Tác giả: Kendra Cherry
Khái niệm bản thân” (self-concept) có thể được hiểu là hình ảnh chúng ta có về chính bản thân mình. Hình tượng này được tạo thành thông qua nhiều cách, bao gồm sự tương tác của chúng ta với những người quan trọng trong cuộc sống.
Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về khái niệm bản thân, bao gồm cả việc liệu nó có thể thay đổi được hay không và một vài giả thuyết liên quan đến danh tính bản thân (self-identity) và tự nhận thức về bản thân (self-perception).
KHÁI NIỆM BẢN THÂN (SELF-CONCEPT) LÀ GÌ?
Khái niệm bản thân là cách chúng ta tự nhận thức các hành vi, các khả năng và các đặc điểm riêng biệt của mình. (1)
Ví dụ, những niềm tin như "tôi là một người bạn tốt" hoặc "tôi là một người tử tế", là một phần trong tổng thể của “khái niệm bản thân”.
Sự tự nhận thức (self-perception) của chúng ta về mình là rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến những động cơ thúc đẩy, thái độ và hành vi của chúng ta. Nó cũng tác động đến cách chúng ta cảm nhận về con người mà chúng ta nghĩ rằng chúng ta là, bao gồm việc liệu ta có năng lực, hoặc có giá trị hay không. (2)
Khái niệm về bản thân có xu hướng dễ uốn nắn hơn khi chúng ta còn trẻ, vẫn còn đang trong quá trình khám phá bản thân và hình thành nhân cách. Khi càng lớn và dần biết rõ hơn rằng mình là ai, cũng như biết điều gì là quan trọng với mình, những nhận thức về bản thân này của chúng ta trở nên cụ thể và chi tiết hơn nhiều.
Về cơ bản nhất, “self-concept” là một tập hợp những niềm tin mà con người ta có về chính mình, và về những phản ứng của người khác với mình. Nó được hiện thân trong câu trả lời cho câu hỏi: "Tôi là ai?”
BA PHẦN CỦA "KHÁI NIỆM BẢN THÂN"
Nhà tâm lý học nhân văn Carl Rogers cho rằng “khái niệm bản thân” của chúng ta được tạo thành từ ba thành tố khác nhau:
1. Bản thể lý tưởng (Ideal self): Bản thể lý tưởng là con người bạn muốn trở thành. Bản thể này có các thuộc tính hoặc phẩm chất mà bạn đang hướng tới hoặc muốn sở hữu. Đó là con người bạn tự hình dung mình sẽ trở thành, nếu như bạn có thể trở thành chính xác những gì bạn muốn.
2. Hình tượng bản thân (Self-image): Hình tượng bản thân là cách bạn tự nhìn nhận chính mình tại thời điểm hiện tại. Các thuộc tính như đặc điểm ngoại hình, đặc điểm tính cách và vai trò xã hội đều ảnh hưởng đến “hình tượng bản thân” của bạn.
3. Lòng tự trọng (Self-esteem): Bạn yêu thương, chấp nhận và trân trọng bản thân đến mức nào, tất cả đều góp phần làm nên “khái niệm bản thân” bạn dưới hình thức của lòng tự trọng. Lòng tự trọng có thể bị tác động bởi một vài yếu tố — bao gồm cách người khác nhìn nhận bạn, cách bạn nhìn nhận bản thân so với người khác, và vai trò của bạn trong xã hội. (3)
TÍNH ĐỒNG NHẤT VÀ PHI ĐỒNG NHẤT
“Khái niệm bản thân” (self-concept) không phải lúc nào cũng tương thích với thực tế. Khi có sự tương thích, “khái niệm bản thân” của bạn được cho là “đồng nhất” (congruence). Nếu không có sự tương thích giữa cách bạn nhìn nhận bản thân (self image) và con người bạn mong ước (ideal self), thì “khái niệm bản thân” của bạn là “phi đồng nhất” (incongruence). Sự phi đồng nhất này có thể tác động tiêu cực đến lòng tự trọng (self-esteem) của bạn. (4)
Rogers cho rằng tính phi đồng nhất này bắt nguồn sớm nhất là từ thời thơ ấu. Khi cha mẹ đặt ra điều kiện về tình cảm đối với con cái (chỉ thể hiện tình yêu thương nếu đứa trẻ chứng tỏ mình “xứng đáng” thông qua một số hành vi nhất định, hoặc bắt chúng phải sống đúng theo kỳ vọng), những ký ức ấy của con trẻ dần bị bóp méo, khiến chúng cảm thấy không xứng đáng được cha mẹ yêu thương. (4)
Mặt khác, tình yêu thương vô điều kiện (unconditional love) giúp củng cố sự đồng nhất (của “khái niệm bản thân”). Những đứa trẻ may mắn được trải nghiệm tình yêu thương như vậy từ gia đình, sẽ không cảm thấy cần phải liên tục bóp méo những ký ức chỉ để tin rằng người khác sẽ yêu thương và chấp nhận chúng như những gì chúng vốn có.
