vẫn có rất nhiều sự hạn chế. Cho dù chúng ta có thể trừu tượng hóa những ý tưởng cao siêu bằng ngôn từ hay toán học, mối liên hệ trực tiếp giữa một người với thế giới xung quanh vẫn phải chịu những giới hạn "khiêm tốn" của năm giác quan.


...


Khi tìm hiểu sâu hơn, tôi thấy kỳ thú khi biết về nguồn gốc và quá trình các giác quan hình thành trong lịch sử. Như với cặp mắt: từ những sinh vật đơn bào cảm quang có thể nhận biết ánh sáng và chuyển hóa thành thức ăn, đã phải trải qua hàng tỷ năm tiến hóa mới trở thành cơ quan sinh học tinh xảo và phức tạp như hiện giờ.


Tuy vậy, sự phát triển của các giác quan chỉ để giúp các loài sinh vật có lợi thế sinh tồn, chứ không hẳn là để tiếp nhận được thế giới xung quanh chân thực và toàn diện như vốn-dĩ-nó-là.


Để lấy ví dụ: cặp mắt của con người tuy siêu việt đến vậy, nhưng chỉ có thể nhìn thấy một khoảng rất khiêm tốn trong quang phổ điện từ (electromagnetic spectrum). Phần còn lại của quang phổ có bước sóng quá lớn (infrared) hoặc quá nhỏ (ultraviolet), đều vượt ra ngoài giới hạn sinh học ta có thể tiếp nhận.


Kể cả khi những kích thích từ môi trường chạm đến ngưỡng cảm giác (sensory threshold), chúng vẫn còn rất nhiều "cảnh giới" khác cần phải vượt qua trước khi ta có thể nhận biết được. Như trong khóa Essential Psychology của tiến sĩ Lê Nguyên Phương có kể đến như:


Ngưỡng tuyệt đối (absolute threshold): kích thích đó có cường độ đủ lớn để được chúng ta phát hiện ra hay không?


Ngưỡng nhận biết (recognition threshold): kích thích đó có cường độ đủ lớn để được chúng ta nhận biết (và gọi tên được) nó là gì hay không?


Khám phá này khiến tôi nhận ra: những gì ta có thể tiếp nhận từ môi trường, đều chỉ phản ánh một lát cắt nhỏ của thực tại. Và chỉ nhờ sự hỗ trợ bởi công nghệ, con người mới có thể khám phá được những khía cạnh sâu hơn về thế giới xung quanh mình.


...


Trong khi đó, những giống loài khác, với những bản thể sinh học khác, cũng sẽ có những trải nghiệm chủ quan rất khác so với con người.


Elizabeth Kolbert - chủ nhân giải Pulitzer, có viết trên trang The Newyorker: trong khi bạn hoang mang vì không thấy gì trong căn phòng tối, con dơi vẫn có thể quan sát bạn bằng sóng siêu âm, và con cú vẫn có thể định vị bạn bằng thính giác siêu hạng. Bóng tối với chúng không phải là nỗi sợ hay trở ngại như với con người - giống loài phụ thuộc phần lớn vào thị giác.


Thử nghĩ xem: nếu như bạn sở hữu những "siêu năng lực" như vậy, cuộc sống của bạn sẽ thế nào? Nhờ có sóng siêu âm, bạn có thể quan sát được đồng thời tất cả mọi phương hướng xung quanh mình và trong cả bóng đêm. Nhờ có siêu thính giác, bạn có thể nắm bắt được mọi diễn biến xa gần, thậm chí cả tốc độ nhịp tim của người đối diện. Lúc đó bạn sẽ có những hiểu biết gì? Trải nghiệm đó là trải nghiệm thế nào?


Tuy vậy, Thomas Nagel lập luận rằng: bạn có thể tưởng tượng, nhưng sẽ không thể thật sự trả lời được câu hỏi ấy. Vì trải nghiệm của một con dơi, một con cú, hay của một... dị nhân, đều vượt ra ngoài giới hạn nhận thức của chúng ta. ("What Is It Like To Be A Bat?", Thomas Nagel).


...


Cá nhân tôi nghĩ: việc nhận thức được những giới hạn này, giúp chúng ta khiêm nhường hơn với hiểu biết của bản thân, hoài nghi hơn với những người quá tự đắc với năng lực của họ, và tò mò hơn về thế giới còn nhiều bí ẩn xung quanh mình.


Như triết gia Arthur Schopenhauer từng viết: "Mọi người thường nghĩ giới hạn tầm nhìn của mình cũng là giới hạn của thế giới. Đây là một sai lầm về tư duy, cũng tất yếu như sai lầm của đôi mắt, khi nó khiến chúng ta mơ tưởng rằng đường chân trời phía xa kia cũng là nơi giao nhau của thiên đường và trần thế". ("Studies in Pessimism", Arthur Schopenhauer)


Có khi, những gì chúng ta thấy là "sự thật", chỉ là một phần nổi lên của cả một tảng băng khổng lồ đang ẩn chìm dưới lòng đại dương, mà chúng ta - với những giới hạn của mình, chẳng hề hay biết.


Cosmic Writer


Comments


bottom of page