Trong bài “trời hôm nay nhiều mây cực” của Đen Vâu, có một câu hát mình rất thích, đó là:
“Học cách làm chủ được mình trước khi làm chủ ai”.
Lời bài hát nghe rất hay, nhất là khi câu hát ăn vào nhịp nhạc. Nhưng ý nghĩa đằng sau nó mới là điều khiến mình từng phải suy ngẫm rất nhiều.
Sự thật là phần lớn thời gian, chúng ta là một người sếp tồi của chính mình.
Chúng ta có quyền lựa chọn mình nói gì và làm gì, có quyền tự quyết định cuộc đời mình, nhưng thường làm không tốt với vai trò đó.
Đó là khi:
Chúng ta biết mình đang chuẩn bị có kỳ thi quan trọng, nhưng vẫn trì hoãn không chịu ngồi vào bàn học.
Chúng ta biết mình đang cần phải tiết kiệm tiền cho một mục tiêu quan trọng, nhưng lại bị FOMO trước những món đồ mới.
Hoặc khi chúng ta biết mình cần phải ăn uống healthy hơn, nhưng lại không từ bỏ được thói quen ăn vặt để xả stress.
Để hành động nhất quán với những gì mình muốn thật sự không dễ dàng, không hiển nhiên.
Bạn biết điều gì tốt cho mình, biết mình cần phải làm gì, nhưng không thể ra lệnh cho bản thân làm theo như vậy.
Vì cảm tưởng như, ở bên trong bạn luôn có một thứ gì đó bạn chưa thể hoàn toàn kiểm soát được.
Vậy, làm sao để chúng ta có thể làm chủ được mình tốt hơn?
Làm sao để có thể quản lý được bản thân, đưa ra những quyết định đúng, và trở nên hiệu quả trong việc theo đuổi những mục tiêu cuả mình?
Đây cũng là chủ đề mình muốn bàn sâu đến trong nội dung lần này.
Mình muốn chia sẻ một số những suy nghĩ về việc làm chủ chính mình, những điều mình đã chiêm nghiệm, rút ra được từ chính những trải nghiệm của bản thân.
Cùng mình tìm hiểu nhé.
1. Tự có trách nhiệm với bản thân
Đầu tiên, mình muốn làm rõ: làm chủ là như thế nào?
Chúng ta muốn làm chủ được bản thân mình, nhưng vị thế của một người chủ cũng đi cùng với rất nhiều trách nhiệm.
Nó cần chúng ta phải sẵn sàng nhận lấy được trách nhiệm đó.
Việc này mới nghe có vẻ đơn giản, nhưng nó đồng nghĩa với việc, chúng ta không thể đổ lỗi cho bất kì điều gì khác vì những vấn đề của mình, không phải tại người khác, tại hoàn cảnh, tại số phận...
Cuộc sống của mình nên mình cần phải tự quản lý, sức khoẻ phải tự lo, hạnh phúc phải tự gìn giữ.
Nhìn từ góc độ như vậy, đây thật sự là một trách nhiệm to lớn.
Như mình thấy, chúng ta thường phải mất ít nhất một vài năm tuổi trẻ để nhận thức được như vậy.
Khi còn nhỏ, chúng ta thường đã có gia đình lo cho. Nhưng khi lớn hơn, chúng ta phải dần học cách để tự lo cho mình.
Đó là một giai đoạn chuyển giao quan trọng, một môn học tất yếu bạn không thể học được từ ai khác ngoài trải nghiệm sống của bản thân.
Nhưng chỉ khi hoàn toàn nhận thức được điều này, chúng ta mới có sự tự do để quyết định tương lai.
Giống như khi được ngồi vào ghế lái, bạn có thể cần phải chú tâm hơn, tập trung và thận trọng hơn để không mắc sai lầm.
Nhưng ngược lại, bạn có thể thoải mái lựa chọn cho mình tốc độ nhanh hay chậm, đi vào những con đường nào, và đâu là nơi bạn thật sự muốn đến.
Nói cách khác, để có được trách nhiệm với bản thân như vậy, mình nhận thấy, chúng ta cần phải có một tâm thế chủ động. Thay vì chờ đợi cuộc sống xảy đến với mình, hãy thử có sự tự quyết, tự tay tạo dựng một cuộc sống như mình muốn.
Giống như một người leader, cần phải có trách nhiệm với tập thể, có trách nhiệm với những quyết định của mình, và với sự thành bại của dự án mình đang dẫn dắt.
Và dự án đó ở đây, cũng chính là cuộc đời mà bạn đang sống.
