top of page

Làm sao để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình?

Câu hỏi như mình vừa nêu ra, chắc hẳn mọi người cũng đã không ít lần tự đặt ra cho bản thân.


Trong những nội dung trước đây, mình cũng thường hay nhắc đến nó, và cũng lấy đó làm định hướng cho hành trình phát triển của riêng mình trong suốt nhiều năm qua.


Nhưng một phiên bản tốt hơn là như thế nào?


Và mình sẽ cần phải làm những gì để trở thành một con người như vậy?


Câu hỏi này lại không dễ để trả lời. 


Mỗi người đều sẽ có một ý niệm riêng về con người mình thật sự muốn trở thành, một hình mẫu lý tưởng bắt nguồn từ sâu bên trong chính họ.


Đây là một câu hỏi mà mỗi người sẽ có một đáp án riêng, không thể nào... chép bài của nhau được.


Nhưng từ trải nghiệm của bản thân, mình nhận thấy đằng sau những sự khác biệt đó vẫn có một số những nguyên lý chung.


Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ lại những nguyên lý ấy, qua góc nhìn và trải nghiệm cá nhân của mình. 




1. Xác định con người “trong mơ” (vision)


Đầu tiên, bạn cần phải xác định cho mình một ý niệm về con người mình muốn trở thành, để lấy đó làm định hướng tổ chức lại cuộc sống.


Nói cách khác, nếu như bạn đang muốn trở nên “tốt hơn”, bạn cần phải tự định nghĩa được cho mình cái “tốt hơn" đó là gì. Cái gì “tốt hơn” cho người khác, chưa chắc đã “tốt hơn” cho bạn.


Gợi ý của mình là hãy thử hình dung rằng trong khoảng 5 năm, 10 năm, 20 năm hay thậm chí là xa hơn nữa:


  • Bạn sẽ muốn mình trưởng thành như thế nào? 

  • Sẽ được cảm thấy tự hào về những điều gì? 

  • Cái hình mẫu lý tưởng nào mà bạn muốn hướng đến? 

  • Hoặc thậm chí xa hơn nữa, là bạn không muốn mình trở thành như thế nào?


Hãy thử viết nó ra giấy. Tạo ra một bức chân dung của chính mình trong tương lai.


Bức chân dung ấy có thể chưa cần phải quá cụ thể và chi tiết ngay lập tức.


Vì bạn có thể sẽ cần phải có đủ thời gian để suy nghĩ, chiêm nghiệm, rồi mới có thể dần hoàn thiện được nó hơn.


Đến khi đủ rõ ràng, nó sẽ giúp cho mình biết nên đi về đâu trong muôn vàn phương hướng giữa "mê cung" cuộc đời.



Xác định phiên bản tốt hơn mình muốn trở thành
Xác định phiên bản tốt hơn mình muốn trở thành

Đối với mình, việc định hướng thường bắt đầu từ bên trong chính mình, thông qua việc thấu hiểu mình là ai, mình muốn sống một cuộc đời thế nào, và những giá trị sống nào mình trân trọng. 


Như trong cuốn “7 habits of highly effective people” mình từng đọc nhiều năm trước, tác giả Steven Covey có nói đến một thí nghiệm tư duy thế này:


Hãy thử hình dung đến ngày mà cuộc sống của bạn kết thúc, khi ấy, những người thân, bạn bè và đồng nghiệp của bạn, sẽ nhớ đến bạn là một người như thế nào?


Câu hỏi này từng khiến mình suy nghĩ rất nhiều, không phải chỉ về hiện tại hay là vài năm nữa, mà về con người mình xuyên suốt cả cuộc đời.


Hoặc, nó cũng có thể được tạo thành qua việc quan sát và học hỏi từ những người đi trước mà bạn ngưỡng mộ.


Nhưng theo mình, chúng ta không nên muốn có những thứ người khác có, vì mỗi người sẽ có một xuất phát điểm và một cuộc đời khác nhau. 


Thay vào đó, hãy thử nhìn vào con người của họ, lấy họ như là những tấm gương để tự soi chiếu lại mình, xem mình ngưỡng mộ ở họ những phẩm chất gì.


Chẳng hạn như mình đã từng rất suy nghĩ về những người thân trong gia đình.


Tất nhiên không phải với ai mình cũng có một mối quan hệ tốt, nhưng ai cũng đều có những điểm mạnh, những đức tính, những kỹ năng nào đó mà mình cảm thấy nên học hỏi.


Hoặc như những người thầy mình gặp trên mạng, hay trong các cuốn sách.


Mình khâm phục sự thông minh và sắc bén của Jordan Peterson.

