Bạn có biết, bạn đang sở hữu ngay bên trong mình những siêu năng lực. Những sức mạnh tiềm ẩn có thể giúp bạn tạo dựng được một cuộc sống thành công và hạnh phúc.
Mình không nói đến việc đọc suy nghĩ của người khác, đoán trước tương lai, hay một thứ gì siêu nhiên cả.
Đầu tiên, để mình giải thích một chút:
Siêu năng lực, chỉ mang tính chất cường điệu hóa. Nó không phải siêu năng lực như trong những bộ phim, nhưng mình vẫn muốn gọi như vậy, thứ nhất là để cho nó thú vị hơn, và thứ hai là để nhấn mạnh vào giá trị mà những năng lực này có thể mang lại.
Nghiên cứu, tìm hiểu về tâm lý, triết học… có những động lực trong đời sống tinh thần của con người mình thấy rất khó lý giải bằng ngôn từ và lý luận.
Nhưng từ trải nghiệm và quan sát của bản thân, cũng như từ những gì mình đã nghiên cứu, đây là những yếu tố mang tính quyết định, có thể giúp bạn có một cuộc sống sâu sắc hơn, ý nghĩa hơn, trọn vẹn hơn, ở mọi khía cạnh.
Trước khi mình chia sẻ sâu hơn, mình muốn nhấn mạnh:
Đây có thể là một chủ đề khá trừu tượng, nhưng đồng thời sẽ rất tích cực, và tạo ra những giá trị cực kì lớn cho những ai có thể cảm nhận được những thông điệp này.
Cùng mình khám phá ngay bây giờ nhé.
1. Trực giác
Có bao giờ bạn đang đứng giữa những ngã rẽ và có linh cảm mình nên đưa ra một lựa chọn, hay một quyết định nào đó. Có thể lúc ấy bạn chưa thể lý giải được tại sao, bạn chỉ cảm nhận thôi, nhưng đến cuối cùng, nó là một quyết định đúng? Cái linh cảm đó, được gọi là trực giác.
Bản thân mình có không ít những lần như vậy.
Chẳng hạn như thời điểm mình bắt đầu làm nội dung từ khoảng hơn 2 năm trước. Lúc ấy, mình không biết chắc nó sẽ dẫn đến điều gì. Liệu mình có thể thành công với nó hay không.
Nhưng mình có một linh cảm trực giác khá rõ ràng, rằng công việc này phù hợp với những khả năng của mình, nó có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai, và đây là thời điểm phù hợp để mình bắt đầu.
Đến thời điểm này, mình thấy đó là một trong số những quyết định đúng nhất mình từng đưa ra trong suốt gần 30 năm cuộc đời.
Từ đó mình mới thấy: đôi khi chúng ta biết mình muốn gì. Chúng ta biết mình nên đi về đâu, và lựa chọn như thế nào. Chúng ta cảm nhận thấy nó rất rõ. Nó là thứ mà người ta vẫn gọi là “inner calling”, một lời kêu gọi ở bên trong, hay một cái “gut instinct”, như là một cái linh tính bản năng.
Khái niệm này nghe có vẻ bí ẩn, nhưng thực chất nó là một chức năng sinh học của não bộ. Đó là cách chúng ta xử lý thông tin trong tiềm thức, dựa trên:
Những hiểu biết, kinh nghiệm của chúng ta trong quá khứ
Những vòng lặp thông tin, hay những quy luật trong cuộc sống chúng ta có thể nhận biết.
Thiên hướng bản năng của chúng ta về tính cách, về giá trị sống
Nhờ đó mà trực giác có thể đưa ra quyết định một cách bản năng, trước cả khi chúng ta có thể lý giải được bằng tư duy.
Chẳng hạn như trong việc nhìn người. Một người mentor, một người giáo viên, hay một người sếp… nếu như có khả năng nhìn người tốt, họ có thể nhận biết được người trẻ nào sẽ có tiềm năng phát triển và thành công trong tương lai, có thể là vì họ sở hữu những phẩm chất, những đức tính tương đồng với những người thành công khác.
