top of page

"Siddhartha" - Hermann Hesse

“Siddhartha” là một tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn người Đức Hermann Hesse. Bản dịch tiếng Việt còn thường được biết đến với tên gọi “Câu Chuyện Dòng Sông”.


Được xuất bản bằng tiếng Đức năm 1922, cuốn sách trở nên có tầm ảnh hưởng lớn vào thập niên 60 cùng với phong trào phản văn hoá (counterculture). Ở giai đoạn này, lối sống hippie và trào lưu sử dụng chất thức thần trở nên phổ biến, đặt nền móng cho phong trào tâm linh New Age, và nhờ đó mang lại cho “Siddhartha” một sự thành công mới.


Thoạt nhiên, Siddhartha là một cuốn sách mỏng, và do đó không ngốn quá nhiều thời gian để đọc. Tuy vậy, nếu như vì số lượng trang mà đánh giá thấp cuốn sách này thì quả thật sai lầm, vì Siddhartha tuy ngắn nhưng vô cùng cô đọng. Nó đòi hỏi người đọc cần phải nghiền ngẫm, cảm nhận, và bóc tách những tầng sâu ẩn ý được chôn giấu dưới lớp ngôn từ thần bí và trừu tượng.


 

Siddhartha lấy bối cảnh ở Ấn Độ từ thời Đức Phật đang tại thế. Chàng trai trẻ Siddhartha là con của một Brahmin, mang đẳng cấp cao thượng nhất trong hệ thống phân tầng xã hội thời bấy giờ. Bên cạnh việc được thừa hưởng một điều kiện sống sung túc, Siddhartha còn có học thức cao rộng và lối hành xử hoà nhã, khiến anh được nhận sự yêu mến của tất cả mọi người.


Thế nhưng, khát vọng được thấu tỏ chân lý, được chạm đến một “sự thật tối hậu” khiến Siddhartha không cảm thấy thoả mãn với những câu trả lời được bày sẵn của người Brahman. Anh đã quyết định cùng với Govinda - người bạn thuở thiếu thời vốn ngưỡng mộ anh, từ bỏ cuộc sống đủ đầy để đi cùng các samana (những nhà sư lang thang).


Tầm ảnh hưởng của triết lý Ấn Độ lên câu chuyện là vô cùng rõ nét, khi nhân vật chính và tiêu đề của cuốn sách được lấy tên của chính Đức Phật Siddhartha Gautama. Điều này tuy có thể vô tình tạo ra hiểu lầm cho người đọc, nhưng cũng có thể nói: Siddhartha là một “cuộc đời khác” của Đức Phật - một nhân vật hư cấu được tạo dựng nên từ hình ảnh của ngài, phản chiếu lại qua sự sáng tạo vừa kiêu ngạo lẫn khiêm nhường của Hermann Hesse.


Bản thân Siddhartha - nhân vật chính của câu chuyện, cũng có cơ hội được tình cờ diện kiến Đức Phật, nơi anh - với tất cả kiến thức và sự ngang bướng của tuổi trẻ, đã đặt ra hoài nghi với giáo lý của ngài để rồi tự mình tìm lối đi riêng. Lựa chọn ấy khiến Siddhartha phải nói lời chia tay với Govinda, khi người bạn đồng hành của anh quyết định tham gia cùng đoàn tăng lữ của Phật.


 

Ngòi bút của Hermann Hesse thể hiện chân thật tinh thần của cuốn sách, khi từng câu chữ được phóng tác một cách bay bổng, tự do, phóng đãng như không bị ràng buộc vào bất cứ quy chuẩn, cấu trúc, hay nguyên tắc nào. Lối viết của Hesse không lậm vào những miêu tả cảnh quan dông dài. Ông khéo léo dẫn dắt và giúp người đọc thấu cảm được tâm tư của nhân vật bằng những từ ngữ tượng hình tượng thanh đậm chất thơ, và hầu như chỉ tập trung vào những gì cốt yếu nhất.


Văn phong của Hermann Hesse giống như một bài kinh, một bài văn tế, hay thậm chí một nhạc phẩm indie: nó hoàn toàn khác biệt với những văn bản đại chúng thông thường. Những vần điệu của nó dường như không dễ để cảm thụ, nhưng một khi đã “ngấm” rồi thì lại rất dễ gây “nghiện”.


Herman Hesse đã thật sự chơi đùa với ngôn ngữ: ông cho thấy sự huyền nhiệm hư ảo mà từ ngữ có thể khêu gợi được nơi tâm hồn người đọc, nhưng đồng thời cũng vạch trần được sự gò bó hạn hẹp của nó khi ta tự ràng buộc mình trong những khái niệm, trong những suy nghiệm thừa thãi vốn chỉ đẩy ta dần xa khỏi chân lý. Ngòi bút ấy đã mang lại cho Herman Hesse giải Nobel văn chương năm 1946, một yếu tố góp phần tạo nên sức hút cho tác phẩm của ông.


