top of page

MBTI cơ bản cho người mới bắt đầu

Bấm vào đọc bài viết này chắc hẳn bạn đã có một sự hứng thú nhất định với bài trắc nghiệm tính cách MBTI. Quả thực thì, việc khám phá ra được mình thuộc type gì là trải nghiệm khá hay ho, kiểu “wow sao nó nói đúng thế”! Nếu không thấy đúng lắm, đọc qua các type khác cũng thấy hay ho không kém.


Tuy nhiên thì, hầu hết nội dung về MBTI cơ bản thường chỉ chạm được vào cái phần mặt ngoài. 16 nhóm tính cách đó mới chỉ là trailer giới thiệu thôi. Cái hay ho thật sự của MBTI vẫn đang chờ đợi được bạn khám phá đây nè. Đó là khái niệm về các functions, hay “chức năng nhận thức”, (thường được ký hiệu kiểu Ni, Ne, Si, Se trông như nguyên tố hóa học).


Ừ thì để nắm được mấy nội dung này cũng cần bạn bỏ chút thời gian. Nhưng mình đảm bảo là nó không khó hiểu như bạn nghĩ đâu. Nếu như có đủ hứng thú (và cả một chút “dũng cảm” muốn tìm hiểu sâu hơn) thì đọc tiếp, mình giải thích một cách ngắn gọn ngay bây giờ đây.


 

Functions & hệ thống functions


Cognitive functions, hay các chức năng nhận thức, là cơ chế hoạt động của tâm trí. Vì sao 16 types, mỗi type lại đều có những đặc điểm tính cách riêng? Là bởi vì họ sử dụng những tổ hợp chức năng khác nhau.


Mỗi type sẽ sử dụng 4 functions, được sắp xếp theo các “tầng ý thức”, để tạo thành một hệ thống chức năng. Để hiểu một cách đơn giản hơn, thì nó như một miếng bánh gato có 4 layer, mỗi layer là 1 chức năng. Càng chức năng ở trên thì càng phát triển, và ngược lại, càng ở dưới thì càng yếu kém. 4 functions này lần lượt sẽ là:

  • Dominant function (chức năng thống trị / dom): là chức năng phát triển nhất, được sử dụng quen thuộc nhất.

  • Auxiliary function (chức năng bổ trợ / aux)

  • Tertiary function (chức năng non trẻ)

  • Inferior function (chức năng yếu kém)


Một chức năng được tạo thành bởi 2 yếu tố chính:

  • Chức năng đó là hướng nội hay hướng ngoại (i-e)?

  • Chức năng đó là tiếp nhận thông tin (N-S) hay xử lý thông tin (F-T)?


Từ đó tạo thành 8 chức năng như sau, có thể được chia làm hai hệ là Perceiving (tiếp nhận thông tin)Judging (xử lý thông tin):


4 chức năng hệ tiếp nhận thông tin (Perceiving functions):

  • Se (cảm giác hướng ngoại – Extraverted Sensing) là chức năng khám phá và trải nghiệm cái thế giới vật lý bên ngoài một cách chân thực, chi tiết, thông qua các giác quan trên cơ thể, hoặc sử dụng cơ thể để tương tác với thế giới. Se có xu hướng muốn mở rộng cái thế giới quan thực tế, hướng tới việc khám phá những trải nghiệm mới lạ. Type sử dụng Se nhiều nhất: ESTP & ESFP.

  • Si (cảm giác hướng nội – Introverted Sensing) là chức năng thu thập, lưu giữ, và tích hợp các trải nghiệm thực tế thành một cái “bộ nhớ”, thông qua cơ thể vật lý. Cái “bộ nhớ” này là một tập hợp các kinh nghiệm, thói quen, truyền thống trong quá khứ đã được chủ thể xác nhận. Si có xu hướng tìm kiếm sự đảm bảo, an toàn, quen thuộc, ổn định và nhất quán. Type sử dụng Si nhiều nhất: ISTJ & ISFJ.

