top of page

Lau chùi "cặp kính" phán xét

Mấy tháng trước, tôi từng đọc bài viết của một người bạn:


Mở đầu bài, bạn ấy kêu than việc bị mọi người phán xét vì lối sống của bạn ấy khác với số đông, và rằng chúng ta không nên phán xét người khác, vì mỗi người đều có một quan điểm riêng. Tôi đồng ý. Nhưng ngay câu sau, bạn ấy đã... phán xét ngược trở lại những người có lựa chọn sống khác biệt với mình bằng những lời lẽ khá gay gắt.


Dường như, bạn ấy không tự nhận ra sự mâu thuẫn trong suy nghĩ của mình. Nhưng đọc xong bài viết ấy, tôi lại thấy lo lắng, vì biết đâu… chính mình cũng có những mâu thuẫn như vậy mà không tự thấy?


Vội vàng phán xét người khác là điều không nên. Chúng ta đều biết điều ấy. Những phán xét của một ai đó khác thường rất dễ để nhận ra, nhất là khi ta phải là người đón nhận. Thế nhưng, chúng ta lại chẳng mấy khi tự nhận ra những phán xét của chính mình:


"Con này xấu thế mà cũng có người yêu."

"Thành công của nó chắc là do ăn may!"

"Khó khăn của nó làm sao bằng của mình."

...


Những suy nghĩ như vậy có khi chẳng phải hiếm. Chúng ta thậm chí có thể dễ dàng buông lời bình luận tiêu cực sau lưng ai đó với vài người bạn để cuộc trò chuyện thêm phần sôi nổi.


Vì chẳng thấy đau, chúng ta chẳng thấy ảnh hưởng gì, cũng chẳng suy nghĩ nhiều về những lời đã nói. Nhưng, hãy thử tự đặt mình vào vị trí đó. Bạn có muốn người khác cũng nói như vậy về mình?


Những sự đánh giá ta áp lên người khác như một thói quen, nhiều khi bám sâu vào nhận thức đến độ trở thành định kiến, hay một "điểm mù" của thế giới quan, khiến chúng ta nhìn nhận vấn đề một cách chủ quan và phiến diện mà chẳng hề hay biết.


Cũng giống như một người đeo mãi một cặp kính bẩn. Vì nó ở quá gần nên người đó chẳng nhìn ra, chỉ thấy thế giới qua lớp kính mờ đục mà lầm tưởng rằng những vết bẩn đó nằm ở người khác. Chỉ đến khi tháo cặp kính, họ mới nhận ra vấn đề bấy lâu đều nằm ngay ở mình.


Cặp kính đó có khi ta cũng đang đeo ngay lúc này, cũng lấm lem dấu vết của những phán xét, những định kiến, những phê bình thiếu công tâm. Vậy nên, thi thoảng đừng quên dừng lại một chút, cho phép mình tự vấn lại bản thân, và thử xỏ vào chân đôi giày của người khác.


Cũng đừng vội xem góc nhìn và quan điểm của mình tuyệt đối là chân lý. Sẵn sàng nhìn ra sai để sửa, thấy vết bẩn để lau chùi, thì mình mới thấy được sự việc sáng rõ, chân thực, và khách quan hơn.


Cosmic Writer


Comments


bottom of page