Tác giả: Sherri Gordon
Trong những năm gần đây, mạng xã hội (social media) đang ngày càng trở nên phổ biến. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, 72% người Mỹ sử dụng mạng xã hội (1). Trong khi đó, theo báo cáo của Google năm 2021, lên đến 72 triệu người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, chiếm tỷ lệ 73.7% dân số.
Các nền tảng mạng xã hội thường được sử dụng để liên lạc với người thân, cập nhật tin tức, và chia sẻ quan điểm. Điều này khiến một số nhà nghiên cứu đặt ra những câu hỏi về tác động lâu dài của việc sử dụng mạng xã hội.
Mạng xã hội, nhìn chung vẫn còn là một phát kiến công nghệ tương đối mới, vậy nên chưa có nghiên cứu khoa học nào ghi nhận những ảnh hưởng dài hạn của nó. Tuy nhiên, một số nghiên cứu có chỉ ra rằng: mạng xã hội có thể tác động đến sức khỏe tinh thần ở nhiều phương diện. Xu hướng ngày càng phụ thuộc vào các phương tiện truyền thông trực tuyến có thể làm gia tăng nguy cơ cảm thấy lo lắng, chán nản, cô đơn, đố kỵ, hay thậm còn có thể gây bệnh.
I. VÌ SAO MẠNG XÃ HỘI LẠI PHỔ BIẾN?
1. Mạng xã hội làm tăng tính gắn kết
Nhờ việc cho phép người dùng kết nối với gia đình và bạn bè ở xa hay đã mất liên lạc, mạng xã hội đã trở thành một phương tiện truyền thông liên lạc thiết yếu trong đời sống hàng ngày, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch.
Mọi người thường sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin và kết nối với người khác, nhất là khi các chỉ thị phải ở nhà khiến họ không thể gặp mặt nhau trực tiếp. Mạng xã hội do đó đã trở thành một phương tiện hỗ trợ và kết nối xã hội không thể thiếu.
2. Mạng xã hội giúp tạo ra niềm vui
Mạng xã hội có xu hướng thúc đẩy hành vi sử dụng. Thuật toán của các nền tảng mạng xã hội có thể khiến người dùng trở nên “nghiện” việc kiểm tra những dòng trạng thái của họ để theo dõi số lượng like, comment, cũng như xem bài đăng của những người khác.
Việc sử dụng mạng xã hội, có thể sẽ kích thích vùng trung tâm khen thưởng (reward center) của não, bằng cách giải phóng chất dẫn truyền thần kinh dopamine, hay còn được gọi là chất hóa học tạo cảm giác tích cực (feel-good chemical). Khi đã được giải phóng, dopamine sẽ thúc đẩy người dùng lặp lại hành vi đã thực hiện, bởi họ muốn trải nghiệm lại cảm giác tích cực trước đó.
3. Mạng xã hội thúc đẩy sự tự tin
Mạng xã hội cũng có thể thúc đẩy sự tự tin (self-esteem) của người dùng, đặc biệt với những người dùng được yêu mến trên không gian mạng, hay những người dùng sở hữu nội dung có lượng yêu thích, tương tác cao. Mạng xã hội cũng cho phép một số người chia sẻ phần nào con người thật của họ, những mặt mà họ có thể không dễ dàng thể hiện trong những giao thiệp trực tiếp.
Các phương tiện truyền thông xã hội có thể đặc biệt hữu ích đối với những người mắc chứng lo âu xã hội (social anxiety), mang lại giải pháp cho những cá nhân gặp khó khăn trong giao tiếp giữa người với người.
II. MẠNG XÃ HỘI ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỨC KHỎE TINH THẦN NHƯ THẾ NÀO?
Bên cạnh những lợi ích không thể bác bỏ, các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ra một số mặt trái của mạng xã hội, đặc biệt là liên quan đến sức khỏe tinh thần.
1. Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm (depression)
Với một phát kiến công nghệ được cho là có thể “mang mọi người đến gần nhau hơn”, mạng xã hội thậm chí có thể gây ra những tác dụng trái ngược - đặc biệt là khi những bất đồng trên mạng phát sinh. Mạng xã hội cho thấy mối liên hệ tới chứng trầm cảm (depression), sự lo lắng (anxiety) và nỗi cô đơn (loneliness). Nó có thể khiến con người ta cảm thấy lẻ loi và cô lập.
Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy: những người trẻ sử dụng mạng xã hội nhiều hơn hai giờ mỗi ngày, nhiều khả năng có sức khỏe tinh thần được nhận định là trung bình hoặc tệ hơn, nếu như so với những người dùng kém thường xuyên hơn. (2)
Một nghiên cứu ở quy mô lớn với thanh niên Mỹ cho thấy: những người sử dụng mạng xã hội liên tục có nguy cơ mắc các triệu chứng trầm cảm cao hơn 3 lần so với những người sử dụng điều độ. (3)
2. Làm tổn thương lòng tự trọng (self-esteem)
Mạng xã hội có thể khiến bạn phải trải qua cảm giác thất vọng về cuộc sống hay mặc cảm về ngoại hình của mình. Ngay cả khi bạn biết rằng những hình ảnh bạn nhìn thấy trên mạng đã được chỉnh sửa, hay chỉ toàn thể hiện những mặt nổi bật nhất của người khác, chúng vẫn gây ra cho bạn cảm giác bất an, ghen tị, và không hài lòng về bản thân mình.
3. Hội chứng sợ bị bỏ lỡ (FOMO)
Một hiện tượng tâm lý khác liên quan đến mạng xã hội được biết đến là FOMO, hay "nỗi sợ bị bỏ lỡ." Các nền tảng mạng xã hội như Facebook và Instagram, chỉ càng làm trầm trọng thêm nỗi lo sợ rằng bạn đang bỏ lỡ điều gì đó thú vị ngoài kia, hay lo sợ rằng người khác đang có cuộc sống tốt hơn bạn. (4)
Trong những trường hợp cực đoan, FOMO có thể khiến bạn dính chặt lấy chiếc điện thoại, khiến bạn phải liên tục kiểm tra những cập nhật hay những phản hồi mới nhất.
4. Hội chứng chỉ quan tâm đến bản thân mình (self-absorption)
Việc liên tục chia sẻ những bức hình selfie (mang tính “sống ảo”) và những suy nghĩ sâu kín của bạn lên mạng xã hội có thể tạo ra một sự chỉ quan tâm đến bản thân (self-absorption) không lành mạnh, khiến bạn chỉ tập trung tô vẽ cho hình ảnh trực tuyến của mình, hơn là vun đắp kỷ niệm với bạn bè và gia đình trong cuộc sống thật.
Trên thực tế, những nỗ lực để kiểm soát ấn tượng (impression management) về bản thân, hay cố gắng để có được sự công nhận từ bên ngoài (external validation) có thể khiến bạn phải trả giá về mặt tâm lý, đặc biệt nếu như bạn chưa bao giờ nhận lại được sự công nhận mà bạn vẫn hằng kiếm tìm. Cuối cùng thì, việc thiếu đi những lời nhận xét tích cực trên mạng có thể dẫn đến sự thiếu tự tin và thù ghét chính mình.
5. Sự mất kiểm soát hành vi
Sử dụng mạng xã hội quá mức có thể dẫn đến các vấn đề về sự mất kiểm soát hành vi, đặc biệt nếu bạn truy cập mạng xã hội bằng smartphone. Việc này giúp bạn có thể truy cập vào tài khoản của mình bất kể ngày hay đêm, tuy mang lại cho bạn sự kết nối thuận tiện, nhưng có thể gây ảnh hưởng đến sự tập trung và chuyên tâm của bạn. Nó thậm chí có thể xáo trộn giấc ngủ của bạn và gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ giữa người với người.
6. Cơ chế đối phó không lành mạnh
Mạng xã hội có thể trở thành một phương tiện không lành mạnh để giải quyết những cảm xúc khó chịu trong bạn. Ví dụ, nếu như bạn viện vào mạng xã hội mỗi khi cảm thấy thất vọng, cô đơn hay buồn chán, bạn chỉ đang sử dụng nó như một cách để đánh lạc hướng bản thân khỏi những cảm giác khó chịu.
Cuối cùng thì, mạng xã hội chỉ là một phương thức nghèo nàn để bạn tự xoa dịu bản thân, đặc biệt là vì việc phụ thuộc vào nó thường chỉ khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn thay vì tốt hơn.
III. NHỮNG DẤU HIỆU CẦN CHÚ Ý
Bởi mỗi người một khác, không có một khoảng thời gian nhất định nào dành cho mạng xã hội được khuyến nghị là tối ưu. Thay vào đó, bạn cần tự đánh giá xem việc sử dụng mạng xã hội đang ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của mình, bao gồm cả việc bạn có cảm giác ra sao khi không sử dụng, cũng như sau khi sử dụng.