Hoặc như trong kinh doanh, là khi chúng ta nhìn ra được cơ hội nào đó trong tương lai. Chẳng hạn như Steve Jobs nhìn ra tiềm năng trong việc sản xuất máy tính cá nhân, Elon Musk nhìn ra tiềm năng trong việc sản xuất xe điện.
Tuy nhiên, không phải lúc nào trực giác cũng đúng. Nó sẽ bị hạn chế bởi chính những hiểu biết và kinh nghiệm chúng ta có. Giống như một thuật toán, sẽ cần phải có nhiều input đầu vào, và là những dữ liệu chất lượng, để nó có thể đưa ra những đánh giá đúng.
Vậy nên, nếu như quá phụ thuộc vào trực giác, chúng ta sẽ có thể bị mắc thiên kiến, thiếu đi sự phản tư để cải thiện những phán quyết của mình.
Nhưng mình nghĩ, khi năng lực về trực giác của chúng ta được trở nên nhạy bén hơn, thì nó có thể là một trợ thủ khi chúng ta đưa ra các quyết định, đặc biệt là trong các lĩnh vực chuyên môn mà chúng ta có kinh nghiệm.
Vì chúng ta sẽ không bao giờ có đủ thông tin, hoặc có đủ thời gian để suy nghĩ quá nhiều.
2. Sự đồng cảm
Một trong số những năng lực đặc trưng của con người, trong vai trò là một loài động vật xã hội, đó là khả năng nhận biết và thấu hiểu cảm xúc của người khác mà không cần phải dùng đến ngôn ngữ giao tiếp. Mà cụ thể ở đây, là sự đồng cảm, hay empathy.
Năng lực đồng cảm của chúng ta được tạo thành trong não bộ bởi một hệ thống gọi là “mirror neuron system”.
Đây là một hệ thống các neuron thần kinh có thể cho phép chúng ta sao chép lại những gì chúng ta quan sát thấy ở người khác, có thể là sao chép về hành vi, như khi chúng ta học một kỹ năng nào đó, hoặc như ở trường hợp này, còn là sao chép về cảm xúc.
Nó giúp chúng ta có thể tự đặt mình vào vị trí của người khác, hình dung được những gì mà họ đang cảm nhận, chỉ từ giọng nói hay là những biểu cảm trên khuôn mặt của họ, hay nói cách khác là những tín hiệu phi ngôn ngữ.
Hoặc thậm chí là hiểu được cả nguyên nhân tại sao họ lại cảm thấy như vậy, hoặc là cái động cơ đằng sau những hành động của họ.
Mặc dù bản thân mình không giỏi với kỹ năng này, nhưng mình thấy rằng, những người có thể làm chủ được nó, có thể làm chủ được đời sống xã hội của họ, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Và họ làm được việc này một cách rất tự nhiên. Với điều kiện là họ có sự chân thành và tử tế. Họ sẽ có thể dễ dàng được tin tưởng, được yêu quý, được tôn trọng, được lựa chọn cho những vị trí lãnh đạo, kể cả khi họ không chủ tâm tranh giành nó.
Chẳng hạn như trong lịch sử có Nelson Mandela hay Martin Luther King.
Và mình nghĩ, lý do cho việc này cũng rất đơn giản thôi.
Vì tất cả chúng ta đều muốn được thấu hiểu. Thử tưởng tượng như khi bạn đang trang trải qua khó khăn trong tình cảm, trong sự nghiệp, đang có những cảm xúc không mấy dễ chịu, mà nếu có một ai đó, sẵn sàng lắng nghe, thấu hiểu, chấp nhận và cảm thông với mình, việc đó có thể khiến chúng ta thoải mái và nhẹ nhõm hơn rất nhiều.
Như trong cuốn “On becoming a person” của nhà tâm lý Carl Rogers, ông cho rằng, bản thân việc được thấu cảm như vậy thôi, dù là ở vị trí của người cho hay người nhận, đều có thể giúp chúng ta được chữa lành, và tạo ra những sự chuyển hóa vô cùng đáng kể.
Nó sẽ là nền tảng quan trọng của tình yêu thương và lòng trắc ẩn.
Trong cuộc sống hàng ngày cũng vậy thôi. Bạn hãy thử quan sát điều này trong các mối quan hệ. Sự đồng cảm là điều kiện cần phải có để xây dựng những sự kết nối sâu sắc hơn.
