top of page

Những góc nhìn thực tại

“Chúng ta thường cho rằng thế giới giống như mình thấy và người khác cũng thấy vậy, và giác quan của chúng ta phản ánh một thực tại khách quan được mọi người cùng chia sẻ.


Chúng ta cho rằng các giác quan miêu tả thế giới mà chúng ta sống chính xác như một cái gương phản chiếu khuôn mặt nhìn vào nó, hay giống như một máy chụp hình tạo ra hình ảnh của một khoảnh khắc cụ thể được ngưng đọng trong thời gian.


Tất nhiên, nếu những thông tin do giác quan cung cấp nhìn chung là không chính xác, chúng ta sẽ không thể dựa vào chúng như hiện giờ.


Tuy vậy, các nhà tâm lý học đã nhận thấy những nhận định này về tri giác là gây lầm lẫn. Quá trình đón nhận thông tin về mọi thứ xung quanh không phải là một quá trình thụ động và đơn giản, mà là một quá trình chủ động và phức tạp, trong đó giác quan và tâm trí hoạt động cùng nhau, giúp chúng ta tạo dựng một tri giác (hoặc ảo giác) về thực tại.


Chúng ta không chỉ thấy những hình thái sáng tối và màu sắc, mà còn tổ chức những hình thái này sao cho thấy được những đối tượng có ý nghĩa với chúng ta.


Chúng ta có thể gọi tên hoặc nhận ra chúng, nhận dạng chúng như những đối tượng hoàn toàn mới hoặc tương tự như các đối tượng khác.”


Trích đoạn trong “Dẫn luận về tâm lý học” của Gillian Butler và Freda McManus.


Để lấy ví dụ: việc tri nhận một bức tranh không phải chỉ là thụ động tiếp nhận những kích thích thị giác như đường nét, màu sắc, bố cục… mà bức tranh đó trình hiện, mà là một quá trình chủ động diễn giải những thông tin thực tế đó, trên góc độ trích xuất ra từ đó những ý nghĩa có liên hệ tới mình - người quan sát.


Vì quá trình chủ động diễn giải đó, “thực tại” với mỗi người một khác, do nó được nhìn qua những lăng kính khác nhau, những thế giới quan khác nhau.


Một bức tranh có thể hoàn toàn vô thưởng vô phạt với người này, nhưng với người khác lại có thể gợi lại những ký ức tuổi thơ, hay một ấn tượng yêu/ghét nào đó mang đậm tính cá nhân.


Tương tự như vậy, một bàn thắng được ghi có thể là điều tuyệt vời với cổ động viên đội này, là thảm hoạ với cổ động viên đội kia, và chẳng có ý nghĩa gì với những người chẳng quan tâm.


Nhận thức được cơ chế diễn giải thực tại này của tâm trí, một điều quan trọng mình rút ra là: có những thứ ta thường cho là sự thật phổ quát, khách quan, và vô thức áp đặt nó lên cho người khác (vì ta cho rằng nếu đã là khách quan, nó phải tuyệt đối đúng với tất cả mọi người).


Thế nhưng hầu như những nhận thức ấy chỉ là chủ quan, đến từ góc nhìn của mình, trải nghiệm của mình, và cách mình diễn giải những thông tin đã tiếp nhận.


“Sự thật” có khi hiện lên rất khác nếu như được diễn giải qua một lăng kính khác. Và nếu như không có sự tự soi xét lại lăng kính của mình, khoảng cách giữa mình và “sự thật” sẽ ngày càng xa.


Cosmic Writer


Comments


bottom of page