Câu nói trên là một trong số những câu thành ngữ gây ấn tượng cho tôi sâu sắc. Nó nói đến việc: người nào càng có học, càng có năng lực cao về tri thức, thì lại càng biết khiêm tốn.
Quả thật đúng vậy. Càng hiểu biết, thì lại càng thấy việc khoe khoang và thể hiện sự hiểu biết đó là chẳng cần thiết.
Khi đã chinh phục được chính mình, thì con người ta cũng không còn có nhu cầu phải gồng mình lên chứng tỏ để chinh phục người nào khác cả. Không còn cần sự tôn vinh hay công nhận từ ai để "cái tôi" của mình thêm béo múp.
Cũng giống như một bông lúa đã kết trái, chín vàng nặng hạt rồi sẽ cúi đầu rủ xuống. Dịu dàng, từ tốn, và rất khiêm nhường.
Nhưng gần đây, tôi có suy nghĩ thêm về câu nói này, và cảm thấy như có điều gì đó chưa đủ. Bông lúa sẽ chỉ kết trái sau một quá trình dài vươn mình cao lớn. Nó sẽ phải từng là một cây lúa non xanh, mạnh mẽ hướng thẳng lên bầu trời, đi qua những nắng mưa rồi mới đến ngày trĩu hạt.
Và tôi nghĩ, với con người có lẽ cũng vậy. Chúng ta cũng sẽ cần phải có một quá trình dài nỗ lực, va vấp, và trưởng thành. Phải có những tháng năm học hỏi và phát triển bản thân, mới đến lúc những hiểu biết của chúng ta được thành tựu.
Suy nghĩ này không mâu thuẫn với câu thành ngữ trên, mà có lẽ bổ sung thêm ý nghĩa cho nó:
Nếu như trong tay chẳng có gì, vốn sống và trải nghiệm ít ỏi, thì việc sống cúi đầu chỉ khiến chúng ta không thấy được bầu trời cao rộng.
Quá rụt rè và chẳng dám khẳng định bản thân, thực chất không phải là biểu hiện của sự hiểu biết. Đó chỉ là sự thiếu tự tin, và do dự trước sứ mệnh phải trưởng thành. Nói cách khác: hãy chỉ "cúi đầu" khi thật sự đã "chín".
Nếu như vẫn còn non xanh, hãy cho phép mình được sống, được lớn, được nỗ lực và đổ mồ hôi... để những tiềm năng bên trong được phát triển thành hình.
Để đến một ngày khi ta chọn cúi đầu, đó sẽ là một cái đầu đã thật sự hiểu biết, đã trải nghiệm và chiêm nghiệm được nhiều điều.
Comments