Sẽ rất khó để chúng ta có thể kết nối được với ai nếu như họ chỉ biết nghĩ cho mình, và không có khả năng chia sẻ những niềm vui nỗi buồn với người khác.
Vậy nên mình nghĩ, chúng ta đều nên học cách để đồng cảm với người khác, biết đặt mình vào vị trí của họ và không chủ quan phán xét họ, vì bản thân việc này cũng sẽ giúp cuộc sống của chúng ta được trở nên ý nghĩa hơn.
3. Lương tâm
Cái siêu năng lực tiếp theo, là một thứ rất khó để chia sẻ. Nhưng mình nghĩ, đây lại là một trong số những điều quan trọng nhất giúp chúng ta trở thành một con người. Đó là lương tâm, hay là năng lực về đạo đức mà mỗi chúng ta sở hữu.
Nói đến đây có thể bạn sẽ nghĩ: lại chuẩn bị nói đạo lý đúng không? Nhưng để mình giải thích một chút.
Quan niệm thế nào là đạo đức, cũng có rất nhiều cách để định nghĩa. Đối với mình, nó không phải là những giáo điều rằng bạn phải làm thế này, không được làm thế kia… đó mới chỉ là những cái phép tắc về đạo đức, và nó có thể có những sự khác biệt ở từng thế hệ, từng nền văn hóa, từng trường phái triết học.
Nhiều người cho rằng, đạo đức chỉ là những gì số đông cho là đúng. Cách hiểu này không sai, nhưng lại mang tính giản lược và còn khá là hạn chế.
Thực chất, đạo đức là những giá trị cần phải có để xã hội có thể sinh tồn và phát triển. Và theo thời gian, nó dần trở thành một phần trong bản chất của con người, là khả năng phân biệt được phải trái đúng sai của chúng ta, và một cái tâm hướng đến cái tốt, cái thiện ở bên trong mỗi người.
Nó đã được minh chứng là có liên hệ đến cấu trúc của não bộ, chẳng hạn như vùng não amygdala trong việc xử lý cảm xúc, hay vùng não prefrontal cortex trong việc đưa ra các lý luận logic.
Có thể xem cái năng lực về đạo đức này, là một dạng chức năng tâm lý, mà giáo sư Joshua Greene tại Harvard gọi là moral cognition.
Trong lịch sử, nó được tạo thành theo tiến trình phát triển của xã hội, khi con người ngày xưa tập hợp lại và xây dựng những nền văn minh.
Xã hội phát triển càng phức tạp, nhu cầu về đạo đức của con người cũng càng tăng lên và trở nên sâu sắc hơn, vì nó là nền tảng cho sự tin tưởng, sự hợp tác, giúp cho con người có thể chung sống với nhau một cách hòa hợp và bền vững.
Ai cũng đều có những thiếu sót và hạn chế, và bản thân mình cũng vậy. Không có một cá nhân nào là hoàn hảo về đạo đức. Cũng không có một hệ giá trị đạo đức nào là tuyệt đối, được đồng thuận bởi tất cả mọi người.
Nhưng mình cho rằng nó là một sức mạnh về tinh thần vô cùng ý nghĩa, là động lực để chúng ta rèn giũa bản thân mình, là định hướng và tiêu chuẩn cho những quyết định của chúng ta.
Việc hành động theo những gì chúng ta cho là đúng, cho dù nhiều khi nó không mang lại lợi ích tức thời, nhưng nó cũng vẫn giúp xây dựng được lòng tự trọng, và sự bình an, thanh thản trong tâm của mình.
Để hiểu đơn giản, lương tâm là thứ chỉ dẫn cho chúng ta trở thành một con người tốt hơn.
4. Niềm tin
Siêu năng lực tiếp theo mình muốn chia sẻ, là một thứ cực kì quen thuộc, đó là niềm tin.
Ngày xưa, mọi người hay thường lấy cái khái niệm “niềm tin” ra để đùa. Như kiểu là: “không có tiền thì sống bằng niềm tin à?”
Nhưng có một sự thật mình nhận ra trong vài năm gần đây, rằng niềm tin cốt lõi của chúng ta, sẽ có những tác động cực kì lớn, thậm chí sẽ quyết định cuộc sống của chúng ta hàng ngày.
