Cảm xúc nuôi dạy con người, còn tư duy dựng xây thế giới. Nhưng khi tư duy quá tải, suy nghĩ quá nhiều, tâm trí bạn bị mắc kẹt trong một mớ rối rắm của “overthinking”, một màn độc thoại nội tâm không ngừng. Bạn liên tục lo nghĩ về mọi khả năng sẽ xảy ra, phân tích tất cả những gì bạn thấy, đêm ngày suy tính về những việc cần làm… Tiếng nói nội tâm ấy đôi khi như một vòng lặp không đầu cuối, không lối thoát, có thể khiến bạn tự đẩy mình ngã vào bất an, hoặc tự giày vò mình trong những thương tổn… Vùng vẫy trong một thế giới quá đỗi rộng lớn và phức tạp, những áp lực cuộc sống dường như cũng trở nên phức tạp hơn. Việc ấy khiến những người trẻ xung quanh tôi rơi vào tình trạng lo nghĩ quá nhiều, đôi khi về cả những điều nhỏ nhặt nhất. Eckhart Tolle gọi đây là căn bệnh “nghiện suy nghĩ” của người hiện đại. Nhưng bạn đừng bận lòng. Có khi đó là dấu hiệu của một tâm hồn sâu sắc, có sự tinh tế và nhạy cảm trong suy tư. Chỉ là, năng lực ấy chưa được bạn chế ngự. ... Vậy, làm sao để có thể vượt qua được “overthinking”? Lo nghĩ về sự lo nghĩ, đôi khi chỉ khiến vấn đề tệ hơn. Suy nghĩ dù sao cũng chỉ là một hoạt động diễn ra trong bạn. Nó là một phần của bạn, nhưng không phải hoàn toàn là bạn. Nhìn từ góc độ tiến hoá, suy nghĩ là một chức năng tâm lý, được phát triển để giúp con người giải những bài toán sinh tồn trong môi trường tự nhiên và xã hội. Vai trò của suy nghĩ, chỉ đơn thuần là một công cụ giải quyết vấn đề. Và cũng như bất kì thứ công cụ nào khác, suy nghĩ cũng cần được sử dụng một cách có chủ đích, khôn ngoan, cần được nghỉ ngơi và phục hồi khi vận hành quá tải. Nói cách khác, suy nghĩ cần được bạn kiểm soát. Vì nếu không, nó đã kiểm soát bạn mất rồi. Khi suy nghĩ nắm quyền thống trị, bạn tự thấy mình mắc kẹt giữa những cuộc tranh đấu nội tâm, hoặc muốn tắt nó đi nhưng bất lực không thể nào ngưng được. Đôi khi dẫn đến hao mòn về tinh thần và sức khoẻ, khiến bạn thèm khát có được cho mình chút bình yên. Khi ấy, suy nghĩ không phục vụ cuộc sống, mà cản trở cuộc sống. Nó không giải quyết được vấn đề, mà còn tạo ra vấn đề. Thế mới thấy: khả năng tự kiểm soát được suy nghĩ của mình, có thể được xem như một dạng siêu năng lực. Thử tưởng tượng tâm trí của bạn có thể vận hành theo đúng những gì bạn muốn: tập trung khi cần tập trung, thư giãn khi cần thư giãn… thì khi ấy cuộc sống sẽ hiệu quả và giản đơn đến thế nào. Nhưng trên thực tế, việc này là vô cùng khó khăn. Bất kì ai đã từng thực hành thiền cũng sẽ biết: khi bạn chú tâm quan sát và tri nhận cái khoảng lặng bên dưới những suy nghĩ, bạn sẽ thấy khoảng lặng bao trùm ấy thật chẳng dễ nắm bắt. Chỉ một khoảnh khắc là tiếng nói nội tâm lại cất lời và cuốn bạn đi mà chẳng hề nhận ra. Nhiều người thử tới đây là từ bỏ. Nhưng tôi cho rằng: việc này vẫn là hết sức cần thiết, vì nó rèn luyện cho bạn khả năng vượt thoát ra khỏi những dòng suy nghĩ miên man, và tiến bước sâu hơn vào cuộc sống thật ở ngay hiện tại. ... Khi bạn tự đánh thức mình khỏi cơn mê của những âu lo suy tính mà trở về thực tại, bạn sẽ tìm thấy được sự tĩnh lặng và an yên, nơi những xáo trộn tâm tư được nhẹ nhàng gỡ bỏ. Vì vấn đề của suy nghĩ, không thể được giải quyết bằng việc suy nghĩ nhiều hơn. Vấn đề chỉ có thể được vượt qua khi bạn cho phép mình thả nó đi, đứng bên ngoài nhìn dòng suy tư tuôn chảy mà chẳng hề níu giữ. Khi ấy, bạn nắm quyền kiểm soát. Và đồng thời, bạn cũng sẽ tự nhìn thấy chính mình, thấy được con người thật sự đầy tuyệt diệu đằng sau (và bên trên) những suy tư. Này bạn, tâm hồn chật kín lo nghĩ, một khoảnh khắc nào đó, hãy cho phép mình dừng lại, lắng nghe thật sâu nhịp thở của mình, và bạn sẽ thấy cuộc sống êm nhẹ hơn ngay thôi. Và khi đó, sự sâu sắc, nhạy cảm, tinh tế của bạn sẽ trở thành sức mạnh. Cosmic Writer
top of page
bottom of page
Comments