top of page

Hành trình và đích đến

Có câu nói này rất hay: "người đam mê cuộc hành trình sẽ đi được xa hơn rất nhiều so với người chỉ muốn nhanh chân về đích".


Một trong những lý do khiến nhiều người dù đã hiểu được tầm quan trọng của việc đặt mục tiêu, và thậm chí đã thử đặt ra mục tiêu cho mình, nhưng rồi vẫn thất bại trong việc bắt tay vào hành động... là vì họ chỉ muốn mình nhanh có được kết quả, chứ không sẵn sàng đánh đổi bằng những sự cố gắng đều đặn mỗi ngày.


Họ muốn có một cơ thể khỏe mạnh, nhưng lại chán ghét việc đổ mồ hôi luyện tập. Họ muốn mình được hiểu sâu biết rộng, nhưng lại chỉ thấy buồn ngủ khi nhìn vào trang sách. Họ muốn mình kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng lại không muốn dành thời gian đầu tư và phát triển sự nghiệp.


Trong khi đó, nếu như chúng ta đặt trọng tâm của mình nhiều hơn vào quá trình, thì khi ấy mọi thứ sẽ rất khác. Tất nhiên, đặt ra mục tiêu là hết sức cần thiết. Mục tiêu đóng vai trò như một đích đến để hướng về. Nhưng rồi chính cái quá trình, và từng bước đi xuyên suốt chặng đường đó, mới là thứ tạo ra cho chúng ta sự phát triển.


Nếu như chúng ta yêu thích và tận hưởng quá trình phát triển của mình, thì khi đó, thành quả tất yếu sẽ đến. Nhưng nó sẽ chỉ là giá trị đi kèm. Vì tự bản thân chặng đường mình đã đi mới là phần thưởng ý nghĩa nhất.


Chẳng hạn, một người đam mê tri thức sẽ đọc sách không phải để thể hiện rằng mình hiểu biết, mà để thỏa mãn niềm vui thú tìm hiểu của chính mình. Họ thích được "giày vò" bản thân với những lý thuyết, những ý tưởng, hay những thông tin khó nhằn... để rồi gập cuốn sách lại với một tâm trí thêm rộng mở. Cứ vậy như một thói quen, sự hiểu biết của họ được tích lũy theo thời gian một cách hoàn toàn tự nhiên, mà chẳng cần người đó phải nhọc công đong đếm.


Trong tâm lý học, hai xu hướng trên thường được phân biệt bằng tên gọi là: động lực ngoại sinh (extrinsic motivation) và động lực nội sinh (intrinsic motivation).


Nếu như động lực ngoại sinh được tạo ra bởi những điều kiện thưởng-phạt bên ngoài, thì động lực nội sinh được tạo ra bởi chính niềm say mê và thỏa mãn khi ta thực hiện một hoạt động nào đó. Nói cách khác, chúng ta làm một công việc vì tự thân chính nó, chứ không phải chỉ vì một mục đích gì khác phía sau. Chúng ta đi vì yêu con đường, chứ không phải chỉ vì yêu đích đến.


Nếu như một người được thúc đẩy bởi động lực nội sinh (intrinsic motivation), người đó sẽ thường đạt được kết quả tốt hơn trong học tập và công việc. Vì khi đó, hành động của họ có thể được duy trì bền vững hơn về lâu dài. Không những thế, động lực nội sinh còn giúp chúng ta có những trải nghiệm đầy ý nghĩa, và một cảm giác tự lực tự chủ (autonomy).


Vậy nên, để thật sự đạt được những mục tiêu của mình, đừng vội tìm kiếm đâu xa cả. Hãy bắt đầu từ chính bản thân mình. Xác định xem điều gì thật sự quan trọng và ý nghĩa với mình, và có thể làm mình hạnh phúc vì tự thân chính nó?


Nếu như những gì bạn hướng đến có sự đồng nhất với giá trị con người bạn, động lực sẽ được tạo ra từ tận sâu bên trong. Như một ngọn lửa không bao giờ cạn kiệt nhiên liệu.


Vì nguyên lý này, để đi được xa trên bất kì hành trình nào mình theo đuổi, chúng ta chỉ có 2 cách:


(1) là làm việc mình yêu thích, hoặc (2) là yêu thích việc mình làm.


Cách thứ (1) dành cho những người can đảm và tràn trề khát vọng. Cách thứ (2) dành cho những người có tâm hồn rộng mở, biết tìm thấy niềm vui trong bất kì điều gì.

Cả hai đều không phải những con đường dễ đi, nhưng đều là những con đường hoàn toàn xứng đáng.


Cosmic Writer



コメント


bottom of page