Tác giả: Barbara Field
Lựa chọn sống biết ơn là một trong số những cách đơn giản và dễ tiếp cận nhất để gia tăng niềm hạnh phúc. Lòng biết ơn và niềm hạnh phúc thường được cho là có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Vậy hạnh phúc là gì? Khi nói về hạnh phúc, chúng ta thường nghĩ đến một trải nghiệm chủ quan của niềm vui sướng và sự mãn nguyện. Điều mà có thể nhiều người không nhận ra là: niềm hạnh phúc thật sự không phải chỉ là một cảm xúc thoáng qua. Nó còn thể hiện mức độ bạn cảm thấy tích cực và hài lòng về cuộc sống của mình.
Sonja Lyubomirsky - nhà nghiên cứu tâm lý học tích cực (positive psychology) đã giành giải thưởng cho nghiên cứu gia tăng niềm hạnh phúc lâu dài - đã cân nhắc đo lường mức độ hạnh phúc bằng những cảm xúc dễ chịu như niềm vui thú và sự hài lòng tích cực. Bên cạnh đó, Lyubomirsky cũng nhận ra rằng: niềm hạnh phúc còn đi liền với những cảm nhận sâu sắc về ý nghĩa, giá trị cốt lõi, và mục đích sống trong cuộc đời.
Tiến sĩ Amy E.Keller - bác sĩ tâm lý, nhà trị liệu hôn nhân và gia đình - nhấn mạnh rằng để xây dựng niềm hạnh phúc, không thể thiếu đi sự chủ định. Khi bạn cảm thấy nhiều niềm vui, và đồng thời cũng cảm thấy cuộc sống của mình có nhiều ý nghĩa, bạn sẽ thấy trân trọng hơn những gì mình đang có.
Tiến sĩ Keller cho biết: “Khi nói chuyện với khách hàng về sự hạnh phúc, tôi nhấn mạnh đến việc cảm thấy cuộc sống có mục đích, có sự kết nối, đồng thời nuôi dưỡng và hài lòng với giá trị của bản thân. Bên cạnh đó, cũng cần phải có sự vui thú - một yếu tố đương nhiên không thể thiếu! Lòng biết ơn củng cố cho niềm hạnh phúc trong mối liên hệ với tất cả những yếu tố trên."
Trong bài viết sau đây, hãy cùng điểm qua những lợi ích tích cực của lòng biết ơn, và làm thế nào để bạn có thể học cách nuôi dưỡng lòng biết ơn trong cuộc sống hàng ngày của mình.
I. TÁC ĐỘNG CỦA LÒNG BIẾT ƠN LÊN CƠ THỂ
Nhiều bằng chứng khoa học chỉ ra rằng lòng biết ơn có tác động lớn lên sức khỏe của con người. Khi ai đó cảm thấy biết ơn và hài lòng với những gì thuộc về bản thân họ, sức khỏe thể chất của họ sẽ phản ánh điều đó. Họ sẽ thường xuyên tập thể dục hơn, ăn uống lành mạnh, và chăm sóc sức khỏe của mình tốt hơn.
Trong những năm qua, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sống biết ơn sẽ giúp giảm căng thẳng, làm vơi đi những tổn thương, và cải thiện hệ thống miễn dịch của con người. Thái độ sống này cũng có mối liên hệ tới chỉ số huyết áp tốt hơn, và cả những tác động tích cực lên tim mạch.
Lòng biết ơn cũng có những tác động tích cực mạnh mẽ tới “trạng thái hạnh phúc tâm lý” (psychological well-being). Nó tăng cường lòng tự trọng, thúc đẩy những cảm xúc tích cực, và giúp chúng ta lạc quan hơn.
Khi cảm thấy niềm hạnh phúc thực sự, cơ thể ta sẽ sản sinh ra những hợp chất “kỳ diệu”. Tiến sĩ Keller giải thích cụ thể hơn như sau:
“Việc trải nghiệm lòng biết ơn sẽ giúp kích hoạt các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine, giúp ta cảm thấy vui vẻ, và serotonin, giúp điều tiết tâm trạng của chúng ta. Nó cũng làm cho não tiết ra oxytocin, hormone sản sinh ra những cảm giác như lòng tin tưởng, sự hào phóng, giúp thúc đẩy các tương tác xã hội, và cảm giác được kết nối.”