Khâm phục sự chân thành và trắc ẩn của thầy Thích Nhất Hạnh.

Khâm phục sự tự do và sâu sắc của Alan Watts.

Khâm phục sự ngay thẳng và chính trực của Marcus Aurelius. 


Đó là những phẩm chất mà mình ngưỡng mộ và muốn khai phóng ở bản thân.


Một con người có sự tổng hòa của những phẩm chất như vậy cũng sẽ là một hình mẫu con người mà mình muốn hướng đến.



2. Định vị bản thân (analysis)


Sau bước đầu tiên có phần nào đó hơi “mơ mộng”, thì bước thứ hai này sẽ cần bạn phải thực tế hơn. 


Đó là hãy tự nhìn nhận lại chính mình.


Xem hiện giờ mình đang ở đâu, và để trở thành một phiên bản “trong mơ” tốt đẹp hơn như thế, thì mình cần phải có thêm, cần phải học hỏi, cần phải phát triển những gì?


Chẳng hạn như nếu bạn muốn trở thành một chuyên gia về tâm lý, có thể bạn sẽ cần phải đi học thêm, hiểu về cách tâm trí con người vận hành, có kiến thức chuyên môn, kỹ năng lắng nghe và giao tiếp tốt để tham vấn được cho người khác...


Hoặc, bạn muốn trở thành một nhà sáng tạo nội dung có tầm ảnh hưởng, thì bạn cần phải phát triển những kỹ năng sáng tạo, có kiến thức về mạng xã hội, có sự tự tin để đăng tải nội dung của mình, và trí thông minh cảm xúc tốt để kết nối được sâu hơn với nhiều người.


Nói cách khác, thì đây như thể là việc phân tích hiện trạng (self-analysis).


Bạn hãy thử tự nhìn nhận mình một cách trung thực, và khách quan. Thử phân tích xem là hiện giờ, bản thân mình đang như thế nào, đang có những điểm gì cần phải cải thiện, so với cái hình ảnh lý tưởng mình đã đặt ra. 


Định vị bản thân để trở thành phiên bản tốt hơn
Định vị bản thân để trở thành phiên bản tốt hơn

Như ngày trước, mình từng sử dụng công cụ phân tích SWOT để làm việc này. 


SWOT nghĩa là Strength: điểm mạnh, Weakness: điểm yếu. Đó là hai khía cạnh bên trong con người mình.


Và hai khía cạnh bên ngoài là Opportunities: cơ hội, những yếu tố nào tạo ra lợi thế cho bạn, và Threats: rủi ro, hay những điều gì đang cản trở bạn.


Mình nghĩ mọi người có thể sử dụng công cụ này, hoặc một phương pháp nào đó tương tự, để có thể định vị được bản thân mình.


Khi bạn biết là mình muốn đến điểm B, bạn cũng sẽ cần phải biết cái vị trí A của mình hiện giờ đang ở đâu, từ đó mới có thể tìm được đường đi nước bước hợp lý, làm sao để kết nối được 2 điểm này với nhau.  


3. Thiết lập một “trật tự sống” (strategy)


Khi đã có được định vị và định hướng, chúng ta cần phải thiết lập được một trật tự sống hiệu quả để hướng bản thân tới tầm nhìn của mình.


Trật tự sống là như thế nào? Đây là cái khái niệm mà mình tự đặt ra.


Một "trật tự sống" có thể được hiểu như cách bạn sinh hoạt, cách bạn làm việc, cách bạn tổ chức và quản lý cuộc sống của mình, nó được tạo thành từ những thói quen, những hoạt động mang tính lặp đi lặp lại, hoặc những nguyên tắc sống giúp bạn dễ dàng đưa ra quyết định. 


Nói cách khác, “trật tự sống” giống như là lifestyle của bạn. Là cái cách mà bạn vận hành cuộc sống của mình.


Và để trở nên hiệu quả, nó cần phải có tính hệ thống và tính chiến lược. 


Trong góc nhìn của James Clear, hệ thống (system) thậm chí còn có tầm quan trọng hơn so với mục tiêu (goal). 


You do not rise to the level of your goals. You fall to the level of your systems.

Cái cách mà bạn tổ chức và vận hành cuộc sống của mình như thế nào, sẽ quyết định những kết quả mà bạn sẽ nhận được, và quyết định con người mà bạn sẽ trở thành.


Sức khỏe của bạn phụ thuộc vào việc bạn chú tâm đến đâu tới việc vận động thể chất, giờ giấc sinh hoạt, và đảm bảo dinh dưỡng.


Hiểu biết của bạn phụ thuộc vào việc bạn dành ra bao nhiêu thời gian để học hỏi, để đọc sách, để tra cứu thông tin.


