Vì sao trong tiếng Anh, khi trái tim rung động vì ai đó, lại được gọi là "fall in love" (ngã vào tình yêu)?
Việc chúng ta "ngã" vào lưới tình ám chỉ một trạng thái bị động, khi ý chí cá nhân bị lật đổ bởi một thứ sức mạnh vượt quá khả năng kiểm soát của nó.
Sự mê hoặc của ái tình luôn được ví với một thứ quyền năng thần thánh, luôn bất ngờ ập tới mà chẳng hề báo trước, rồi ào ạt cuốn trọn lấy những trái tim yếu đuối, và nhấn chìm chúng trong một cơn ảo mộng. Đã bao nhiêu người vì tình yêu không được hồi đáp mà tự tìm lấy những cái kết tồi tệ nhất cho bản thân mình?
Phải, đó có thể chỉ là những phản ứng sinh học của các hormone, khiến cho tâm trí con người bị kiểm soát bởi dục tính, như một kẻ say tình không biết đâu là thật, đâu là hư. Thế nhưng cách lý giải ấy mới nhàm chán và kém thỏa mãn làm sao, vì không có gì dập tắt ngọn lửa lãng mạn của tình yêu nhanh như một gáo nước lạnh của lí trí.
Trong triết luận nổi tiếng "thế giới như thể ý chí và biểu tượng" ("the world as will and representation" - 1819), triết gia Arthur Schopenhauer, dù chẳng hề có ý định vùi dập hay nịnh bợ những trái tim đang yêu, cũng đã đi xa hơn thế và lý giải hiện tượng kỳ lạ này bằng một thứ diễn ngôn siêu hình đầy lôi cuốn.
Thôi thúc bản năng để được hợp nhất về thể xác với một ai đó, liệu có phải chỉ là để thỏa mãn những khoái cảm dục tính tầm thường, hay đó là tiếng nói của mẹ thiên nhiên đang kêu gọi những đứa con khỏe mạnh hãy đến với nhau và làm tròn sứ mệnh làm người của mình, để truyền lại nòi giống cho thế hệ sau với một đối tượng mà bà cho là phù hợp?
Suy cho cùng, thôi thúc ấy chính là nguồn động lực trường tồn đã giúp sự sống tự duy trì chính nó qua hàng triệu năm, đã giúp con người vượt qua sức cản của thời gian để tồn tại cho tới giờ phút này, đã giúp chúng ta được sinh ra từ hư không, và sẽ giúp sự sống tiếp diễn mãi về sau. Schopenhauer gọi đó là "ý chí nhân loại".
Và, cái rung cảm mạnh mẽ khi chúng ta "ngã vào lưới tình", hóa ra lại là nỗi niềm khao khát của những thế hệ tương lai muốn được khách thể hóa, tức muốn được sinh ra đời để trải nghiệm ánh sáng của thực tại.
Điều này dẫn đến việc chúng ta vô tình bị ném vào giữa một cuộc tranh đấu không cân sức, nơi "ý chí cá nhân" phải đối đầu với "ý chí nhân loại" để giành quyền kiểm soát. Trong một số ít trường hợp, "ý chí cá nhân" làm được việc này.
Nhưng với phần đông, khi "ý chí cá nhân" thất bại và bị nghiền nát bởi "ý chí nhân loại", chúng ta cũng dường như đánh mất con người mình vào lưới tình, hành động mù quáng theo tiếng gọi của tự nhiên mà chẳng còn sự thông suốt tỉnh táo như trước.
Có lẽ vì thế mà xuyên suốt lịch sử văn hóa của loài người, tình yêu mới trở thành âm giai trong những bản nhạc, vần điệu trong những bài thơ, và sắc màu trong những bức họa. Vì ở đằng sau những con tim đập loạn nhịp, là một thứ ma lực quyền năng vượt lên trên sự hữu hạn nhỏ bé của con người.
Cái nhìn về tình yêu của Schopenhauer chắc sẽ làm không ít người nhíu mày ngao ngán. Thế nhưng tình yêu của con người, những xúc cảm thăng hoa đầy mãnh liệt, đã bao giờ là hết thi vị?
Ngã vào tình yêu, là khi ta bị tình yêu nuốt trọn.
Cosmic Writer
Comments