"KHÁI NIỆM BẢN THÂN" PHÁT TRIỂN VÀ THAY ĐỔI THẾ NÀO?
1. Quá trình phát triển
Một phần, “khái niệm bản thân” phát triển thông qua sự tương tác của chúng ta với mọi người xung quanh. Ngoài các thành viên trong gia đình và những người bạn thân, các cá nhân khác trong cuộc sống của chúng ta cũng có thể góp phần tạo nên nhân cách của chính chúng ta.
Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy rằng: nếu giáo viên càng tin tưởng vào khả năng của một học sinh giỏi, thì học sinh đó càng có “khái niệm bản thân” phát triển hơn. (5) (Thú vị rằng, không có mối liên hệ nào như vậy được tìm thấy ở những sinh viên có thành tích thấp.)
“Khái niệm bản thân” cũng có thể được phát triển thông qua những câu chuyện mà chúng ta được nghe. Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy rằng những độc giả nữ bị "đắm chìm" vào một câu chuyện có nhân vật chính với vai trò giới tính theo hệ tư tưởng truyền thống thì họ thường sẽ có “khái niệm bản thân” với tính nữ quyền nhiều hơn. (6)
Các phương tiện truyền thông cũng đóng một vai trò trong việc phát triển “khái niệm bản thân” — cả phương tiện truyền thông đại chúng lẫn phương tiện truyền thông xã hội. Khi những nền tảng này tung hô những hình tượng nhất định, chúng ta có nhiều khả năng biến những hình tượng đó thành hình mẫu lý tưởng của riêng mình. Và khi những lý tưởng này càng xuất hiện thường xuyên hơn, nó càng ảnh hưởng đến bản dạng của chúng ta, cũng như cách chúng ta tự nhìn nhận chính mình. (7)
2. Khả năng thay đổi
“Khái niệm bản thân” không phải là cố định, và có thể thay đổi. Môi trường của chúng ta đóng một vai trò trong quá trình này, những nơi có nhiều ý nghĩa đối với ta sẽ góp phần tạo nên “khái niệm bản thân” của ta trong tương lai, thông qua cách chúng ta liên hệ mình với những môi trường này, cũng như cách xã hội liên hệ với chúng. (8 )
“Khái niệm bản thân” (cũng có thể thay đổi dựa trên những người mà chúng ta tương tác. Điều này đặc biệt đúng đối với những cá nhân giữ vai trò lãnh đạo vì họ có thể tác động đến cái tôi tập thể (the collective self) (cái tôi trong các nhóm xã hội) và cái tôi quan hệ (the relational self) (cái tôi trong các mối quan hệ). (9)
Trong một số trường hợp, các chẩn đoán y khoa có thể thay đổi “khái niệm bản thân” (self-concept) bằng cách giúp mọi người hiểu tại sao họ có cảm thấy như vậy — chẳng hạn như khi ai đó nhận được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ (autism) muộn hơn trong cuộc đời, cuối cùng thì họ cũng hiểu rõ ràng lý do tại sao họ luôn cảm thấy khác biệt. (10)
CÁC GIẢ THUYẾT KHÁC
Cũng như nhiều chủ đề trong tâm lý học, các lý thuyết gia cũng đã đề xuất những suy luận khác nhau về “khái niệm bản thân”.