  • Ne (trực giác hướng ngoại – Extroverted Intuition) là chức năng scan & nhận biết các pattern, các ý tưởng, giả thuyết, hay các khả năng từ thế giới bên ngoài. Ne là chức năng tượng trưng cho khả năng sáng tạo, mang tính khám phá, mở rộng, bằng cách lướt nhanh qua các ý tưởng sẵn có, và liên tục tái kết hợp chúng lại để tạo ra ý tưởng mới. Type sử dụng Ne nhiều nhất: ENTP & ENFP.

  • Ni (trực giác hướng nội – Introverted Intuition) là chức năng nhìn thẳng vào cái “chân giá trị”, cái bản chất, ý nghĩa, hay nguyên nhân sâu xa đằng sau một sự vật hay hiện tượng. Ni kết nối và tổng hợp các đầu mối thông tin một cách vô thức, quy chúng về chung một cái pattern hay quy luật, rồi từ đó đưa ra những dự đoán, giả thuyết, tầm nhìn (vision) hay insight. Type sử dụng Ni nhiều nhất: INTJ & INFJ.


4 chức năng hệ xử lý thông tin (Judging functions):

  • Te (tư duy hướng ngoại – Extroverted Thinking) là chức năng xử lý thông tin có tính hệ thống dựa trên những dữ kiện khách quan bên ngoài. Te sử dụng các data, các phương pháp, các quy định có tính logic để tạo ra hệ thống và tối ưu hệ thống đó bằng những kết quả khách quan. Vì là chức năng hướng ngoại nên Te thường thể hiện ra bằng hành động, mang tính kiểm soát và chặt chẽ. Type sử dụng Te nhiều nhất: ENTJ & ESTJ.

  • Ti (tư duy hướng nội – Introverted Thinking) là chức năng xử lý thông tin mang tính logic, nhưng thuộc phạm vi chủ quan. Ti khảo sát và phân tích các sự vật, các ý tưởng, một cách mạch lạc và hệ thống. Ti có tính giản lược, bóc tách và phân tích vấn đề. Vì là chức năng hướng nội nên nó sẽ có xu hướng đi sâu vào cái hệ thống logic chủ quan, và tối ưu cái hệ thống đó. Type sử dụng function này nhiều nhất: INTP & ISTP.

  • Fe (cảm xúc hướng ngoại – Extroverted Feeling) là chức năng xử lý thông tin dựa trên đời sống tinh thần từ thế giới xung quanh. Fe quan tâm đến cảm xúc, giá trị, hay đạo đức mang tính khách quan, và dựa vào đó để đưa ra các quyết định phục vụ cả tập thể, để củng cố các mối quan hệ giữa người với người, hoặc để gìn giữ các trật tự xã hội. Type sử dụng Fe nhiều nhất: ENFJ & ESFJ.

  • Fi (cảm xúc hướng nội – Introverted Feeling) là chức năng xử lý thông tin dựa trên và phục vụ cho cái đời sống tinh thần cá nhân. Fi hướng tới việc khám phá và tự điều tiết cảm xúc, sở thích hay các giá trị đạo đức trong phạm vi chủ quan. Fi cũng có thể tạo ra những kết nối về cảm xúc mạnh mẽ với một số vấn đề nhất định. Type sử dụng Fi nhiều nhất: INFP & ISFP.


Vì định nghĩa này mới chỉ rất khái quát, nên ở đây lại mở ra thêm một vài cánh cửa nữa. Nếu bạn quan tâm và muốn tìm hiểu sâu hơn về các functions, thử ngó qua youtube channel của mình để tìm hiểu thêm nhé.

 

Cách xác định functions cho từng type


Quay trở lại hệ thống chức năng. Làm sao để biết bạn là type gì, sử dụng 4 functions gì? Đơn giản lắm, chỉ dựa vào mấy trick sau đây, có thể suy từ type ra functions.

