top of page

Giữa những cuộc giao tranh

Chơi vơi giữa dòng đời, ai cũng đều tự thấy mình bị mắc kẹt trong những cuộc giao tranh:


Ta nên đi lối nào giữa những ngã rẽ trước mặt? Nên sống vì mình hay theo ý người khác? Nên lắng nghe con tim hay lý trí? Nên lựa chọn rủi ro hay an toàn? Nên tập trung vào tình yêu hay sự nghiệp? Nên kỷ luật hơn hay bao dung hơn? Nên theo đuổi giá trị tinh thần hay vật chất? Nên tiếp tục hay dừng lại?


Cuộc đời nhìn chung là những cuộc chiến vô hình như vậy. Cuộc chiến này nối tiếp cuộc chiến kia, xâu chuỗi vào nhau như trường kỳ, chẳng cho ta nhiều thời gian ngơi nghỉ.


Đôi khi nó khiến cho tâm trí chúng ta bị bào mòn, giằng co trong tiếng tranh luận ồn ào dội từ cả hai chiến tuyến, khiến ta mệt mỏi và hoang mang trong sự mâu thuẫn với chính mình. Nhưng đời vốn là thế.


Carl Jung cho rằng: nhận thức (consciousness) của chúng ta được hình thành nên từ sự giao tranh của những thái cực nhị nguyên đối lập: giữa tư duy và cảm xúc, giữa chủ quan và khách quan, giữa trừu tượng và thực tế, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa tính nam và tính nữ, giữa trật tự và hỗn loạn... Những thái cực ấy đan xen và ràng buộc lẫn nhau, và là chất liệu tổng hòa nên thế giới nội tâm của con người.


Vậy nên, ở góc độ cơ bản nhất, sự sống của con người luôn tự mâu thuẫn với chính nó. Nhưng cũng từ giữa sự đối nghịch ngang trái ấy, tâm trí chúng ta càng khắc họa được rõ hơn bức chân dung về mình.


Đừng quên, câu trả lời chúng ta đang tìm kiếm, chẳng mấy khi là tuyệt đối trắng-đen. Vì "vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản", vốn là quy luật của tự nhiên. Có khi con đường lý tưởng để đi lại nằm đâu đó ở giữa, trong một khoảng xám giàu tính trung hòa.


Nhưng xám cũng có đến 50 sắc độ, hay thậm chí còn nhiều hơn vậy. Để tìm được khoảng xám phù hợp nhất với mình, chúng ta không có cách nào khác ngoài việc cứ khám phá, cứ trải nghiệm, cứ mắc sai lầm. Từ đó chúng ta rút ra kinh nghiệm, và rồi liên tục tinh chỉnh, điều hòa, cân đối lại cuộc sống của mình.


Đối với tôi, đó là một quá trình học cách thỏa hiệp và tự cân bằng giữa những sự đối nghịch, học cách tìm lấy một khoảng lặng an yên giữa những cuộc giao tranh.


Cũng giống như thời nhỏ học đi xe đạp vậy: quá nghiêng về một phía, phải nghiêng phía còn lại kẻo ngã. Chỉ khi tìm được thăng bằng, hai bánh mới có thể lăn.


Cosmic Writer


Comments


bottom of page