II. LÀM SAO ĐỂ NUÔI DƯỠNG LÒNG BIẾT ƠN?
Cũng giống như cơ bắp, khi bạn rèn luyện lòng biết ơn thường xuyên hơn, bạn sẽ thấy được những lợi ích của nó.
1. Hình mẫu từ các quốc gia Scandinavia
Năm 2018 và 2019, Phần Lan xếp thứ nhất trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới của Liên Hợp Quốc (The United Nation’s World Happiness Report). Thật đáng lưu tâm và suy nghĩ về lý do tại sao các quốc gia Bắc Âu (như Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch và Iceland) thường đứng đầu danh sách với dân số hạnh phúc nhất trên thế giới. Báo cáo của Liên Hợp Quốc khảo sát về mức độ hạnh phúc toàn cầu, xếp hạng 156 quốc gia theo những đánh giá về chất lượng cuộc sống người dân.
Do đó, có thể thấy chính người dân Scandinavia tự đánh giá mức độ hạnh phúc của họ rất cao. Họ đánh giá cao một xã hội vận hành tốt, nơi đảm bảo được an ninh kinh tế cũng như các phúc lợi xã hội cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Người Thụy Điển còn sử dụng đến khái niệm “lagom” (vừa phải) để miêu tả một sự tiết chế, vừa đủ mà họ thấy coi trọng.
Họ không theo đuổi hạnh phúc hay làm việc tăng ca liên tục mỗi tháng. Nhìn chung, họ chấp nhận và hài lòng với cuộc sống. Họ trân trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống một cách lành mạnh, có những giờ nghỉ giải lao giữa ngày làm việc, và có mức sống cao. Họ cũng sở hữu mức độ tham nhũng thấp, và duy trì tín nhiệm xã hội ở mức cao.
Nhờ sự hài lòng và mãn nguyện này, họ cảm thấy cuộc sống của mình có giá trị. Họ có ít áp lực hơn, ít căng thẳng hơn và có nhiều thời gian hơn để làm những gì họ thích.
(Ở phương Đông, tư tưởng này cũng được nhắc đến trong những quan niệm truyền thống. Trong chương thứ 30 của “Đạo đức kinh”, Lão Tử viết: “Tri túc giả phú”, tức là người biết đủ là người giàu có.)
2. Thường xuyên vận dụng lòng biết ơn
Cách tốt nhất để thực hành lòng biết ơn, đó là không chờ đợi tới những khoảnh khắc đặc biệt, mà hãy biến nó trở thành một thói quen. Một số người được bác sĩ trị liệu cho biết, việc thực hiện một cuốn “nhật ký biết ơn” (gratitude journal) giúp họ có thể kiểm soát tốt hơn những căng thẳng và lo lắng thường ngày. Viết nhật ký mỗi ngày cũng có mối tương quan với sự gia tăng sự hạnh phúc.
Nhưng nếu bạn chưa sẵn sàng cho sự cam kết như vậy, có một cách dễ dàng hơn để bắt đầu hành trình sống biết ơn của bạn: chỉ cần chú ý quan sát. Hãy nhận biết những điều trong cuộc sống mà bạn thường coi là đương nhiên. Và rồi, hãy dành ra một khoảnh khắc để nói lời cảm ơn và trân trọng những điều ấy.
Hãy để tâm đến những hành động, những việc làm tích cực nho nhỏ, vụn vặt thường ngày nhưng lại ít được chú ý đến. Dưới đây là một vài ví dụ:
- Biết ơn vì tách trà ấm mà bạn đang thưởng thức.
- Ngước lên và trân trọng mái ấm của căn nhà bạn.
- Để ý tới những việc làm tử tế, nhỏ nhặt mà đôi khi bạn vô tình bỏ qua.
- Trân trọng vị khách hàng tốt bụng đã nhường vị trí của bạn lên trước họ khi xếp hàng ở tiệm tạp hóa.
