Người Hy Lạp cổ đại có hai quan điểm khác nhau về hạnh phúc:
Đầu tiên là eudaimonia (ευδαιμονία). Khái niệm này được định nghĩa bởi triết gia Aristotle, một trong những khối óc thiên tài của nền văn minh nhân loại thời sơ khởi.
Trong tiếng Hy Lạp, eudaimonia mang nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc. Nó mang hàm ý nói đến trải nghiệm hạnh phúc cá nhân, nhưng không hẳn là một mục đích để đạt được, mà là một quá trình liên tục hướng đến cái tốt hơn. Một tiến trình để hiện thực hoá những tiềm năng của bản thân, để trui rèn những tài đức phẩm hạnh, và để sống một cuộc đời ý nghĩa như chúng ta xứng đáng được sống.
Eudaimonia cũng được xem như là chân lý cao thượng nhất trong hệ thống triết học thực hành của những người theo trường phái khắc kỷ (stoicism), xuyên suốt cho đến thời La Mã. Để hướng đến nó, con người phải sẵn sàng chấp nhận khổ hạnh như một phần của cuộc hành trình.
Thế nhưng, eudaimonia không phải là cách duy nhất người Hy Lạp định nghĩa hạnh phúc. Bên cạnh đó, còn có hedonia (ηδονία).
Hedonia có ý nói đến sự khoái lạc, vui sướng, ngọt ngào và dễ chịu. Nó là cảm giác thích thú khi ở bên cạnh người mình yêu, là sự say mê khi bạn ngắm nhìn cảnh hoàng hôn, lắng nghe một bản nhạc hay, tận hưởng một bữa ăn ngon, hay nhâm nhi một ly rượu ngọt.
Trường phái triết học Epicurean của Hy Lạp cho rằng: hedonia ở một mức độ cân bằng và điều độ, là chìa khóa cho một cuộc sống hạnh phúc lý tưởng. Thế nhưng ở chiều ngược lại, nhiều người cho rằng tự bản thân khái niệm hedonia, lại thiếu đi ý nghĩa hay mục đích. Nó là sự vui thú trống rỗng, nhanh đến và cũng nhanh đi.
Tuy vậy, eudaimonia và hedonia không nhiết thiết phải tương phản và trái ngược lẫn nhau như những cảm nhận ban đầu về chúng.
Trong cái nhìn của tâm lý học hiện đại, niềm hạnh phúc thật sự của con người sẽ cần phải dung hòa được cả hai khái niệm này.
Một cuộc sống mà chỉ có hedonia, chỉ có niềm vui thú, sẽ rất ngọt ngào nhưng vô nghĩa. Mặt khác, một cuộc sống chỉ có eudaimonia, chỉ có ý nghĩa, sẽ đức hạnh cao quý nhưng nhàm chán và khô khan. Ngược lại, một cuộc sống không có cả hai, sẽ chỉ là một sự trống rỗng vô ý nghĩa, vô giá trị.
Nói tóm lại, một cuộc sống hạnh phúc đúng nghĩa, vừa phải ẩn chứa những cảm nhận sâu sắc về đức hạnh và mục đích, vừa phải tràn ngập những niềm vui thú giản đơn thường ngày.
Một ý niệm lý tưởng về cuộc sống tuy không dễ để đạt được, nhưng hoàn toàn xứng đáng để hướng đến.
Đó được các nhà khoa học gọi là "the fulfilled life", hay một đời sống trọn vẹn.
Cosmic Writer
Comments