  • Chữ cái đầu tiên (I hoặc E) cho biết xu hướng (nội – ngoại) của 4 functions. Nếu là Exxx, bộ function sẽ là E-I-E-I. Ngược lại nếu là Ixxx, bộ function sẽ là I-E-I-E. Nó được xếp xen kẽ nhau như vậy.

  • Chữ cái thứ 2 (N hoặc S) và 3 (F hoặc T) cho biết 2 functions đầu tiên là functions gì. Ví dụ: xNFx thì sẽ là N & F. Còn xSTx sẽ là S & T.

  • Chữ cái cuối cùng (P hoặc J) cho biết chức năng hướng ngoại đầu tiên là perceiving (tiếp nhận thông tin) hay judging (xử lý thông tin). Nếu là xxxP thì 1 trong 2 chức năng đầu tiên sẽ là Ne hoặc Se. Còn nếu là xxxJ thì 1 trong 2 chức năng đó sẽ là Te hoặc Fe.


Từ đây có thể dễ dàng suy ra hai functions đầu tiên (dominant & auxiliary).


Hai functions còn lại ở dưới kém phát triển hơn, là đối nghịch với hai functions trên: tertiary >< auxiliary & inferior >< dominant. Thế nào là functions đối nghịch? Nó là 2 chức năng ngược nhau về xu hướng nội-ngoại trong cùng 1 hệ. Có 4 cặp đối nghịch như sau nè:

  • Ni – Se

  • Ne – Si

  • Fi – Te

  • Fe – Ti


Dùng phương pháp như trên, mình lấy ví dụ về type của mình – INFJ, sẽ có bộ 4 function như này:

  • Dominant function: Ni (Introverted Intuition) – function hướng nội vì là type Ixxx

  • Auxiliary function: Fe (Extraverted Feeling) – judging function hướng ngoại vì là type xxxJ

  • Tertiary function: Ti (Introverted Thinking) – đối nghịch với Fe

  • Inferior function: Se (Extroverted Sensing) – chức năng cùi nhất, đối nghịch với Ni


Tương tự như trên thì bạn đã có thể dễ dàng xác định được cả 4 functions của mình. 2 functions trên tượng trưng cho điểm mạnh, 2 functions dưới tượng trưng cho điểm yếu.Bộ 8 functions trên mà mình có mô tả sơ qua, có thể sẽ có những biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào vị trí của nó trong hệ thống chức năng của bạn (phát triển hay yếu kém).


Thêm nữa là, khi đặt 4 functions vào cùng 1 hệ thống, thì hầu như chúng không hoạt động riêng lẻ, mà sẽ ảnh hưởng và phụ thuộc lẫn nhau. Ví dụ như cặp Ni-Fe (INFJ) sẽ có hoạt động hơi khác so với cặp Ni-Te (INTJ). Vài người hay gọi đó là một “combo”.


Vậy cho nên, cứ 4 functions khác nhau, được hệ thống theo một cách khác nhau, sẽ tạo thành một cái thế giới nội tâm riêng đầy màu sắc cho mỗi type.Biết được type thì mới chỉ như khi đi xem bói ấy. Thầy bói bảo thế thì bạn biết thế. Vậy nên biết được functions thì bạn mới hiểu tường tận là “tại sao nó lại như vậy”. Từ đó bạn có thể quan sát và phát triển các functions của mình để tự hoàn thiện bản thân. Hoặc bạn đi phân tích giúp cho người khác. Có vô vàn tiềm năng để bạn khám phá.


Và cuối cùng thì, thanks for reading this! Nếu như nội dung trên đủ làm bạn hứng thú, và muốn hiểu sâu hơn nữa về functions, đừng quên theo dõi trang Cosmic Writer vì mình sẽ có cập nhật những tài liệu, khóa học về chủ đề này.


Cosmic Writer


Comments


bottom of page