top of page

Khi "điểm yếu" hóa thành "điểm mạnh"

Có những khía cạnh ở bản thân mà chúng ta cho là điểm yếu, nhưng thực ra lại rất có thể là một điểm mạnh tiềm năng.


Bạn có thể không quá hoạt ngôn, thích giao lưu và hướng ngoại. Nhưng cũng có thể vì đó, mà bạn giỏi lắng nghe, có trách nhiệm với từng lời được nói, và trân trọng những kết nối sâu.


Bạn có thể nhạy cảm và dễ tổn thương. Nhưng cũng có thể vì đó, mà bạn thấu hiểu được người khác một cách sâu sắc, hoặc rộng lòng cảm thông cho những tổn thương của họ.


Bạn có thể không chịu được những nguyên tắc, những kỷ luật quá khắt khe. Nhưng cũng có thể vì đó, mà bạn có sự tự do, bay bổng, phóng khoáng, và nhiều ý tưởng đột phá sáng tạo.

Sự khác biệt đôi khi chỉ nằm ở điểm nhìn. Nếu như chúng ta đối chiếu bản thân với một khuôn mẫu tiêu chuẩn nào đó lý tưởng, chúng ta sẽ luôn cảm thấy mình toàn điểm yếu.


Nhưng trong mỗi hoàn cảnh, mỗi môi trường khác nhau, những phẩm chất được cần đến cũng có nhiều khác biệt. Người làm kinh doanh sẽ cần đến những đặc điểm khác so với người làm nghiên cứu. Người làm chính trị sẽ cần đến những phẩm chất khác so với một nghệ sĩ đương đại. Họ có thể lúng túng ở vị trí của nhau, nhưng lại tỏa sáng khi trở về đúng vai trò của mình.


Vậy nên, đôi khi chính những sự "lệch chuẩn" của mỗi người mới làm nên những cá tính đặc biệt, độc đáo, và những thế mạnh riêng không ai thay thế được, nếu như những phẩm chất đó được đặt trong đúng môi trường, đúng hoàn cảnh.


Như "cá gặp nước". Hay như "thả hổ về rừng".


Bạn có thể tìm cách sửa chữa và thay đổi những thiếu sót của mình, nếu bạn cảm thấy chúng là những cản trở trong cuộc sống.


Nhưng ngược lại, bạn cũng có thể tự hỏi xem những điểm yếu đó có thể mang lại những lợi thế gì, sẽ phát huy được hiệu quả trong một môi trường ra sao?


Và khi bạn có thể tự đặt mình vào góc nhìn đó, thì những yếu điểm ở mình mà bạn đang thấy âu lo, lại có thể trở thành "siêu năng lực" trong một hệ quy chiếu khác.


Comments


bottom of page