Đọc thêm: Con đường ngắn nhất để vượt qua bất an
2. Đặt ra mục tiêu cho mình
Mình từng đọc được một định nghĩa khá hay:
Khái niệm về designer, hay một nhà thiết kế, là một người sẽ hoạch định trước về hình thái và cách thức vận hành của một thứ gì đó, trước cả khi nó được tạo ra.
Dù với thiết kế đồ họa, thiết kế kiến trúc, thiết kế quy trình, hay thậm chí là thiết kế chính cuộc đời mình cũng vậy.
Đó cũng chính là bước thứ 2 mình muốn nói đến trong quá trình này:
Hãy trở thành một người thiết kế, lên ý tưởng về cuộc đời mình muốn sống, phác thảo ra những đường nét quan trọng nhất, và rồi từng bước làm cho nó rõ ràng và cụ thể hơn.
Tất nhiên, tầm nhìn đó cần phải có tính thực tế, cần phải có khả năng thực hiện được dựa trên khả năng và những nguồn lực mình có.
Việc xác định cho mình một tầm nhìn, hay những mục tiêu từ dài hạn cho đến ngắn hạn như vậy, sẽ là chiếc kim chỉ nam cho bạn. Việc đặt ra cho mình mục tiêu rõ ràng sẽ giúp chúng ta có động lực nhiều hơn để cố gắng.
Nhưng giá trị của việc đặt mục tiêu thực chất còn lớn hơn như vậy.
Nó sẽ chỉ dẫn cho bạn biết mình đang hướng đến điều gì, giúp bạn thiết kế và tổ chức lại cách mình tư duy và hành động.
Nó sẽ là tiêu chí để bạn có thể xác định được liệu mình có đang đi đúng hướng hay không, những hành động của mình có đang dẫn mình đến với mục tiêu đó hay không, hay đang trôi đi xa khỏi nó.
Chẳng hạn như khi bạn thật sự muốn một cuộc sống tốt, bạn định nghĩa nó là một cuộc sống khỏe mạnh, được nhiều người yêu quý và có sự đủ đầy về vật chất.
Điều đó sẽ định hướng cho những hành động của bạn:
Để khỏe mạnh, mình cần phải có những thói quen tốt về ăn uống và vận động.
Để được yêu quý, mình cần phải vị tha hơn một chút, sẵn sàng cho đi và chia sẻ.
Để có sự đủ đầy, mình cần phải biết tiết kiệm, đồng thời nỗ lực hơn trong sự nghiệp để đảm bảo được năng lực tài chính.
Nhờ có mục tiêu rõ ràng như vậy, bạn cũng sẽ biết mình cần phải làm những gì.
Tất nhiên, đặt mục tiêu không thôi là chưa đủ. Rất nhiều người đã có cho mình mục tiêu, nhưng lại thất bại trong việc hành động.
Để đạt được những mục tiêu đã đặt ra, bạn cần phải hành động một cách bền bỉ, duy trì một cách nhất quán trong suốt một khoảng thời gian dài.
Việc này sẽ cần bạn phải kỷ luật hơn với bản thân mình, tự nhắc nhở bản thân phải hành động theo như những gì bạn thật sự muốn, chứ không cho phép bản thân đi chệch hướng vì những ham muốn trước mắt.
3. Tự giám sát và quản lý chính mình
Kỹ năng này gọi là self-control.
Tâm lý học định nghĩa self-control là quá trình bạn đặt ra cho mình một trạng thái bạn hướng đến, sau đó đối chiếu nó với trạng thái hiện tại, và hành động để thu hẹp khoảng cách giữa hai trạng thái này.
Nghe có vẻ khá là phức tạp phải không?
Mình nghĩ có thể hiểu đơn giản là khi bạn đặt ra mục tiêu làm việc A, nhưng bạn lại đang làm việc B, bạn cần phải tự nhận ra sự thiếu đồng nhất đó để điều chỉnh được hành vi của mình.
Để làm được việc này, bạn sẽ cần phải vào vai một người giám sát, hay một người supervisor.
Nó cần bạn phải có thói quen tự nhìn nhận và ý thức về chính mình, về những gì mà mình đang làm, đang trải nghiệm, ở đây và ngay bây giờ.
Nó là một sự tự nhận thức về bản thân, một kỹ năng mình đã từng nhắc đến không ít lần. Vì như mình từng chia sẻ, phần lớn thời gian chúng ta bị kiểm soát bởi những ham muốn bản năng, hay những cảm xúc nhất thời.
Chúng ta muốn được nghỉ ngơi, muốn được ăn uống và chi tiêu thoải mái, muốn được giải trí và đắm mình trong những sự tiêu khiển. Không có gì sai với việc sở hữu những ham muốn như vậy, thậm chí đôi lúc cho bản thân mình được xả hơi cũng chẳng sao.
