Thời gian gần đây khi lên mạng, tôi bắt gặp rất nhiều từ khóa: “độc hại”. Hầu như điều gì cũng có thể gán với tính từ “độc hại” phía sau.
Từ những khái niệm đã khá quen thuộc như nam tính độc hại, năng suất độc hại, mối quan hệ độc hại… cho tới cả những điều ta thường nghĩ là tốt như… tích cực độc hại, hay cha mẹ độc hại…
Tôi tự hỏi: từ khi nào mà thế giới xung quanh ta, nhiều sự độc hại đến thế?
Việc này khiến ta đôi khi phải nhìn nhận lại mọi vấn đề trong cuộc sống. Có những thứ rõ là đem đến toàn sự tiêu cực, nhưng ta chẳng mảy may ngờ vực vì ngỡ rằng mình không có lựa chọn khác. Nhiều người, vì sự bất lực ấy mà âm thầm chịu tổn thương.
Thậm chí, nó khiến ta phải tự nhìn nhận chính mình. Có lẽ nào, chính ta là người độc hại?
Nhưng sau khi suy nghĩ một hồi, tôi nhận thấy: những sự độc hại này không phải điều gì mới. Thực chất, chúng đã vẫn luôn ở đó, bén rễ trong cuộc sống thường ngày xưa nay, ngay cả trong những điều hiển nhiên nhất mà ta vô thức không nhìn ra.
Ngày nay, nhờ sự phát triển của các ngành khoa học xã hội, con người dần hiểu hơn về “tác dụng phụ” của những sự lựa chọn quen thuộc. Đi cùng với sự phổ biến của internet, con người cũng dần được trao nhiều cơ hội hơn để nói lên trải nghiệm của mình. Từ đó, mặt trái còn tồn đọng của những vấn đề hiển nhiên được soi tỏ, và dần nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Sự nam tính, hóa ra cũng có thể độc hại, nếu như nó cho phép sự bạo lực, hay tạo ra những khuôn mẫu định kiến cứng nhắc. Cha mẹ, hóa ra cũng có thể độc hại, nếu họ thờ ơ hay ngược đãi con trẻ, để chúng lớn lên với những vết sẹo tâm lý vì thiếu vắng tình yêu thương.
Việc nhận biết sự “độc hại” do đó cũng giúp ta tự bảo vệ bản thân. Khi nhận thấy ai đó đang làm hại ta, tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực lên ta, ta có quyền nói “không” với họ.
Thế nhưng, nhiều người hoài nghi sẽ nghĩ: không lẽ tất cả nam tính đều độc hại, tất cả cha mẹ đều độc hại? Phải chăng sự lên án này đang phá vỡ những nền móng văn hóa truyền thống?
Tất nhiên không phải vậy. Đây là lối tư duy trắng-đen tai hại. Vấn đề gì cũng đều có hai mặt. Chúng cần được ta tìm hiểu suy xét kỹ lưỡng, trước khi vội vàng quy về những phán xét tuyệt đối.
Theo tôi nghĩ, việc nêu lên sự “độc hại” của những khái niệm trên, không nên chỉ nhằm mục đích chỉ trích. Mặt khác, nó là bước đệm để ta đặt ra câu hỏi quan trọng hơn: vậy “lành mạnh” là như thế nào?
Làm sao để nam tính “lành mạnh”? Làm sao để làm cha mẹ “lành mạnh”?
Chỉ khi nhận thức rõ nét vấn đề “độc hại” ở chỗ nào, ta mới nhìn ra sự “lành mạnh” nó nằm ở đâu. Từ đó, những hạt mầm lành mạnh mới được ta gieo trong cuộc sống: từ sự nam tính, đến những mối quan hệ, hay trong cách ta làm cha mẹ…
Tuy vậy, việc phân tích vấn đề dựa trên lăng kính nhị nguyên tốt-xấu, có thể sẽ bị lệ thuộc vào những cảm nhận cá nhân. Sẽ rất dễ dàng để quy kết một ai đó ta không ưa là “độc hại”, để ta không còn phải lắng nghe, hay tôn trọng họ nữa.
Về mặt này, ta không nên quá lạm dụng khái niệm “độc hại”. Vì thứ gì được sử dụng quá nhiều, cũng sẽ mất đi ý nghĩa. Khi ai cũng “độc hại”, những thứ độc hại thật sự sẽ hòa lẫn vào số đông. Vậy nên, cần phải có sự chọn lọc hơn trong cách sử dụng từ này.
Để làm được việc này, ta cần được trang bị kiến thức. Bên cạnh đó, là việc sẵn sàng suy xét lại mối quan hệ giữa hành vi của mỗi người với kết quả mà nó tạo ra cho bản thân và xã hội.
Đối với tôi, sự lành mạnh, sẽ đưa cả bản thân VÀ xã hội đi lên. Trong khi đó, sự độc hại sẽ chỉ đặt một thứ lên trên mọi thứ khác.
Cosmic Writer
Comments