top of page

3 mục tiêu cơ bản nhất của cuộc sống

Để khái quát hóa, con người ta sẽ có 3 mục tiêu lớn nhất: (1) sức khỏe, (2) hạnh phúc, và (3) sự đủ đầy.


Một khía cạnh thuộc phạm trù vật lý và sinh lý (1), một khía cạnh về đời sống tâm lý xã hội (2), và một khía cạnh về điều kiện sống vật chất (3).


01. Sức khỏe


Để làm chủ về sức khỏe, bạn cần phải hiểu về cách thức cơ thể mình vận hành, cách các quá trình sinh học diễn ra bên trong mình, và cách các quá trình đó bị ảnh hưởng bới những thói quen sinh hoạt hàng ngày: vận động, ăn uống, giấc ngủ...


Những hiểu biết đó sẽ chỉ dẫn cho bạn biết cách để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, và để gìn giữ sự khỏe mạnh về lâu dài.


Tuy có dồi dào trong những năm tuổi trẻ, nhưng sức khỏe thực chất là một nguồn tài nguyên hữu hạn. Càng lớn, những vấn đề về sức khỏe mới càng hiện ra rõ hơn. Như mình, những năm đầu 20 từng nhiều lần thức trắng đêm để chạy đồ án mà không thấy ăn nhằm gì.


Cho tới gần 30, chỉ cần một đêm ngủ muộn hơn bình thường là ngày hôm sau tâm trí lẫn cơ thể đều rệu rã.


Gìn giữ sức khỏe không phải chỉ là để thấy khỏe hơn. Mà nhờ nó bạn mới làm được nhiều việc, vận hành cuộc sống hiệu quả hơn, tâm trí bớt đi những nỗi lo âu để tập trung vào những điều quan trọng khác.


"Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu?"

02. Hạnh phúc


Để làm chủ về hạnh phúc, chúng ta cần phải hiểu về đời sống tinh thần, biết cách để trân trọng những gì mình có dù là trong bất kì hoàn cảnh nào.


Hạnh phúc không phải chỉ là những xúc cảm vui sướng nhất thời, mà còn là những trải nghiệm sống sâu sắc và ý nghĩa, được tạo thành bởi một nền tảng tinh thần tích cực, cởi mở, sở hữu các mối quan hệ chất lượng, và một thái độ sống hướng đến sự phát triển.


Việc nuôi dưỡng niềm hạnh phúc của bản thân đôi khi bị nhìn nhận như một mưu cầu ích kỷ. Cũng vì thế nên nhiều người có xu hướng chấp nhận hy sinh bản thân vì người khác.


Nhưng hạnh phúc cũng giống như nhiều cảm xúc khác: nó có tính lan tỏa. Khi bạn có nhiều lo âu, chán nản, buồn bực... bạn cũng sẽ dễ lan tỏa những cảm xúc tiêu cực đó đến những người xung quanh.


Bên cạnh đó nếu như tinh thần không tốt, nhiều khi cuộc sống rất ổn nhưng bạn cũng vẫn sẽ suy diễn ra hàng đống vấn đề. Để rồi vô tình làm phiền đến bản thân và người khác.


Khi bạn có những hiểu biết về tâm lý, bạn sẽ biết những lời nói và hành động của mình ảnh hưởng đến niềm hạnh phúc như thế nào.


Đây là điều mà mình nhận thấy, ngày nay đang có càng nhiều người ý thức được hơn, khiến cho lĩnh vực sức khỏe tâm lý cũng đang nhận được nhiều sự quan tâm hơn trước. Và đó là một sự phát triển đáng mừng.


03. Đủ đầy


Để làm chủ về sự đủ đầy, chúng ta cần phải hiểu về cách vận hành của tiền, cách các giá trị vật chất được tạo ra và trao đổi. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải biết nỗ lực lao động, đồng thời biết khi nào là đủ để không bị kẹt trong cuộc chạy đua vật chất đó mãi.


Nhu cầu kiếm tiền, đảm bảo về vật chất... là một nhu cầu hết sức lâu đời. Kể từ những ngày đầu của nền văn minh thì con người đã biết, việc tích lũy của cải vật chất không phải chỉ là để đảm bảo cuộc sống cho hôm nay, mà còn để đảm bảo an toàn cho ngày mai khi có những biến cố xảy đến.


Khi xã hội phát triển phức tạp hơn thì việc sở hữu vật chất giúp con người ta đảm bảo chất lượng cuộc sống cao hơn, đồng thời mở ra thêm nhiều cánh cửa cơ hội.


Nhu cầu kiếm tiền thường bị nhiều người xem là thực dụng, nhưng mình thấy nó là thực tế. Không có tiền thì không có nhà để ở, cơm để ăn, áo để mặc. Khi có bệnh thì không có gì để thuốc men.


Khi người thân gặp chuyện cũng không có gì để giúp đỡ...


Ngược lại, cũng nhiều người vì quá mê tiền mà ngày đêm rượt đuổi nó, bán rẻ sức khỏe, hạnh phúc, và đôi khi là cả đạo đức của mình để chạy theo nó. Sau cùng, nếu như may mắn, họ sẽ có tiền nhưng rồi lại mất hết tất cả.


Mình nhận thấy, để đảm bảo được sự đủ đầy, chúng ta vừa phải biết cố gắng, vừa phải biết trân trọng những gì đang có. Làm được như vậy, bạn chắc chắn sẽ tự do.


Final thoughts


Tạm phân chia như vậy để chúng ta dễ có một cái nhìn tổng quan, nhưng thực chất cả 3 khía cạnh trên đều có sự liên quan mật thiết. Chỉ cần thiếu đi 1 khía cạnh, là các khía cạnh còn lại suy yếu. Và ngược lại, đảm bảo được 1 khía cạnh, cũng tạo điều kiện cho các khía cạnh khác dễ được cải thiện hơn.


Có thể bạn sẽ nghĩ: "những điều này ai cũng biết". Và có lẽ đúng vậy. Những chiêm nghiệm này thật chẳng phải tri kiến gì mới mẻ, mà nó là những vấn đề trọng tâm của con người trong suốt hàng ngàn thế hệ đã qua. Vì đây vừa là những gì cơ bản nhất, cũng vừa là những gì phức tạp nhất.


Những kiến thức này tuy dễ hiểu, nhưng để áp dụng trong thực tế thì đó là một hành trình học tập cả đời.


Hà Minh aka Cosmic Writer

Comments


bottom of page