- Hãy dành chút thời gian để trân trọng đứa bạn thân đã nhắn tin hỏi thăm khi bạn bị ốm.
- Biết ơn vì dù sau một ngày làm việc vất vả, mẹ bạn vẫn dành thời gian để quan tâm đến bạn.
- Tất nhiên, đây không phải là danh sách đầy đủ vì có rất nhiều cách để nuôi dưỡng lòng biết ơn. Vậy nên, hãy thỏa sức sáng tạo và điều chỉnh chúng sao cho phù hợp với cuộc sống của chính bạn!
3. Những bài thực hành lòng biết ơn
Mục tiêu của bạn là thực hành có chủ đích, và xây dựng cho mình thói quen khoa học này để tăng cường sự hạnh phúc của bản thân.
Bạn có cảm thấy mình quá bận rộn, đặc biệt là với công việc không? Tiến sĩ Keller khuyến khích khách hàng của bà thực hành việc nói lời cảm ơn, ngay cả tại nơi làm việc.
Tiến sĩ Keller làm việc với một số doanh nhân có “chỉ số octan cao” (high-octane), và bà khuyến khích họ thực hiện các bài tập về lòng biết ơn trước các cuộc họp lớn. Keller nói: “Nó không chỉ giúp họ giảm bớt sự lo lắng, mà còn giúp họ thay đổi thái độ trước những cuộc hợp tác (với sự trợ giúp của oxytocin) dẫn tới những tương tác tích cực và hiệu quả hơn - từ đó mang lại cho họ cảm giác đạt được sự hoàn thành (dopamine!), nâng cao cảm giác mãn nguyện và giá trị bản thân của họ.”
Kể cả khi chúng ta bị áp lực về mặt thời gian trong những ngày làm việc bận rộn, và thậm chí vào cả cuối tuần, vẫn có những phương cách khả thi để tích hợp lòng biết ơn vào lịch trình của bạn.
Bên cạnh thói quen viết nhật ký biết ơn mỗi ngày, sau đây là một vài gợi ý cũng giúp bạn đi đúng hướng:
- Đi dạo và biết ơn từng vật thể mà bạn quan sát thấy được: cây cỏ, hoa lá, bầu trời, chim chóc.
- Lấy một cuốn tạp chí hoặc những bức ảnh cũ và cắt dán lại những thứ mà bạn thấy biết ơn.
- Làm một chiếc ‘hộp tri ân”. Sử dụng vài mẩu giấy, mỗi ngày viết ra ba điều bạn cảm thấy biết ơn. Cho vào lọ/hộp và lấy ra đọc một cách định kỳ.
- Gọi cho người đã từng làm điều gì đó tốt hay bày tỏ sự trân trọng của họ với bạn.
- Viết một bức thư cho ai đó để bày tỏ sự biết ơn của bạn với những gì họ đã làm cho bạn.
- Lên lịch đến thăm và nói với họ rằng họ thực sự có ý nghĩa đối với bạn nhường nào, hay bạn biết ơn hành động hào phóng đó của họ ra sao.
III. LỜI KẾT
Theo một số báo cáo phát hành gần đây của tờ Harvard Health, dựa trên nghiên cứu về tâm lý học tích cực (positive psychology), lòng biết ơn luôn cho thấy mối liên hệ tích cực với niềm hạnh phúc. Nghiên cứu cho rằng lòng biết ơn giúp con người ta “cảm thấy nhiều nguồn cảm xúc tích cực hơn”, tận hưởng những trải nghiệm tốt đẹp, cải thiện sức khỏe, đương đầu với những nghịch cảnh, và xây dựng những mối quan hệ khăng khít trong cuộc sống. Vậy nên, hãy dành thời gian để nuôi dưỡng biết ơn. Nó sẽ tác động tới niềm hạnh phúc của bạn, và mở ra nhiều khía cạnh ý nghĩa khác trong cuộc sống. Tác giả: Barbara Field Nguồn: Verywellmind Dịch bởi: Quỳnh Nhi Biên tập: Hà Minh
コメント