1. Bản sắc xã hội (social identity)
Nhà tâm lý học xã hội Henri Tajfel đã phát triển học thuyết bản sắc xã hội (social identity), trong đó tuyên bố rằng khái niệm bản thân bao gồm hai thành phần chính: (11)
- Bản sắc cá nhân (personal identity): những đặc điểm và nét riêng biệt khiến bạn trở nên độc nhất.
- Bản sắc xã hội (social identity): bạn là ai trên góc độ là một thành viên trong các cộng đồng, hội nhóm, xã hội. Ví dụ như đội thể thao, nhóm tôn giáo, đảng phái chính trị hoặc tầng lớp xã hội.
Lý thuyết này cho rằng bản sắc xã hội ảnh hưởng đến khái niệm bản thân của chúng ta, do đó tác động đến những cảm xúc và hành vi của chúng ta. Ví dụ như: trong thể thao, khi đội của chúng ta thua, ta sẽ cảm thấy buồn cho đội mình (cảm xúc) hoặc sẽ thể hiện hành động chống đối lại đội chiến thắng (hành vi). (12)
2. Góc nhìn đa chiều (multidimensional)
Nhà tâm lý học Bruce A. Bracken đưa ra một lý thuyết hơi khác biệt, khi ông tin rằng “khái niệm về bản thân” là đa chiều, bao gồm 6 đặc điểm độc lập như sau: (13)
- Học thuật: sự thành công hay thất bại của bạn ở trường học
- Cảm xúc: sự nhận thức của bạn về các trạng thái cảm xúc
- Năng lực: khả năng của bạn để đáp ứng các nhu cầu cơ bản
- Gia đình: bạn đóng vai trò quan trọng ra sao trong gia đình
- Thể chất: cảm nhận của bạn về ngoại hình, sức khỏe, tình trạng thể chất và diện mạo tổng thể của mình
- Xã hội: khả năng tương tác của bạn với những người khác
Vào năm 1992, Bracken đã phát triển “thang đo khái niệm bản thân đa chiều” (Multidimensional Self-Concept Scale), một hệ thống đánh giá toàn diện giúp nhận định giá trị của từng yếu tố trong số 6 yếu tố nêu trên đối với “khái niệm bản thân” (self-concept) ở trẻ em và thanh thiếu niên. (13)
Tác giả: Kendra Cherry
Nguồn: Verywellmind
Dịch bởi: Quỳnh Nhi
Biên tập: Hà Minh
Tham khảo:
(1) Bailey JA 2nd. Self-image, self-concept, and self-identity revisited. J Natl Med Assoc. 2003;95(5):383-386.
(2) Mercer S. Self-concept: Situating the self. Psychology for Language Learning. 2012.
(3) Argyle M. Social encounters: Contributions to Social Interaction. 1st ed. 2008.
(4) Koch S. Psychology: A study of a science. Vol. III. Formulations of the person and the social context. 1959:184-256.
(5) Pesu L, Viljaranta J, Aunola K. The role of parents' and teachers' beliefs in children's self-concept development. J App Develop Psychol. 2016;44:63-71.
(6) Richter T, Appel M, Calio F. Stories can influence the self-concept. Social Influence. 2014;9(3):172-88.
(7) Vandenbosch L, Eggermont S. The interrelated roles of mass media and social media in adolescents' development of an objectified self-concept: A longitudinal study. Communc Res. 2015.
(8 ) Prince D. What about place? Considering the role of physical environment on youth imagining of future possible selves. J Youth Stud. 2014;17(6):697-716.
(9) Kark R, Shamir B. The dual effect of transformational leadership: priming relational and collective selves and further effects on followers. Transformational and Charismatic Leadership: The Road Ahead 10th Anniversary Ed. 2013.
(10) Bullus E, Sesterka A. When a late diagnosis of autism is life-changing: A diagnosis of autism in adulthood can change self-concept for the better. Psychology Today Australia.
(11) Tajfel H, Turner J. An integrative theory of intergroup conflict. Key Readings in Social Psychology. Intergroup Relations: Essential Readings. 2001.
(12) Scheepers D. Social identity theory. Social Psychol Act. 2019.
(13) Bracken BA. Multidimensional Self Concept Scale. 1992.
Comments