Những vụ bóc phốt người nổi tiếng, từ xưa tới nay, luôn thu hút sự chú ý của truyền thông.
Chúng phơi bày ra trước sự phán xét của công chúng, những vết nhơ đời tư hoàn toàn trái ngược với hình tượng hào nhoáng mà những ngôi sao từng thể hiện ra trước đó. Với những người hâm mộ đã vội đặt lòng tin, những sự kiện này không khác nào một gáo nước lạnh.
Sự thật là, những nhân vật cho dù là nổi tiếng, giàu có, và thành công, ai cũng đều là con người, với những vấn đề của riêng họ. Không ai là thật sự hoàn hảo. Trước ánh đèn flash lấp lánh của sự nổi tiếng, họ phải học cách giấu đi sự thiếu sót vào những góc khuất.
Chính sức ép của truyền thông khiến họ phải khoác lên mình một vỏ bọc, nhưng cũng chính truyền thông vạch trần vỏ bọc ấy một cách phũ phàng.
Thế nhưng, đây không phải là vấn đề dành riêng cho những người nổi tiếng. Nếu như thành thật với bản thân, không ai còn lạ gì với những nụ cười gượng gạo chỉ để che đi sự mệt mỏi phía sau. Chúng ta có thể thuyết phục người khác tin rằng mình ổn, nhưng lại không thể tự lừa dối được chính mình. Ai cũng đều có những bí mật đang được che đậy một cách đầy khéo léo.
Dù nhận ra hay không, mỗi chúng ta đều có một vỏ bọc, một chiếc mặt nạ xã hội, hay còn được nhà tâm lý Carl Jung gọi là: PERSONA.
The persona: chiếc mặt nạ xã hội là gì?
Trong tiếng latin, persona mang ý nghĩa là nhân dạng. Nguồn gốc thật sự của nó được truy về từ thời Hy Lạp cổ đại, với khái niệm “prosopon”, có ý nói đến chiếc mặt nạ trình diễn thường được đeo trong kịch nghệ hay trong những nghi thức tôn giáo.
Hình tượng chiếc mặt nạ này mang hàm ý nói đến việc con người thể hiện ra một căn tính với một nhóm đối tượng khán giả. Chiếc mặt nạ tượng trưng cho một nhân vật nhất định, và tất cả những gì gắn liền với nhân vật đó, hay xoay quanh nhân vật đó.
Trong “Psychological Types”, Carl Jung nhận thấy khái niệm này biểu tượng cho một xu hướng cơ bản của tâm lý con người. Đối với Jung, chẳng cần lên sân khấu, ai cũng đều đang đeo mặt nạ, đều đang phải vào những vai diễn khác nhau trong những tương tác với xã hội.
Jung rút ra điều này khi ông quan sát thấy rằng: một người sẽ thể hiện ra những nhân cách tương đối khác nhau, thậm chí có thể là trái ngược nhau ở từng thời điểm. Một người đến cơ quan và thể hiện ra rằng mình là người nhiệt huyết, mạnh mẽ, và quyết đoán. Thế nhưng khi về nhà, lại có thể biến hình trở thành một người hiền lành, dễ chịu và đáng yêu.
Hoặc khi ở với gia đình, chúng ta là những đứa con ngoan trò giỏi, ăn nói lễ phép. Nhưng khi đi với đám bạn thân, lại thể hiện ra sự hài hước lầy lội hoàn toàn khác biệt.
Nói cách khác, mỗi người đều có cho mình một bộ sưu tập nhiều chiếc mặt nạ. Tuỳ thuộc vào việc chúng ta đang ở đâu, đang giao tiếp với ai, và đang ở trong hoàn cảnh nào, mà chúng ta sẽ lựa chọn cẩn thận để thể hiện ra những thái độ thân thiện hoặc lồi lõm khác nhau, để đáp ứng với những yêu cầu và đòi hỏi của môi trường xung quanh.
Nhưng tất nhiên, phần lớn thời gian chúng ta thực hiện việc này một cách hoàn toàn vô thức.