Các nhà tâm lý gọi đây là những cái core beliefs, đó là những suy nghĩ mặc định rất sâu bên trong chúng ta về người khác, về thế giới xung quanh, hay là về chính bản thân mình.
Và dù là đúng hay sai, những niềm tin đó cũng sẽ là gốc rễ, định hình nên mindset, thế giới quan, nhân sinh quan của chúng ta, và từ đó định hình nên cách chúng ta tư duy và hành động.
Nếu như có những niềm tin tiêu cực, chúng ta sẽ khó có thể cải thiện được cuộc sống, cho đến khi chúng ta nhận diện và tháo gỡ được những niềm tin đó.
Chẳng hạn, bạn có niềm tin rằng mình kém cỏi và không xứng đáng được yêu thương, bạn sẽ có giá trị về bản thân thấp.
Bạn sẽ trở nên nhạy cảm với hành vi và lời nói của người khác, và sẽ có xu hướng chạy theo làm hài lòng người khác để được công nhận. Hoặc bạn sẽ nghĩ là: đằng nào mình cũng thất bại, có cố gắng cũng chẳng để làm gì.
Và chúng ta rất thường xuyên không tự nhận ra được những niềm tin sâu xa này cho đến khi chúng ta tìm hiểu về chính mình, đi sâu vào nội tâm, hoặc tìm đến các phương pháp trị liệu.
Vì chúng ta đều rất giỏi trong việc lý luận để biện minh cho những niềm tin của mình. Bao gồm cả những niềm tin sai lầm.
Hoặc như với mình, mình từng có những niềm tin rằng mình không giỏi thuyết trình, không giỏi lãnh đạo, không giỏi kinh doanh… và vì thế nên thường né tránh những việc này.
Cho đến khi hoàn cảnh và yêu cầu công việc buộc mình phải làm, mình mới nhận ra, mình không có tệ như mình nghĩ. Đó cũng chỉ đơn giản là những kỹ năng mình hoàn toàn có thể rèn luyện và trở nên xuất sắc hơn. Mình chưa giỏi, không có nghĩa là mình sẽ không làm được, hoặc sẽ không thể giỏi hơn.
Đó cũng là khi mình nhận ra, những niềm tin tiêu cực đó về bản thân đã hạn chế mình, và lấy đi của mình rất nhiều cơ hội để phát triển.
Vậy nên, niềm tin là thứ vô hình, nhưng có sức mạnh vô cùng lớn. Nếu như không có niềm tin vào tiềm năng của bản thân, chúng ta sẽ không sẵn sàng rèn luyện và phát triển chính mình. Nếu như không có niềm tin về một tương lai tươi sáng hơn, chúng ta sẽ không có lý do để cố gắng tiếp tục.
Ngược lại, cũng đừng để những niềm tin tiêu cực và sai lầm kìm hãm mình. Chúng ta sẽ cần phải có sự phản tư để tự nhìn lại bản thân, đặt ra câu hỏi, sẵn sàng soi xét lại những gì chúng ta luôn cho là đúng, liên tục kiểm chứng và đối chiếu với trải nghiệm của bản thân.
Mình nghĩ, đó sẽ là cách tốt nhất để chúng ta tận dụng sức mạnh của niềm tin, và lấy đó làm đòn bẩy để phát triển cuộc sống của mình.
5. Ý chí
Siêu năng lực cuối cùng mình muốn chia sẻ, cũng là thứ mà mình nghĩ rằng tất cả chúng ta đều muốn được sở hữu nhiều hơn.
Nó là thứ sẽ quyết định việc bạn có đạt được mục tiêu của mình hay không, có hành động được nhất quán theo những gì bạn cho là đúng hay không, và có thật sự cải thiện được cuộc sống của mình hay không.
Đó là ý chí cá nhân, hay willpower.
Ý chí cá nhân là sức mạnh đằng sau kỷ luật bản thân, là thứ thúc đẩy bạn thức dậy mỗi khi cảm thấy muốn ngủ tiếp vào mỗi sáng, là thứ khiến bạn phải tập trung ngồi vào bàn làm việc cho dù bạn chỉ đang thấy muốn giải trí một lúc…
Hoặc có thể hiểu đơn giản, willpower là cái năng lực tự kiểm soát được chính mình.