Một nghiên cứu năm 2018 của Đại học Pennsylvania cho thấy rằng việc tự giám sát có thể thay đổi nhận thức của một người về mạng xã hội. Theo chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, Tiến sĩ, Nhà tâm lý học Melissa G. Hunt, việc sử dụng mạng xã hội ít hơn bình thường có thể giúp cảm giác cô đơn và trầm cảm giảm đi một cách đáng kể. Bằng cách tự giám sát và thực hiện các điều chỉnh (về thói quen sử dụng mạng xã hội), chúng ta có thể cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe của mình.
Nếu bạn thấy rằng việc sử dụng mạng xã hội có ảnh hưởng đến các mối quan hệ của bạn, hoặc khiến bạn mất tập trung vào công việc hay học tập, thì có lẽ đây chính là dấu hiệu của vấn đề. Ngoài ra, nếu việc lướt mạng xã hội khiến bạn cảm thấy ghen tị, chán nản, lo lắng, hoặc tức giận, thì có lẽ đã đến lúc bạn cần tự xem xét lại thói quen này của mình.
Có thể là bạn cần “cai nghiện” mạng xã hội, và dành nhiều thời gian hơn cho cuộc sống thực, để đảm bảo cho sức khỏe tinh thần của mình.
Mạng xã hội cũng có thể trở thành vấn đề, nếu như bạn có xu hướng sử dụng nó để cố chống lại sự buồn chán, hoặc để đối phó với sự cô đơn. Mặc dù những cảm giác này không hề dễ chịu, và việc bạn muốn giảm bớt chúng là hợp tự nhiên, nhưng việc phụ thuộc vào mạng xã hội để giải khuây hay để trốn tránh thực tại, không phải là một lựa chọn lành mạnh để đối phó với những xúc cảm tiêu cực này.
Do đó, có lẽ đã đến lúc bạn phải đánh giá lại thói quen sử dụng mạng xã hội của mình. Dưới đây là một số dấu hiệu bổ sung cho thấy mạng xã hội có thể có tác động tiêu cực đến cuộc sống và sức khỏe tinh thần của bạn:
- Các triệu chứng lo lắng, trầm cảm và cô đơn của bạn ngày càng gia tăng.
- Bạn đang dành nhiều thời gian trên mạng xã hội hơn là với bạn bè và các thành viên gia đình.
- Bạn có xu hướng thấy mình thua kém hơn so với những người trên mạng, hoặc bạn thấy thường xuyên ghen tị với người khác.
- Bạn bị người khác chơi khăm hoặc bắt nạt trực tuyến (cyberbullied).
- Bạn đang dính líu vào những hành vi nguy hiểm, hoặc đăng những nội dung “gây shock” để câu like.
- Trách nhiệm với công việc, cuộc sống, gia đình, học tập của bạn đang bị bỏ mặc.
- Bạn ít có thời gian cho các hoạt động tự chăm sóc bản thân như thiền chánh niệm (mindfulness meditation), tự phản chiếu (self-reflection), tập thể dục và ngủ.
LỜI KẾT
Nếu bạn dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội, và bắt đầu nhận thấy cảm giác buồn bã, thất vọng, chán nản và cô đơn đang ảnh hưởng đến cuộc sống và các mối quan hệ, có lẽ đã đến lúc xem xét và điều chỉnh lại thói quen kém lành mạnh này. Nếu nhận thấy rằng ngay cả sau khi điều chỉnh việc sử dụng mạng xã hội, bạn vẫn gặp phải các triệu chứng trầm cảm hoặc lo lắng, hãy cân nhắc việc trò chuyện với chuyên gia tâm lý để được giúp đỡ. Với những giải pháp điều trị phù hợp, bạn sẽ sớm cảm thấy tốt hơn. Tác giả: Sherri Gordon Nguồn: Verywellmind Dịch bởi: Quỳnh Nhi Biên tập: Hà Minh Tham khảo: (1) Pew Research Center. Social media fact sheet. (2) Centre for Addiction and Mental Health. Social media use and mental health among students in Ontario. CAMH Population Studies eBulletin. 2018;19(2). (3) Lin LY, Sidani JE, Shensa A, et al. Association between social media use and depression among U.S. young adults. Depress Anxiety. 2016;33(4):323-31. (4) Chou H-TG, Edge N. “They are happier and having better lives than i am”: The impact of using Facebook on perceptions of others’ lives. Cyberpsychol Behav Soc Netw. 2012;15(2):117-121. (5) Hunt MG, Marx R, Lipson C, Young J. No more FOMO: limiting social media decreases loneliness and depression. J Soc Clin Psychol. 2018;37(10):751-768.
Comments