Việc nhìn nhận cuộc sống của mình như một hệ thống như vậy, bạn sẽ có một cái nhìn tổng quan hơn. Bạn hiểu cách mọi thứ liên hệ với nhau như thế nào, có mối quan hệ nhân-quả ra sao.  


Bạn cũng sẽ thấy rằng con người mình hiện tại, chính là kết quả của lối sống mà bạn đã lựa chọn, dù là có chủ đích hay không. 


Nếu như bạn đang không hài lòng với con người mình bây giờ, thì hãy thử nhìn nhận lại xem vấn đề gì trong cách bạn tổ chức cuộc sống của mình đã khiến bạn như vậy.


Vậy nên, để có thể thiết kế được cho mình một trật tự cuộc sống hiệu quả, mỗi người cần có sự phản tư, để tự nhận ra những thói quen tiêu cực nào đang kìm hãm mình, đang gây ảnh hưởng xấu lên con người mình. 


Và sau đó là gì?


Đó là tự kiến tạo nên những thói quen mới, lành mạnh và tích cực hơn. 


Nói cách khác, để trở thành con người trong mơ của bạn, cái phiên bản lý tưởng nhất mà bạn muốn hướng đến, bạn sẽ cần phải tái cấu trúc lại cái cách bạn vận hành cuộc sống của mình. Bạn đưa ra những sự nâng cấp, những sự cải tiến. 


Cách bạn thiết lập cuộc sống quyết định con người bạn
Cách bạn thiết lập cuộc sống quyết định con người bạn

Chẳng hạn như bạn muốn cải thiện tình trạng tài chính, thay vì dành thời gian lướt các sàn thương mại điện tử, hãy dành thời gian cho một cái side project nào đó của mình.


Nếu muốn cảm thấy tự tin hơn, hãy bớt thời gian chơi game, lướt social media, thay vào đó đi tập gym, hoặc học thêm một kỹ năng nào đó mới.


Đơn giản nhất, bạn hãy bắt đầu từ câu hỏi: "mình có thể thay đổi những gì trong cuộc sống hàng ngày?"


Nhiều khi, chỉ cần một sự thay đổi nhỏ thôi, nhưng lại có thể tạo thành lãi suất kép, giúp tạo ra những sự khác biệt to lớn nếu như có thể duy trì được lâu dài.


Nguyên lý này được trình bày rất là rõ trong cuốn sách “Atomic Habits”, James Clear.


Ở trong đây tác giả có chia sẻ các phương pháp rất thực tiễn để bạn có thể tạo dựng cho mình những thói quen mới, được dựa trên một số những nguyên tắc của tâm lý học hành vi và tâm lý học nhận thức, rất dễ hiểu, dễ áp dụng. 


Mình rất khuyến khích mọi người tìm đọc cuốn này nếu như đang muốn tạo ra những sự thay đổi tích cực hơn trong cuộc sống của mình.


Một gợi ý của mình khi bạn bắt đầu suy nghĩ về trật tự sống, đó là hãy nghĩ về tính bền vững của nó (Sustainability)


Tức là lối sống của bạn, nếu như không thể duy trì được lâu dài, thì nó không phải là một lối sống tốt.


Trước đây mình từng kể câu chuyện rằng mình quá nôn nóng muốn thành công khi làm sáng tạo nội dung, nên mình đã push bản thân làm việc quá sức, đến độ bị burn-out. 


Nó khiến sức khỏe và tâm trạng của mình rất tệ, dẫn đến chất lượng công việc bị ảnh hưởng.


Và nó khiến mình nhận ra một nghịch lý rằng: nhiều khi, để phát triển trong công việc, mình không thể chỉ cứ làm, mà cũng cần phải cân bằng với những khoảng thời gian bên ngoài công việc nữa.


Cũng giống như một thiết bị công nghệ, để vận hành được tốt nhất cần phải có thời gian nghỉ ngơi, bảo dưỡng, và nâng cấp.


Vậy nên, một trật tự sống "lý tưởng", luôn cần phải có tính bền vững, bao gồm trong đó sự tự cân bằng, tự cải tiến, liên tục thay đổi và tối ưu cách nó được vận hành.



4. Hành động kỷ luật (execution)


Nếu như “trật tự sống” của bạn giống như một strategy, một kế hoạch chiến lược, thì bước cuối cùng chính là sự triển khai, execution.

 

Để hiện thực hóa được tầm nhìn của mình, chúng ta nhất định sẽ cần phải hành động. Và hành động một cách kỷ luật.


Sự kỷ luật, hay self-discipline, cũng là cái nguyên liệu cuối cùng mà mình muốn chia sẻ trong hệ thống này. 


