top of page

Mối quan hệ với mình

Những mối quan hệ độc hại thường làm chúng ta e ngại. Không ai muốn phải trở thành nạn nhân của sự thao túng tâm lý, bị người mình quan tâm khinh thường, chỉ trích, hay bỏ mặc.


Nhưng đừng quên rằng: bạn cũng có thể có một mối quan hệ độc hại với chính mình.


Tôi biết, điều này nghe thật lạ. Nhưng ở một góc độ nào đó, mối quan hệ của bạn với chính mình (self-relationship), là mối quan hệ cơ bản và quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người, và là nền tảng của mọi mối quan hệ khác.



Sự ràng buộc giữa ta-với-mình xuyên suốt một kiếp người, có thể là một vận may hay một vận rủi. Điều ấy phụ thuộc vào cách chúng ta đối xử với chính bản thân mình thế nào. Yêu thương, chăm sóc, và khích lệ bản thân ra sao.


Do đó, một mối quan hệ lành mạnh và tốt đẹp với bản thân là một ý niệm hết sức cần thiết để hướng đến, đặc biệt với những người trẻ đang loay hoay tìm kiếm chính mình thông qua những tương tác xã hội. Vì nếu như đến chính bạn còn chưa biết cách để yêu thương được mình, sẽ thật bất công khi đòi hỏi một ai đó khác giải được bài toán ấy.


Nhưng việc này thực chất chẳng hề dễ dàng:


Là con người, chúng ta luôn phải sống với những sự tự mâu thuẫn. Chúng ta đôi khi bị mắc kẹt trong những suy nghĩ tiêu cực, tự phê bình và chỉ trích bản thân, tự khiến mình cảm thấy thua kém và ít giá trị. Hoặc tệ không kém là sự thiếu quan tâm tới bản thân, bỏ mặc những nhu cầu về cảm xúc hay sức khoẻ, và thờ ơ với những trách nhiệm quan trọng trong cuộc sống.


Tiến sĩ Grant Brenner cho rằng: cách chúng ta đối xử với bản thân thường được hình thành trong quá trình trưởng thành, thông qua việc chúng ta quan sát cách những người xung quanh đối xử với mình, hoặc cách mỗi người họ tự đối xử với chính họ. Một mối quan hệ độc hại với bản thân, do đó là kết quả của những ảnh hưởng tiêu cực từ tuổi thơ, hoặc của một môi trường sống kém lành mạnh.



Vậy nhưng, cũng giống như hầu hết mối quan hệ ta có, mối quan hệ với bản thân cũng hoàn toàn có thể được cải thiện. Đây là một tin đáng mừng.


Câu trả lời tuy đôi khi không dễ áp dụng, nhưng lại khá rõ ràng. Đó có thể là dành thời gian chăm sóc cho sức khoẻ, lắng nghe và chấp nhận những cảm xúc bên trong mình, thực hành và duy trì những thói quen tích cực, trò chuyện với bản thân bằng sự bao dung và khích lệ, công nhận sự cố gắng của bản thân, và kết giao với những người cũng đối xử tốt với mình.


Nhưng tôi nghĩ, để có thể phá vỡ được những vòng lặp tiêu cực và hiện thực hoá được những sự thay đổi ấy, còn cần đến một sự phát triển về khả năng tự nhận thức (self-awareness).


Nói cách khác, chúng ta cần phải tự nhận thức được "chất lượng" trong mối quan hệ mình đang có với bản thân. Mình đã đối xử với mình đủ tốt hay chưa? Mình nên (và không nên) làm gì để có thể cải thiện được mối quan hệ ấy?


Với sự tự nhận thức, bạn có thể bước ra ngoài câu chuyện của mình trong chốc lát, tự nhìn lại khách quan hơn cách bạn đang quan tâm hay bỏ mặc, khích lệ hay vùi dập bản thân, hoặc có hay không dành thời gian cho những điều thật sự ý nghĩa. Qua đó có thể tự đưa ra những điều chỉnh cần thiết.



Đôi khi chỉ cẩn vài khoảnh khắc mỗi tuần, hãy dừng lại đôi chút và nhìn nhận lại một cách trung thực và cảm thông. Mối quan hệ giữa ta-với-mình, sẽ từng chút một được cải thiện từ những khoảnh khắc tự phản chiếu như vậy.


Nói tóm lại, mối quan hệ với chính mình, là một khái niệm quan trọng cần được chúng ta nhận thức rõ ràng, để từ đó nuôi dưỡng và cải thiện. Vì chất lượng của mối quan hệ ấy, cũng sẽ chính là chất lượng của cuộc sống.


Vậy, mối quan hệ bạn đang có với chính mình là gì?


Cosmic Writer


Comments


bottom of page