Nhưng bằng việc mang lại instant gratification, những sự thỏa mãn nhất thời và ngắn hạn, những thói quen đó sẽ có sức mạnh rất lớn để kiểm soát mình.
Vậy nên, để khắc phục được vấn đề này, mình nghĩ chúng ta sẽ càng phải tự ý thức hơn để tự giám sát bản thân, biết đâu là điểm dừng, biết tự định hướng lại hành động của mình mỗi khi chúng ta tự nhận ra mình đi sai đường.
Đơn giản chỉ bằng việc đặt ra cho bản thân câu hỏi là:
Ngay lúc này đây mình đang dành ra thời gian của mình vào việc gì?
Đó có phải là việc tốt nhất, cần thiết nhất mình nên tập trung vào hay chưa?
Nếu như không phải, thì việc tốt hơn mà mình cần phải làm là gì?
Chỉ bằng một vài câu hỏi như vậy, bạn sẽ có thể tự kiểm nghiệm lại hành động của mình ở mọi khoảnh khắc, và đưa ra những sự điều chỉnh tương ứng.
Chẳng hạn như khi bạn đang lướt social media, và phải mất đến 20 phút bạn mới nhận ra mình đang tốn thời gian vào những nội dung rất vô nghĩa, trong khi bạn có chủ đích là nghiên cứu về một đề tài nào đó, và ngẫu nhiên bị một thông báo trên điện thoại làm cho sao nhãng.
Nhưng ngay cái khoảnh khắc đó, bạn sẽ cần phải ngay lập tức quay trở về với việc mình cần làm, một quyết định hành động dứt khoát hơn.
Thông thường, nếu như ý chí chưa đủ mạnh, chúng ta sẽ rất dễ bị những sự thoả mãn nhất thời đó khuất phục.
Nhưng nếu như chúng ta dùng đến lý trí để hành động một cách có trách nhiệm hơn, bằng việc lặp lại như vậy nhiều lần, khả năng tự kiểm soát bản thân sẽ ngày càng phát triển.
Khi tư duy và hành động có sự đồng nhất với nhau, bạn không còn hành động một cách bản năng nữa.
Bạn sẽ hành động theo đúng như những gì bạn thật sự mong muốn.
Đó chính là cách để cuộc sống của chúng ta trở nên hiệu quả, đi theo quỹ đạo mình đã vạch ra. Bản năng của bạn sẽ có thể vẫn ở đấy, nhưng dần lý trí của bạn có thể trở nên mạnh mẽ hơn.
Chẳng hạn như khi bạn muốn chủ động học tập, muốn chủ động workout để rèn luyện thể chất… thường nó sẽ khó ở thời gian đầu, vì bạn chưa thích nghi được với những chuỗi hành động mới như vậy.
Nhưng bằng việc chủ động đương đầu với sự khó khăn đó, nó sẽ dần trở nên dễ dàng hơn, và trở thành những thói quen tốt. Việc mở bài ra học không còn thấy ngại, việc workout vận động thậm chí còn khiến bạn thấy thỏa mãn và tự tin hơn.
Vậy nên, hãy tự là người giám sát và nhắc nhở chính mình, có sự kỷ luật khi tự thấy mình buông thả.
Nhờ đó, bạn sẽ có thể dần làm chủ được bản thân tốt hơn, và trở thành một người leader của chính mình.
Nhưng cuối cùng, vai trò của một người leader sẽ chưa dừng lại ở đó.
Nếu như với một tập thể, người leader sẽ cần phải biết cách tạo được sự ảnh hưởng, tạo được sự gắn kết đồng lòng giữa mọi người với nhau thì với bản thân mỗi người cũng vậy.
Chúng ta cũng sẽ cần phải biết cách để giao tiếp với chính mình một cách lành mạnh và hiệu quả hơn.
Đọc thêm: Bao dung và kỷ luật
4. Giao tiếp tích cực hơn với bản thân
Giao tiếp tốt hơn với bản thân là như thế nào?
Điều này đồng nghĩa với việc: đừng quá khắc nghiệt với chính mình.
Nếu như một lúc nào đó, bạn tự thấy mình còn lười, còn trì hoãn, còn chìm đắm vào những thói quen tiêu cực.
Việc này hết sức bình thường, vì con người ta không có ai là hoàn hảo cả.
Mình cũng vậy, bạn cũng vậy.
Thật ra, việc tự nhận ra những thiếu sót đó ở bản thân cũng đã là một sự khởi đầu tốt.