Mình đã từng chia sẻ khá sâu về sự kỷ luật trong một nội dung trước đây. Nên mình sẽ chỉ muốn nhấn mạnh thêm một điều này:


Sự kỷ luật chính là yếu tố quyết định liệu bạn có thật sự trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình hay không.


Nó biến những ước mơ xa vời trở thành mục tiêu thực tế.


Nó phân biệt những người thinker và những người doer, tức những người chỉ biết nghĩ, và những người thật sự làm.


Và nghĩ, thì đương nhiên, luôn dễ hơn là làm. 


Kỷ luật mang bạn đến gần với phiên bản tốt hơn
Kỷ luật mang bạn đến gần với phiên bản tốt hơn

Vậy tại sao self-discipline lại quan trọng đến như vậy?


Bởi vì kể cả khi bạn đã bắt đầu quá trình thay đổi của mình, đã loại bỏ đi những thói quen tiêu cực, và hình thành nên cho mình những chuỗi hành động mới...


Thì vẫn có rất nhiều khả năng bạn bị kéo ngược trở về với con người cũ của mình.


Những thói quen cũ lại quay trở lại. 


Những thói quen mới không duy trì được lâu.


Rồi bạn nhận ra cảm hứng và động lực nhất thời không thể giúp bạn đến được nơi bạn muốn đến, không thể giúp bạn thật sự trở thành một phiên bản tốt hơn như tầm nhìn của chính bạn.


Giải pháp cho vấn đề này, theo như mình nhận thấy, đó là hãy có sự cam kết với chính mình.


Mặc dù sẽ có những ngày, thậm chí là những tuần, sẽ rất khó khăn để có thể hành động được nhất quán với tư duy.


Và mình nghĩ việc này là hết sức bình thường.


Nhưng điều quan trọng là sau đấy, bạn không được từ bỏ, phải tiếp tục hành động và giữ cam kết của mình. 


Cứ lặp đi lặp lại như vậy, thì những hành động này của bạn sẽ trở thành tự động, sự kỷ luật sẽ dần trở thành tự nhiên, tư duy và hành động dần trở nên nhất quán hơn.


Và mỗi ngày, bạn cũng sẽ lại tốt hơn một chút. 


Như một câu này, mình không chắc có phải của Aristotle hay không, nhưng mà nó đại ý rằng:


“Bạn chính là những gì được mình lặp đi lặp lại. Sự xuất sắc của bạn, do đó không phải chỉ là một hành động, mà đơn giản là một cái thói quen”. 


Dành cho những ai đang gặp khó khăn với sự tập trung trong học tập và công việc: mới đây mình có ra mắt khóa học Deeper Focus, cung cấp cho bạn các kiến thức và giải pháp để giúp bạn vượt qua vấn đề này, có sự tập trung tốt hơn, và đạt được hiệu suất cao trong cuộc sống: https://www.cosmicwriter.co/deeper-focus

Lời kết


Trong cuốn “Beyond Order” của giáo sư tâm lý Jordan Peterson, có một chương sách với tiêu đề mà mình rất thích: 


“Imagine who you could be, and then aim single-mindedly at that”.


Hãy xác định xem bạn có thể trở thành ai, và rồi hãy nỗ lực một cách bền bỉ và tập trung hướng về mục tiêu đấy.


Bản thân mình rất thích khái niệm “phiên bản tốt hơn của chính mình”.


Vì nó không phải là mình đang cố gắng để trở thành bất kì ai khác. Mà mình vẫn là mình, chỉ là một phiên bản được phát triển hơn mà thôi.


Nếu như mình có thể khai phóng tất cả những tố chất, những tiềm năng mình có, thì mình sẽ trở thành một con người thế nào? 


Mình nghĩ đây là một câu hỏi quan trọng dành cho người trẻ. Khi chúng ta mới bước vào cuộc đời, thì tương lai còn đang rộng mở, chặng đường phía trước còn rất dài, vậy nên điều quan trọng là chúng ta sẽ trở thành ai, sẽ trưởng thành và khôn ngoan hơn thế nào.


Và mình cũng tin rằng, tất cả chúng ta, đều sẽ có quyền tự do để quyết định con người mình sẽ trở thành.


Nếu như đã đọc đến đây, mình cho rằng bạn cũng đang muốn tạo ra được những sự thay đổi tích cực và ý nghĩa trong cuộc sống.


Mình hy vọng rằng, những chia sẻ này đã mang đến cho bạn những gợi ý có giá trị, cũng như là một chút động lực cho hành trình phát triển của bạn.


Hà Minh a.k.a Cosmic Writer


Commentaires


bottom of page