 

Ở một góc độ nào đó, “Siddhartha” là một cuốn sách tâm linh và triết học. Chứa đựng trong đó là những diễn giải siêu hình về bản chất vô thường của vạn vật, và về hành trình kiếm tìm một chân lý phổ quát nhất cho sự tồn tại của con người trong đó. Những quan điểm triết lý ấy tuy bắt nguồn cảm hứng từ Phật giáo, nhưng nó đồng thời vượt ra ngoài khuôn khổ của Phật giáo, (hay thậm chí đi ngược lại Phật giáo, với tầm ảnh hưởng không thể chối cãi của chủ nghĩa cá nhân Tây phương).


Được lồng ghép thông qua những thăng trầm sướng khổ xuyên suốt cuộc đời của chàng Siddhartha, những triết lý ấy không khô khan mà mang đậm tính nhân văn. Đối với tôi, “Siddhartha” như thể là một câu chuyện truyền thuyết thời hiện đại, một phiên bản thần thoại tâm linh của thế kỷ 20.


Tuy tôi không dám nhận rằng mình theo Phật, nhưng cũng đã thân quen với triết lý của những bậc guru New Age như Eckhart Tolle hay Alan Watts, vậy nên những khái niệm được nhắc tới trong “Siddhartha” không làm tôi cảm thấy xa lạ. Vậy nhưng, có thể những khái niệm này sẽ khó hiểu với những ai chưa từng tiếp xúc với văn hoá tâm linh (hay thậm chí có thành kiến với nó).


“Chân lý” của Siddhartha có lẽ không dễ để diễn đạt thành lời. Mặt khác, bản thân chính Hermann Hesse cũng đã nhấn mạnh điều ấy trong cuốn sách. Nhưng có thể nói, chân lý ấy hướng về khái niệm “thiên địa vạn vật đồng nhất thể” trong triết học phương Đông. Trong vũ trụ quan ấy, thời gian chỉ là một khái niệm. Và do đó: quá khứ và tương lai là một, khởi đầu và kết thúc cũng là một. Không có sự chia tách giữa cái cá thể và cái toàn thể, vì tất cả đều là những sự trình hiện của cùng một thực tại, cùng một sự chuyển động luân hồi vô tận của vạn vật.


Hesse viết: “Và tất cả mọi thứ ấy, mọi âm thanh, mọi mục đích, mọi khát vọng, mọi khổ đau, mọi vui sướng, mọi thiện ác, tất cả hợp thành thế giới. Tất cả hợp thành dòng sông của sự kiện, là khúc nhạc đời.”


Và cũng vì lẽ đó, chân lý sẽ không thể được lĩnh hội bằng suy tư, không thể được lưu giữ trong những ý niệm hạn hẹp của ngôn từ, mà cần phải được giác ngộ bằng chính những trải nghiệm sướng khổ tột cùng mà mỗi người trực tiếp đi qua, thông qua cánh cổng của nhận thức - thứ kết nối con người và vũ trụ trong một thể đồng nhất tuyệt đối.


 

Đối với tôi, những ý nghĩa Hermann Hesse truyền tải qua “Siddhartha” là vô cùng sâu sắc, và thể hiện rõ rằng những chân lý ấy cũng đã được bản thân tác giả chứng nghiệm ít nhiều. Văn phong của ông tuy khó đọc, nhưng đôi chỗ vẫn được điểm xuyết những hình ảnh ẩn dụ tinh tế khiến tôi ấn tượng. Tư tưởng của Hesse cho thấy có nét tương đồng với câu nói của triết gia Alan Watts mà tôi thật lòng tâm đắc: “chúng ta là vũ trụ đang tự trải nghiệm chính mình”.


Điểm thiếu sót tôi dễ nhận thấy nhất ở “Siddhartha” (trên góc độ của một cuốn tiểu thuyết), là ở cấu trúc của mạch truyện. Triết lý của “Siddhartha” không thật sự bị thách thức bởi một phản đề đủ sức nặng, thiếu vắng một sự mâu thuẫn biện chứng với một tư tưởng trái ngược, mà dường như là một màn độc thoại nội tâm mà tác giả muốn truyền tải thông qua lời nhân vật. Và do đó, góc nhìn của Hermann Hesse sẽ có thể thiếu tính thuyết phục với những ai đã sẵn có một quan điểm đối lập.


Nhưng nhìn chung, “Siddhartha” là một tác phẩm kinh điển đáng đọc dành cho những ai có tâm trí cởi mở, hoặc đã có chút kinh nghiệm về văn hoá tâm linh, và muốn khám phá những cách biểu đạt văn chương khác lạ.


Rating: 8.5/10


Cosmic Writer

Comentários


bottom of page