Nhưng việc làm chủ bản thân hay không sẽ nằm ở cách bạn đối diện với những thiếu sót đó.
Đối với mình, nhận ra thiếu sót không có nghĩa là tìm ra những lý do để bạn tự chê trách, mà là tìm ra những điểm ở bản thân mà bạn có thể cải thiện.
Và để cải thiện, bạn sẽ cần phải biết cách để tự khích lệ chính mình.
Để có được động lực thay đổi, thứ chúng ta cần nghe không phải là những lời chê bai chỉ trích, mà là những lời động viên, những lời tự khẳng định, những lời nói giúp bạn cảm thấy có thêm tinh thần để nỗ lực.
Vậy nên, hãy kỷ luật với bản thân, nhưng kỷ luật một cách tích cực.
Đừng quá khắc nghiệt đến độ tự khiến bản thân mình thấy chán nản và mất niềm tin.
Mình nghĩ, việc biết cách để giao tiếp với bản thân một cách hiệu quả hơn là một kỹ năng sống cần phải thực hành và rèn luyện thường xuyên.
Nhất là khi, chúng ta đã hình thành nên những quan điểm, những phán xét hẹp hòi về mình. Lúc này, việc thay đổi sẽ cần đến nhiều thời gian và nỗ lực.
Nhưng khi dần thay đổi được, mình tin, khi đấy cuộc sống của bạn cũng sẽ thay đổi theo một hướng cực kì tích cực. Chúng ta có thể cố gắng, có thể kỷ luật bản thân mình hơn, nhưng không cảm thấy bị ép buộc, không cảm thấy áp lực và mệt mỏi.
Ngược lại, chúng ta còn thấy có cảm hứng vì biết đó là cách để yêu thương mình, muốn tốt cho mình, nên mới cần phải hành động một cách đúng đắn và có kiểm soát hơn.
Hành trình làm chủ bản thân và làm chủ cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, khi chúng ta có thể thay đổi và cải thiện được cách chúng ta tự giao tiếp với chính mình.
Đọc thêm: Kỷ luật: tôn trọng và yêu thương
Final thoughts
Nhìn chung, việc làm chủ được bản thân mình, sẽ cần đến 4 bước, hay 4 yếu tố không thể thiếu.
Đó là việc sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm cho bản thân mình, thiết lập được tầm nhìn và mục tiêu, có sự tự kiểm soát bản thân mình tốt hơn, và biết cách để giao tiếp một cách tích cực với chính mình.
Những chia sẻ trên đây của mình chỉ mang tính tham khảo.
Vì hiểu lý thuyết là một chuyện, nhưng để thật sự áp dụng được những nguyên lý này trong cuộc sống, không có cách nào khác ngoài việc chúng ta phải chủ động thực hành, phải đưa những lý thuyết đó vào hành động thực tế.
Làm được việc này hay không, theo mình, cũng sẽ tùy thuộc vào mỗi người, và vào từng giai đoạn phát triển của họ.
Nhưng mình cũng vẫn hy vọng, những chia sẻ này đã mang lại cho bạn thêm một góc nhìn nào đó, giúp bạn có thể quản lý được tư duy và hành động của mình tốt hơn, và từ đó cải thiện được chất lượng cuộc sống.
Vì “học cách làm chủ được mình trước khi làm chủ ai”, cũng có nghĩa rằng, chúng ta cần phải tự biết cách tự tạo ra thay đổi ở bản thân mình trước đã, rồi mới có thể thay đổi được thế giới xung quanh mình tốt đẹp hơn.
Nếu như việc phát triển bản thân và làm chủ cuộc sống của mình cũng là một sứ mệnh quan trọng bạn đang theo đuổi, mình muốn giới thiệu với bạn chương trình Self-mastery Series.
Đây là chuỗi các khóa học về phát triển bản thân, được mình thiết kế và xây dựng để giúp bạn đạt được tự chủ trong cuộc sống một cách hiệu quả nhất.
Bàn sâu đến những chủ đề quan trọng như cải thiện sự tập trung, quản lý cảm xúc, tư duy cầu tiến, kỷ luật bản thân... mình tin đây sẽ là những kỹ năng nền tảng mà bạn cần trang bị trên hành trình trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Chương trình hiện đang được ưu đãi lên đến 40%, có hiệu lực cho tới hết ngày 30/04. Bạn có thể tham khảo thông tin và đăng ký tại đây: https://www.cosmicwriter.co/self-mastery
Rất cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc hết những chia sẻ của mình, hẹn gặp bạn trong những nội dung khác.
Cosmic Writer
Comments