"Sao mà phải nhạy cảm thế?"
"Mới có thế mà đã khóc?"
...
Những đứa trẻ nhạy cảm, nhưng phải lớn lên trong những môi trường không xem trọng cảm xúc, là những người rất thiệt thòi. Vì không ai được lựa chọn nơi mình sinh ra, cũng không được lựa chọn mình sinh ra là người thế nào.
Khi những người thân nhất xung quanh xem cảm xúc của mình như một thuộc tính yếu đuối và thừa thãi, một đứa trẻ có thể sẽ rất dễ rơi vào cảnh cô độc, lạc lõng, và tổn thương. Thay vì học cách để làm bạn với cảm xúc, chúng sẽ thích nghi bằng cách chối bỏ, kìm nén, tự đổ lỗi cho mình vì sự "dị thường" của bản thân. Nhưng khi những tổn thương đã bị bỏ mặc quá lâu, nó lại càng dồn ứ trong lồng ngực mà sẵn sàng bục phát ra vào những thời khắc khó khăn nhất.
Ngày nay, hiện tượng ấy xảy ra quá nhiều để chỉ là những trường hợp cá biệt, mà đó là xu hướng của cả một thế hệ, là hệ quả của một chuỗi vấn đề mang tính hệ thống.
Mũi dùi của sự chỉ trích dường như hướng ngược trở về những người của thế hệ trước, với khái niệm "cha mẹ độc hại" ngập tràn trên các trang báo mạng. Tuy vậy, đối với tôi, họ là những người đáng thương hơn đáng trách.
Những đấng sinh thành mà ta đang gắn nhãn "độc hại", thực chất cũng chỉ là những người lần đầu làm cha mẹ - những "đứa nhóc" thiếu kinh nghiệm vẫn đang chập chững học cách làm người lớn. Có thể hiện thực cuộc sống làm họ quên mất đi sự mỏng manh của một tâm hồn non trẻ.
Và khi phải trưởng thành trong một xã hội thiếu chú trọng việc giáo dục cảm xúc (emotional education), họ vô thức trở thành người tiếp nối những thói quen nuôi dạy lạc hậu và sai lầm mà họ có lẽ đã thừa hưởng từ xa xưa. Những tổn thương tâm lý được chuyển tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo thành intergenerational trauma, hay thậm chí bị xem như là "lẽ đương nhiên", là truyền thống "bao đời nay vẫn vậy".
Suy cho cùng, họ cũng chỉ là sản phẩm của thời đại, "mere products of their time".
Ngày nay, vấn đề sức khỏe tinh thần của con trẻ dần nhận được thêm nhiều sự chú ý. Hiểu biết của cộng đồng về tâm lý học được gia tăng, thu hút nhiều mối quan tâm của những bậc cha mẹ trẻ hay các bạn gen-z.
Đối với tôi, đó là những tín hiệu đáng mừng, một sự thay đổi về nhận thức của cộng đồng, hứa hẹn sẽ mang lại sự chuyển biến tích cực để tạo ra môi trường xã hội lành mạnh hơn cho những thế hệ đến sau. Chúng ta không phải những con người vô cảm, mà chỉ đơn giản là thiếu kiến thức, không biết cách làm việc với cảm xúc. Tôi mong đợi một ngày những khẩu hiệu self-help sai lệch và cổ hủ như "cảm xúc là kẻ thù của thành công" dần bị xóa bỏ.
Tuy vậy, tâm lý học cũng vẫn còn là một lĩnh vực non trẻ. Vẫn còn quá sớm để lạc quan, và việc ấy cũng không làm giảm nhẹ nỗi đau của những đứa trẻ đã và đang bị giày vò bởi những tổn thương cảm xúc.
Nhưng có lẽ, một điều quan trọng mà đôi khi chúng ta cần phải tự gợi nhớ, rằng: cảm xúc không có gì đáng trách. Mặt khác, cảm xúc là thứ "ngôn ngữ" của tâm hồn, là cánh cổng khơi thông mối liên kết giữa người với người, là nét đẹp màu nhiệm của sự sống.
Nhiều khi, chúng ta không cần ai đó khác phải chịu trách nhiệm "giải quyết" ở chúng ta những nhu cầu về cảm xúc, mà chỉ cần những nỗi lòng đang chất chứa ấy bên trong ta được thoải mái giãi bày, được lắng nghe, được chấp nhận, và được thấu hiểu.
Hay như cô bé Joy, phải lớn lên với tổn thương đã thổ lộ: "I was just looking for someone to see what I see, to feel what I feel..." (Everything, Everywhere, All At Once).
Câu trả lời có khi chỉ đơn giản đến vậy. Thứ chúng ta tìm kiếm, chỉ là một ai đó có thể đồng cảm được với những nỗi niềm mình, để gợi nhắc rằng: chúng ta thật sự không hề lạc lõng và cô đơn.
Và có lẽ đã đến lúc, chúng ta hãy thôi xem cảm xúc như kẻ thù, để có thể cùng nhau học cách làm bạn với chúng.
Cosmic Writer
Comments