Cho dù bạn có suy nghĩ tích cực như thế nào, bạn biết là mình cần phải rèn luyện bản thân, phải phát triển các kỹ năng, phải nỗ lực trong học tập và sự nghiệp…
Nhưng nếu như bạn không có ý chí để thật sự biến những ý nghĩ đó thành hành động, mọi thứ sẽ chẳng có giá trị gì cả.
Bạn thậm chí còn sẽ cảm thấy tệ hơn, khi tự thấy rằng là đến chính mình mà mình còn chưa kiểm soát được, thì mình có thể làm được gì khác.
Hy vọng là nói đến đây không ai cảm thấy như đang bị nhắc nhở. Nhưng đây thực chất cũng chính là trải nghiệm của mình.
Mình cũng từng chia sẻ trước đây rồi, những năm đầu tuổi 20, mình từng làm bạn với sự trì hoãn. Và càng trì hoãn, cuộc sống của mình càng đi xuống, mình lại càng cảm thấy có lỗi.
Nhưng đến khi dần học cách để tự kỷ luật, mình mới thoát được khỏi vòng lặp này, và cuộc sống của mình mới dần khá hơn.
Thời gian đầu, mình đã phải cần đến rất nhiều cố gắng mới dần tạo ra được sự thay đổi. Ý chí giúp mình tạo ra kỷ luật, để đọc hết được một cuốn sách, để xỏ giày chạy ra phòng gym, cho dù nhiều khi việc chơi game và xem phim là những sự lựa chọn dễ dàng hơn.
Nhưng sau một thời gian, mình thấy rằng, willpower của chúng ta, nó cũng giống như bất kì thứ gì khác thôi. Một thói quen, một kỹ năng, một nhóm cơ… nó có thể được phát triển theo thời gian nếu như chúng ta rèn luyện nó thường xuyên.
Nó liên quan đến một vùng não trước trán, gọi là prefrontal cortex, và là một chức năng nhận thức bậc cao của con người.
Nó cho phép chúng ta suy nghĩ và hành động một cách logic hơn, theo như những chủ đích của mình, và có thể kiểm soát được bản thân trước những ham muốn bản năng.
Theo nguyên lý của neuroplasticity, nghĩa là, tính linh hoạt mềm dẻo của não bộ, khi chúng ta thực hành ý chí của mình, là chúng ta đang kích hoạt vùng não trước trán này, giúp chúng ta có thể phát triển và làm chủ được nó tốt hơn.
Đọc một cuốn sách, đi tập gym được một buổi, tập trung học được một hôm… có thể không ngay lập tức thay đổi cuộc sống của bạn, nhưng nó đang giúp bạn phát triển được nội lực đó bên trong mình.
Vậy nên, mình mới luôn nói: không có nỗ lực nào là vô nghĩa cả. Cho dù nhiều khi những cố gắng của bạn chưa tạo thành kết quả, nhưng những sự cố gắng đó vẫn đang rèn luyện con người bạn, trở nên tực giác và tự chủ hơn.
Nó đang giúp bạn rèn luyện được ý chí cá nhân, một thứ sức mạnh vô cùng đặc biệt của con người.
6. Lòng biết ơn
Kể từ khi tìm hiểu về tâm lý học tích cực, mình mới phát hiện ra: có một thứ thần dược, có thể chữa lành được những tổn thương về tâm lý của chúng ta, cải thiện chất lượng đời sống tinh thần, và giúp chúng ta hạnh phúc hơn về lâu dài.
Đó là gratitude, hay lòng biết ơn.
Nếu như bạn quan tâm tới chữa lành và đời sống tâm lý, có lẽ không còn xa lạ với khái niệm này.
Đây là một trong số những cảm xúc bậc cao, và nó có thể giúp chúng ta cảm thấy thỏa mãn, trọn vẹn, và đủ đầy với cuộc sống mình đang có, cho dù chúng ta đã thành công hay chưa.
Nó thậm chí còn là giải pháp đơn giản nhất và thực tế nhất cho một số vấn đề như cảm giác cô đơn, trống rỗng, hay là trầm cảm.