Đằng sau chiếc mặt nạ
Thế nhưng, chúng ta sẽ không chỉ phản ứng lại một cách thụ động với xã hội, mà bản thân chúng ta cũng chủ động tạo ra một chiếc mặt nạ cho mình, đáp ứng được những mong muốn của bản thân.
The persona còn tượng trưng cho một hình ảnh lý tưởng của bản thân mà chúng ta tự kiến tạo từ bên trong, một con người chúng ta muốn trở thành, muốn được thể hiện ra vì một mục đích xã hội nào đó.
Ví dụ như một giáo viên đi vào lớp và thể hiện ra sự đứng đắn nghiêm túc, để nhận được sự tôn trọng của đám học sinh.
Một người bán hàng thể hiện ra sự thân thiện và tận tâm, để khách hàng tin rằng mình là người làm ăn có uy tín.
Chiếc mặt nạ, có thể nói là một phép ẩn dụ tinh tế. Nó mang ý nghĩa biểu tượng cho những gì được chúng ta thể hiện ra trong một màn trình diễn mang tính thời điểm, chứ không tượng trưng cho những gì cốt lõi hay bất biến bên trong con người chúng ta.
Đằng sau lớp vỏ bên ngoài là cả một thế giới nội tâm nhiều tầng lớp, từ ý thức xuống tới vô thức, xuống tới cả những độ sâu mà chúng ta còn chưa hiểu rõ.
Sự thật này ẩn chứa một mối nguy hiểm tiềm tàng.
Đó là khi, chúng ta lầm tưởng rằng ta là chiếc mặt nạ, và chiếc mặt nạ là ta. Chúng ta hoá thân vào vai diễn của mình quá nhập tâm, đến độ lầm tưởng rằng vai diễn đó là toàn bộ con người thật của mình.
Mặt trái của việc đồng hóa con người mình với chiếc mặt nạ, là việc chúng ta mất đi sự kết nối với những chiều sâu bên trong. Chúng ta trở thành nô lệ cho những kỳ vọng của xã hội, đáp ứng những gì người khác muốn thấy một cách không thành thật, mà không có cho mình lập trường riêng.
Những đặc điểm tính cách không tương thích với chiếc mặt nạ, cũng sẽ bị chúng ta dồn nén vào sâu trong vô thức, vào phần mà Jung gọi là the shadow, hay bóng tối.
Chiếc mặt nạ persona lành mạnh
Thế nhưng ở chiều ngược lại, nếu như persona không được nuôi dưỡng và phát triển, một người sẽ không thể hòa nhập hay thích nghi, không tìm được cho mình một vai trò trong xã hội, mất đi sự kết nối với những người xung quanh, và rơi vào sự cô đơn lạc lõng.
Vậy có nghĩa, chiếc mặt nạ không phải là biểu tượng của sự giả dối mà chúng ta cần phải gỡ bỏ, mà thay vào đó, chúng ta cần phải ý thức được nó, và xây dựng cho bản thân một chiếc mặt nạ lành mạnh.
Đó là khi the persona đáp ứng được cái chức năng tâm lý của nó, là mối liên kết giữa con người với con người, là phần giao nhau giữa nội tâm với xã hội, hay là chiếc cầu nối giữa thế giới chủ quan và thế giới khách quan.
Nhờ chiếc persona lành mạnh này mà chúng ta mới có thể hòa nhập với môi trường xã hội xung quanh, mà vẫn không đánh mất những bản sắc cá nhân của riêng mình.
Chúng ta không bị đồng hóa với nó, nhưng cũng không hờ hững với nó.
Ai rồi cũng đều phải đeo mặt nạ
Dù muốn hay không muốn, chúng ta vẫn cần chiếc mặt nạ. Để mượn lời nhà xã hội học Erving Goffman: thế giới này là một sàn diễn. Và tất cả chúng ta đều là diễn viên.
Ai rồi cũng đều phải diễn. Và, có những vai diễn thử thách hơn vai diễn khác.
Để tìm hiểu thêm về persona, tìm hiểu thêm từ video youtube của tôi dưới đây:
Cosmic Writer
Comments