Đối với mình, việc thực hành lòng biết ơn là thứ đã giúp cho trạng thái tinh thần của mình ổn định hơn và tích cực hơn đáng kể trong vòng khoảng vài năm qua, mà nếu như ai từng đọc cuốn sách “tìm mình trong thành phố nội tâm”, mình đã dành hẳn một chương để viết khá là sâu về nó.
Và mình nghĩ, chúng ta có thể thực hành và phát triển lòng biết ơn trong cuộc sống của mình hàng ngày một cách cực kì đơn giản.
Đó là hãy trân trọng những gì mình có. Trân trọng những điều mình từng trải qua, trân trọng căn nhà và những món đồ mình đang sở hữu, trân trọng những người thân của mình, những cuộc trò chuyện, những khoảng thời gian chúng ta có với họ, và trân trọng cả chính sự hiện diện của mình ở đây ngay bây giờ, khi mà mình vẫn còn có sức khỏe, vẫn còn có tương lai, vẫn còn có một cuộc đời để sống. Đó là những điều chúng ta không bao giờ nên xem nhẹ.
Và mình nghĩ, nếu như chúng ta có thể biết trân trọng những điều bé nhỏ, bình thường, và hiển nhiên như vậy, chúng ta có thể cảm thấy bình yên, thoải mái, và hạnh phúc trong bất kì hoàn cảnh nào.
Bạn hãy thử dừng lại một chút cảm nhận mà xem: bạn có thời gian, có trí tuệ, có một thiết bị thông minh trước mắt mình, để xem nội dung trên internet. Đây là những điều vô cùng tuyệt vời, những món quà mà không phải ai cũng may mắn có được.
Mình không nói chúng ta phải cảm thấy biết ơn, phải trân trọng mọi thứ mọi nơi mọi lúc, vì việc này gần như là không thể.
Nhưng mình nghĩ, chúng ta chỉ cần nhận thức được rằng mình hoàn toàn có thể nâng cao được trạng thái tinh thần của mình, và quyết định mức độ hạnh phúc của chúng ta nhiều hay ít đến đâu trong cuộc sống.
Và lòng biết ơn, sẽ là thứ sức mạnh để chúng ta có thể làm được việc đó.
Final thoughts
Mình biết, mặc dù mình gọi đây là những cái siêu năng lực, nhưng có thể như bạn cũng đã thấy, thực chất nó không phải là thứ gì siêu nhiên cả.
Đây là những sức mạnh mà dù ít hay nhiều ai cũng đều sở hữu. Nhưng không phải ai cũng nhận thức được về tầm quan trọng của những siêu năng lực này, biết nuôi dưỡng, phát triển, và lấy đó làm chỉ dẫn để tạo dựng một cuộc sống như chúng ta mong muốn.
Bản thân mình, cũng đang cố gắng để thực hành và rèn luyện những khả năng này ở bản thân. Và mình nghĩ, quá trình học hỏi và phát triển này sẽ không bao giờ là đủ cả.
Nhưng điều quan trọng không phải là trở nên lý tưởng, và sống một cuộc sống lý tưởng… mình nghĩ nó không thực tế.
Nhưng mình nghĩ, những ai biết cách để tìm hiểu sâu hơn về chính mình, nhận diện và khai phóng được những tiềm năng như vậy, họ cũng sẽ có những lợi thế cực kì lớn để phát triển cuộc sống, trở nên hạnh phúc và thành công hơn.
Nó không hẳn là để chúng ta đạt đến một cái đích nào cả, mà là để chúng ta tận hưởng cái hành trình của mình nhiều hơn.
Và mình hy vọng những chia sẻ này, những thông điệp này, đã mang lại cho bạn một chút giá trị nào đó. Có thể là gợi lên trong bạn một chút suy nghĩ, một cuộc đối thoại với bản thân, hay một chút cảm hứng để phát triển những năng lực này.
Dù gì đi nữa, mình cũng vẫn rất trân trọng việc bạn đã ở đây, và dành thời gian lắng nghe mình chia sẻ.
Rất cảm ơn bạn, và hẹn gặp bạn ở những nội dung khác.
Hà Minh aka Cosmic Writer
Σχόλια